Có nhiều loại béo bụng, bao gồm: Béo bụng do stress, béo bụng do thay đổi hormone, béo bụng do rượu bia (bụng bia), béo bụng sau sinh, chướng bụng.
Béo bụng do thay đổi hormone được hiểu là tình trạng mỡ bụng tăng lên có liên quan tới hormone sinh dục như estrogen và testosterone. Một số hormone khác như cortisol, leptin và insulin cũng có thể góp phần gây ra loại béo bụng này.
Nếu bị béo bụng do thay đổi hormone, bạn sẽ quan sát thấy mỡ bụng tích tụ xung quanh vùng giữa bụng với cảm giác hơi nặng nề, đầy hơi và khó chịu. Loại béo bụng này dường như không liên quan tới những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây béo bụng mà các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm: Thay đổi tâm trạng, các vấn đề về giấc ngủ, stress, cảm thấy đói bụng dù mới ăn xong.
Đọc thêm:
- 9 món ăn bài thuốc giảm béo, giảm mỡ hiệu quả
- 5 lý do khiến mỡ bụng dưới mãi không giảm
Nội tiết tố là một hệ thống tập hợp tất cả các loại hormone được tiết ra từ những tuyến nội tiết của cơ thể như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, tinh hoàn, buồng trứng,... Nội tiết tố có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể điều chỉnh quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển thể chất, điều chỉnh tâm trạng, thực hiện các chức năng sinh dục bằng cách giải phóng hormone đi vào máu tới những cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể gây béo bụng do thay đổi hormone, cụ thể:
- Cortisol
Cortisol là một loại hormone glucocorticoid, còn được gọi là hormone căng thẳng. Cortisol ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của và hầu hết mọi cơ quan và mô trong cơ thể.
Quá nhiều hormone cortisol có thể gây ra sự phân phối lại mỡ cơ thể tập trung vào vùng bụng, cũng như làm tăng cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm "an ủi tâm trạng" giàu năng lượng như đồ ngọt hay đồ chiên rán.
- Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing là một tình trạng hiếm gặp do cơ thể tạo ra quá nhiều cortisol hoặc là kết quả của việc dùng steroid có tác dụng tương tự cortisol, trong thời gian dài. Các triệu chứng bao gồm tăng mỡ ở ngực và bụng nhưng cánh tay và chân lại nhỏ nhắn không tương xứng.
- Leptin và ghrelin
Hai hormone leptin và ghrelin hoạt động cùng nhau để điều chỉnh cơn đói, cảm giác no và mức tiêu hao năng lượng. Sự mất cân bằng trong các hormone này có thể góp phần gây tăng cân và tăng mỡ vùng bụng.
- Hormone tuyến giáp
Hormone tuyến giáp, đặc biệt là triiodothyronine tự do (FT3), đóng vai trò trong việc phân bổ mỡ bụng. Sự mất cân bằng hormone tuyến giáp có thể dẫn đến tình trạng béo bụng do thay đổi hormone hoặc tăng cân nói chung.
- Kháng insulin
Mỡ dư thừa vùng bụng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin. Kháng insulin xảy ra khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng với insulin như bình thường. Điều này buộc tuyến tụy phải sản xuất thêm insulin. Kháng insulin đôi khi là tiền thân của hội chứng tiền tiểu đường và tiểu đường type 2.
- Tiền mãn kinh
Béo bụng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh do nồng độ estrogen giảm, mỡ dưới da được phân phối lại và trở thành mỡ bụng. Sau khi mãn kinh, mỡ nội tạng (mỡ bao quanh các cơ quan trong bụng) cũng tăng lên đáng kể.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Trong PCOS, buồng trứng phát triển nhiều nang nhỏ chứa đầy dịch. PCOS gây ra các triệu chứng như tăng mỡ vùng bụng, kinh nguyệt không đều và mọc nhiều lông do hormone thay đổi. Hầu hết những người mắc PCOS cũng bị tình trạng kháng insulin.
- Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung như khung chậu hoặc khoang bụng. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, tương tự như cách niêm mạc bên trong tử cung hoạt động hàng tháng, dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng khi hành kinh.
Các triệu chứng bao gồm đầy hơi bụng, đau và các triệu chứng chung về ruột. Đầy bụng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
- Testosterone ở nam giới
Testosterone là hormone androgen chính. Androgen thường cao hơn ở những người có tinh hoàn so với những người có buồng trứng. Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa testosterone với mỡ bụng và khối lượng cơ. Tăng cân ở tuổi trung niên đôi khi là dấu hiệu của tình trạng testosterone thấp (T thấp) ở nam giới. Béo phì có thể dẫn đến testosterone thấp và ngược lại, testosterone thấp có thể dẫn đến béo phì.
- Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tăng cân và thúc đẩy tăng mỡ vùng bụng dẫn tới béo bụng do thay đổi hormone, bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh động kinh, huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Nhìn chung, mỡ tích tụ ở vùng bụng có thể góp phần gây viêm mãn tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
+ Đau nhức do áp lực tăng lên ở lưng và các khớp.
+ Kháng insulin và bệnh tiểu đường type 2.
+ Bệnh tim mạch.
+ Nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư vú (sau mãn kinh) và ung thư tử cung.
Ngay cả khi bạn bị béo bụng do thay đổi hormone thì vẫn có những yếu tố khác có thể góp phần gây tăng mỡ bụng hoặc mỡ toàn thân. Việc kiểm soát tình trạng này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì.
Nhưng đôi khi một số thay đổi lối sống có thể hỗ trợ giảm mỡ bụng tốt hơn, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống lành mạnh hơn: Giảm đường, cắt giảm calo và ưu tiên lựa chọn nhiều rau lá màu xanh đậm, quả mọng, các loại hạt và quả hạch, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo.
- Tập thể dục thường xuyên: Đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút hoặc tập thể dục cường độ cao 75 phút mỗi tuần. Ngoài ra, hãy thử thêm vào một số bài tập rèn luyện sức mạnh và sức bền như Squat sâu, tập tạ, chống đẩy,...
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp giảm nguy cơ tăng cân do tăng tiết hormone cortisol dẫn tới các thói quen kém lành mạnh. Ngược lại, ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể dẫn đến tích tụ mỡ bụng.
Nếu bạn cảm thấy mỡ vùng bụng tăng lên không rõ nguyên nhân, tốt hơn hết hãy tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác. Đặc biệt là khi có các triệu chứng liên quan tới giấc ngủ, stress nghiêm trọng, thay đổi khẩu vị, lông tóc mọc nhiều hơn hoặc rụng tóc nghiêm trọng, các triệu chứng ở ruột, đau bụng,...
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu để xác định nồng độ của nhiều loại hormone như hormone estrogen, cortisol, insulin, progesteron, testosterone, hormone tuyến giáp,...
Nguồn dịch tham khảo: Hormonal Belly: Causes and Suggestions to Consider