Bị đau lưng có chữa được không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bị đau lưng có chữa được không?
Bị đau lưng có chữa được không còn tùy thuộc và nguyên nhân và mức độ của cơn đau. Thông thường các cơn đau cấp tính sẽ được cải thiện sau vài tuần. Nhưng đối với đau lưng mãn tính, bệnh nhân có thể phải chịu đau dữ dội và dai dẳng trong thời gian dài.

1. Bị đau lưng có chữa được không?

Hầu hết các cơn đau lưng cấp tính trở nên tốt hơn với một vài tuần điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau, và đau lưng là một tình trạng phức tạp với nhiều mức độ và nguyên nhân. Đối với nhiều trường hợp, cơn đau không biến mất hoàn toàn, mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp giảm triệu chứng.

Để đánh giá bệnh nhân bị đau lưng có chữa được không thì bác sĩ sẽ kiểm tra lưng, khả năng ngồi, đi, đứng và nâng chân. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn đánh giá mức độ đau của bạn theo thang điểm từ 0 đến 10 và nói chuyện với bạn về mức độ bạn hoạt động gây ra các cơn đau. Nếu cảm thấy bệnh nhân chỉ bị đau lưng cấp tính, có thể tự điều trị tại nhà, thì bác sĩ sẽ đưa ra một vài hướng dẫn.

Nếu cảm thấy bệnh khá trầm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu thêm 1 hoặc nhiều xét nghiệm để đánh giá và đưa ra phác đồ điều trị chính xác hơn như chụp X-quang, chụp MRI hoặc CT, xét nghiệm máu, đo xung điện dây thần kinh,....

Như vậy có thể kết luận được rằng, bệnh nhân bị đau lưng cấp tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Đối với bệnh nhân bị đau lưng mãn tính, việc có chữa khỏi hoàn toàn được hay không còn phụ thuộc và nhiều yếu tố như mức độ đau, nguyên nhân gây bệnh, khả năng đáp ứng điều trị, phương pháp điều trị,...

Điều quan trọng là đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu bất thường ở lưng để cơ hội chữa trị cao hơn.

2. Làm sao để chữa trị đau lưng?

2.1. Chữa trị đau lưng cấp tính

- Đối với bệnh nhân bị đau lưng cấp tính, thuốc giảm đau không kê đơn và chườm nóng có thể là tất cả những gì bạn cần. Thuốc giảm đau không kê đơn thường là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen. Thuốc có thể có tác dụng phụ, nên hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng chúng.

- Nghỉ ngơi tại giường không được khuyến khích. Thay vào đó là khuyến khích các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh, vận động sinh hoạt thường ngày,... 

- Nhờ người thân xoa bóp, massage nhẹ nhàng vùng lưng để tăng lưu thông máu, giảm đau.

- Ngủ đủ, ngủ sâu giấc, ngủ đúng tư thế để giảm áp lực lên lưng, giúp lưng được nghỉ ngơi và phục hồi.

- Cải thiện tư thế khi đi, đứng, ngồi và vận động để tránh bị đau lưng tồi tệ hơn.

- Thay đổi chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm lành mạnh, giàu canxi và khoáng chất, giảm chất béo, đường tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn.

2.2. Chữa trị đau lưng mãn tính

- Nói chuyện với bác sĩ, xác định nguyên nhân gây đau lưng. Đầu tiên cần chữa trị các bệnh lý là nguyên do gây đau lưng, trước khi tập trung và chữa trị lưng. Bởi đôi khi, chữa trị dứt điểm các bệnh liên quan, đau lưng cũng sẽ tự hết.

- Tập thể dục là nền tảng của điều trị đau lưng. Với bệnh nhân bị đau lưng trầm trọng, có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia vật lý trị liệu, giúp việc tập luyện dễ dàng và hiệu quả hơn.

- Với các cơn đau lưng khó kiểm soát, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh hoặc vitamin bổ trợ thần kinh để giảm các triệu chứng.

- Châm cứu, xoa bóp, trị liệu phản hồi sinh học,  trị liệu bằng laser, kích thích thần kinh điện,.... là các phương pháp khá hiệu quả, an toàn, không tác dụng phụ đối với bệnh nhân bị đau lưng.

- Nếu bị đau lưng kèm theo các vấn đề về ruột và bàng quang, yếu tay chân, cơ thể kém thăng bằng, bất thường về dáng đi, kém phản xạ,... thì có thể cần can thiệp phẫu thuật.


Tác giả: Minh Vy