Bị chảy máu chân răng có phải là dấu hiệu ung thư máu không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bị chảy máu chân răng có phải là dấu hiệu ung thư máu không?
Bị chảy máu chân răng nhưng không thể cầm được máu có phải dấu hiệu ung thư máu không?

"Chào bác sĩ, em là nữ. Năm nay em 20 tuổi. Gần đây em gặp tình trạng chảy máu chân răng nhưng lại không thể cầm được máu. Nhà em có tiền sử là một bác trai cũng bị chảy máu chân răng như em hồi bé và sau này phát hiện bị ung thư máu. Hiện nay em đang rất lo lắng liệu em có bị ảnh hưởng gì không và em có khả năng bị ung thư máu như bác em không ạ? Bác sĩ cho em xin lời khuyên và cách điều trị, dấu hiệu ung thư máu là gì ạ? Em cảm ơn bác sĩ ạ."

Trả lời:

Chào bạn, tình trạng chảy máu chân răng có thể đến từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như viêm quanh lợi, viêm lợi, u lợi,... Trường hợp thường gặp là do viêm lợi và vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tụt lợi. Ngoài ra biểu hiện của việc không cầm máu được cũng có thể do cơ thể đang thiếu hụt vitamin hoặc các bệnh đái tháo đường hay các bệnh tim mạch (thuộc về nội khoa).

Đầu tiên bạn nên khám nha sĩ trước để kiểm tra mình có bị vấn đề về răng miệng hay không. Nếu như tình trạng không tiếp tục cải thiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ nội khoa để làm các xét nghiệm có liên quan. Về biểu hiện của bạn có phải là dấu hiệu ung thư máu hơn thì tôi chưa thể dựa vào những mô tả hiện tại của bạn để tư vấn được. 

Dấu hiệu ung thư máu thường bao gồm những biểu hiện như sau:

- Bị đau bụng: do các tế bào ung thư máu tích tụ trong gan, lá lách và thận làm bụng ta ra và bị trướng

- Tiền sử bị thiếu máu: do các tế bào hồng cầu bị ngăn trở quá trình cung cấp oxy cho cơ thể bởi sự tăng sinh bất thường của hồng cầu

- Cơ thể dễ bị bầm tím

- Thường xuyên bị phát ban, xuất huyết hoặc nổi mụn do giảm tiểu cầu

- Bị đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm

- Liên tục cảm thấy mệt mỏi

- Các vùng nhiễm trùng bị tái phát và thường xuyên bị do sự suy giảm chức năng của bạch cầu

- Cảm thấy khó thờ

- Hạch bạch huyết bị sưng 

Ngoài ra, bạn có thể hạn chế việc chảy máu chân răng bằng cách dùng bàn chải lông mềm. Khi đánh răng nên chải nhẹ nhàng và quá trình đánh răng nên kéo dài khoảng 3 phút và không dùng lực mạnh. Bạn tuyệt đối không được chải răng theo chiều ngang vì sẽ làm tụt nướu. Hãy chải nhẹ nhàng theo chiều dọc và chỉ được chà ngang với mặt hàm nhai. Sau đó súc miệng lại bằng nước sạch. Đồng thời bạn nên lấy cao răng và làm kiểm tra răng miệng trung bình 6 tháng/lần để giảm việc bị chảy máu chân răng.

Tóm lại để có kết luận chính xác các biểu hiện của bạn có phải là dấu hiệu ung thư máu không bạn nên tới các sơ sở khám chữa bệnh để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.


Tác giả: Kim Phụng