Dưới đây là chia sẻ mà tiến sĩ Corey W. Kirshner - giám đốc phòng khám Kirshner Health Solutions - muốn mọi người hiểu hơn về căn bệnh mãn tính này.
Vảy nến là một bệnh về da tự miễn, mạn tính, trong đó các tế bào da phát triển quá nhanh, tích tụ lại, gây nên tình trạng da mẩn đỏ, đóng vảy, ngứa, khô và đau. Những mảng da bị viêm này được biết đến với tên gọi tổn thương vảy nến. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên bề mặt cơ thể, mặc dù thường gặp nhất ở da đầu, đầu gối và khuỷu tay.
Giống như các bệnh tự miễn khác, nguyên nhân gây vảy nến vẫn chưa hoàn toàn được làm rõ nhưng các chuyên gia tin rằng, đó là sự kết hợp của các yếu tố di truyền và tác nhân môi trường.
Bệnh vảy nến có thể tác động một cách sâu sắc theo hướng tiêu cực tới chất lượng sống không chỉ bởi các triệu chứng biểu hiện ra ở mặt thể chất mà còn bởi các tổn thương gây mất thẩm mỹ lớn. Trong một báo cáo tổng hợp thu thập từ dữ liệu của hơn 500 bệnh nhân vảy nến, 73% cho biết, họ cảm thấy mình trở nên xấu xí bởi ngoại hình.
Bệnh nhân vảy nến cũng có thể có mức độ lo lắng, trầm cảm và suy nghĩ tự tử cao hơn những người khác. Bệnh càng nghiêm trọng thì gánh nặng đối với cảm giác tự tin vào giá trị bản thân, hình ảnh cơ thể, sức khỏe tâm lý, đời sống xã hội cũng như chất lượng chung của cuộc sống càng lớn.
Thật đáng buồn khi phải nói rằng, gánh nặng cảm xúc đè lên vai người bệnh chỉ là một khía cạnh trong những thử thách mà nó gây ra.
Bệnh nhân vảy nến còn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn mắc các bệnh tự miễn bổ sung, bao gồm viêm khớp dạng thấp - một dạng khác của viêm khớp được biết đến với tên gọi viêm khớp vảy nến và bệnh viêm đại tràng.
Nhưng trên hết, nguy cơ mắc một bệnh tự miễn khác, bệnh không dung nạp gluten (celiac) là đặc biệt đáng lo ngại. Nhiều Nghiên cứu chỉ ra rằng, bị bệnh vảy nến tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh celiac. Một nghiên cứu khác lại đưa ra kết luận trái ngược: Bị bệnh celiac thực sự làm tăng cao nguy cơ mắc vảy nến.
Một số nghiên cứu khác cho thấy, bệnh vảy nến ở bệnh nhân bị chứng không dung nạp gluten bắt nguồn từ chính "thủ phạm" gluten gây bệnh celiac. Đây là một gợi ý với bệnh nhân vảy nến nhạy cảm với gluten - nếu áp dụng chế độ ăn không gluten, họ có thể cải thiện các triệu chứng vảy nến. Và đây cũng lại là một trường hợp nữa cho thấy sức mạnh chữa lành của chế độ ăn phù hợp với cơ thể nhất định và tuỳ thuộc vào hồ sơ sức khỏe của mỗi người. Nhiều loại thực phẩm có tác động khác nhau lên những người khác nhau. Hãy tận dụng hiểu biết này để chữa lành, thay vì gây hại.
Một cách khác mà bệnh nhân vảy nến có thể kiếm soát tốt hơn triệu chứng bệnh là giảm bớt số cân nặng dư thừa. Đúng là như vậy, giảm cân giúp cải thiện bệnh vảy nến, cải thiện cả cách bạn đáp ứng thuốc. Trong một nghiên cứu, 60% bệnh nhân béo phì bị vảy nến được chia thành 2 nhóm. Một nhóm giảm cân có chế độ ăn 800-1.000 calo/ngày trong vòng 8 tuần, tiếp đến là 8 tuần ăn không quá 1.200 calo/ngày.
Còn nhóm kia không áp dụng chế độ ăn này. Kết quả, sau 16 tuần, nhóm giảm cân giảm trung bình gần 34 pounds (15,4kg), so với ít hơn 1 pound (0,45kg) ở nhóm còn lại.
Những người thuộc nhóm giảm cân cũng có biểu hiện giảm triệu chứng vảy nến, trung bình có sự thay đổi ở mức giảm 2,3 điểm dựa theo thang chỉ số nghiêm trọng và vùng da bị vảy nến (PASI) – công cụ đánh giá hoạt động của bệnh vảy nến – so với chỉ giảm 0,3 ở nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến giảm mạnh nhất trong nửa đầu nghiên cứu, khi số cân nặng giảm được đạt mức lớn nhất.
Sau đó, nhóm khoa học gia còn tiến hành một nghiên cứu nối tiếp cũng với nhóm tương tự để quan sát hiệu quả lâu dài của việc giảm cân. Họ theo dõi những người tham gia nghiên cứu trong vòng 48 tuần nữa. Trong số 32 người hoàn thành toàn bộ dự án này, mức giảm cân so với cân nặng ban đầu chỉ là hơn 22 pounds (gần 10kg), trong khi chỉ số PASI thấp hơn 2,9 điểm so với ban đầu. Như vậy, giảm cân lâu dài có vẻ đã giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến trong dài hạn.
Bệnh vảy nến cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị hội chứng trao đổi chất, cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường loại 2 - những bệnh này giúp lý giải vì sao vảy nến lại có mối liên hệ với nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Mối liên hệ này trên thực tế mạnh đến nỗi vảy nến hiện đã được xếp hạng là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim và nguy hiểm chẳng kém gì thói quen hút thuốc, tình trạng thừa cân và tiểu đường.
Có thể thấy điều gì ở đây? Tất cả các bệnh cùng tồn tại với vảy nến, từ trầm cảm, không dung nạp gluten (celiac), tới bệnh tim mạch đều liên hệ với nhau qua chứng viêm mạn tính.
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan sát thấy, những người bị bệnh celiac và vảy nến đồng thời biểu hiện dấu hiệu của đường ruột rò rỉ do viêm gây ra. Chỉ riêng việc béo phì đã làm tăng nặng tình trạng viêm mạn tính và có thể dẫn tới hội chứng trao đổi chất do các tế bào mỡ liên tục giải phóng một loại cytokine đặc biệt có tên adipokine và tác động tới lượng leptin – hormone có nhiệm vụ kiểm soát cảm giác đói.
Có vẻ như vảy nến liên quan tới tình trạng viêm kể trên, ngoài các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim khác và vảy nến càng nặng thì tình trạng viêm càng nặng. Một khi bạn thêm yếu tố trầm cảm vào tổ hợp này (hãy nhớ rằng, bệnh nhân vảy nến có nguy cơ trầm cảm cao hơn), nguy cơ bị bệnh tim cũng tăng. Bệnh nhân vảy nến có tiền sử trầm cảm sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm cao hơn, có nhiều mảng cặn trong mạch máu hơn những người không bị trầm cảm.
Do viêm là thủ phạm chung chịu trách nhiệm cho tất cả những rắc rối này, bạn nên có các biện pháp để giảm viêm mạn tính và nhờ thế, cải thiện triệu chứng cũng như biến chứng của vảy nến. Theo khuyến nghị của National Psoriasis Foundation, chế độ ăn kháng viêm là lựa chọn thích hợp cho bệnh nhân vảy nến.
Thực phẩm cần tránh:
- Thịt đỏ có mỡ
- Sản phẩm từ sữa
- Thực phẩm chế biến sẵn (thịt chế biến sẵn, bánh kẹo, thực phẩm tiện dụng…)
- Đường tinh luyện
- Các cây sinh trưởng trong bóng râm như tiêu, khoai tây trắng, cà tím và cà chua bởi một số người phát hiện ra rằng, những thực phẩm này có thể gây ra các cơn bùng phát bệnh.
Thực phẩm nên ăn:
- Trái cây, rau củ tươi (hữu cơ là tốt nhất để tránh thuốc trừ sâu)
- Rau lá xanh đậm (cải rổ collards, bông cải xanh, một dạng cải xanh khác là broccoli rabe, cải kale, rau bina, cải thìa – bok choy, cải củ tunip – tunip greens, cải bẹ xanh - mustard greens, xà lách rocket – arugula, cải cầu vồng – Swiss/rainbow chard, cải xoong, bắp cải, diếp xoăn)
- Thực phẩm chứa vitamin D: Đồ uống được bổ sung chất (sữa động vật hoặc thực vật, nước cam), nấm, trứng, cá, dầu cá
- Thực phẩm giàu canxi (nhưng nên đảm bảo tránh những yếu tố nguy cơ gây bệnh trong thực phẩm)
- Thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, hạt óc chó, dầu hạt óc chó, hạt lanh, dầu hạt lanh, dầu ô-liu và hạt bí ngô)
- Thực phẩm giàu lợi khuẩn (thực phẩm lên men như dưa cải muối Đức, kimchi, nấm kefir, bơ sữa)
- Các gia vị có tác dụng kháng viêm (nghệ, gừng, tỏi và tiêu đen)
Vài nét về tác giả:
Tiến sĩ Corey W. Kirshner là một nhà thần kinh cột sống được chứng nhận và là chuyên gia tư vấn về sức khỏe. Ông là người sáng lập và giám đốc phòng khám Kirshner Health Solutions - một cơ sở điều trị tư nhân nằm ở Allentown, Pennsylvania, Mỹ.
Luôn luôn tìm kiếm sự chăm sóc mới nhất và thích hợp nhất cho bệnh nhân của mình là nguyên tắc chỉ dẫn của tiến sĩ Kirshner. Ông có niềm tin rằng chữa bệnh phải giải quyết được nguyên căn của bệnh lý chứ không phải chỉ đuổi theo các triệu chứng. Với ông, đó là lý do tại sao có một cuộc khủng hoảng đang gia tăng trong chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Ông chuyên về điều trị các bệnh "thiên niên kỷ mới", được coi là bệnh mãn tính, thoái hóa như bệnh tim, viêm tuyến giáp, giảm sức đề kháng, hội chứng ruột kích thích, hội chứng mệt mỏi mãn tính, đau cơ thể, viêm khớp dạng thấp, lo âu và trầm cảm và tiểu đường...
Trong 30 năm kinh nghiệm thực tế của mình, tiến sĩ Kirshner đã chứng kiến một sự gia tăng nguy hiểm về số lượng bệnh nhân bị bệnh nặng. Chính vì vậy, ông đã phát triển một quy trình để kiểm tra và loại bỏ sự tích tụ độc hại trong tế bào, bao gồm cả kim loại nặng một cách an toàn. Ông được coi là một cố vấn về sức khỏe có thể tin cậy mà bạn có thể tham khảo để thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống cần thiết.
Theo Prevent