Theo đó, có 28 bệnh nhân đến bệnh viện, chỉ trong hơn một tháng rưỡi kể từ khi các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ.
Thống kê của bệnh viện cho thấy, trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...,
Trong đó, nhiều bệnh nhân đến từ các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế như huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy..của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước đó, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tiếp nhận một bệnh nhân 53 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa phủ tạng phải thở máy. Chân trái bệnh nhân này có một vết thương sâu, rộng, chảy nhiều mủ và đã hoại tử.
Người nhà cho biết bệnh nhân đi làm ruộng bị cọc tre nhọn đâm vào bàn chân, về nhà tự chăm sóc vết thương và uống kháng sinh một tuần nhưng không khỏi. Nghi ngờ bệnh nhân đã bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Whitmore, các bác sĩ đã làm xét nghiệm nuôi cấy và cho kết quả dương tính.
Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, phải thở máy và lọc máu liên tục.
Hàng năm, cứ vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11, số ca nhập viện do bệnh Whitmore lại gia tăng. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng nhiều người dân thường chủ quan dẫn đến việc không cấp cứu và điều trị kịp thời.
Thậm chí, các bác sĩ cũng có thể bị nhầm lẫn khi các triệu chứng lâm sàng của Whitmore rất mơ hồ, dễ bị chẩn đoán sai thành viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm trùng máu do tụ cầu…
Tỷ lệ tử vong khi mắc Whitmore lên tới 40%. Trên thế giới thì Việt Nam được liệt vào một trong những khu vực lưu hành trọng điểm của căn bệnh này. Để trang bị kiến thức cho mình về căn bệnh được mệnh danh là "vi khuẩn ăn thịt người", dưới đây là những gì mà bạn cần biết về nó.
Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Năm 1911, ca bệnh Whitmore đầu tiên được ghi nhận tại Myanmar và đã được đặt tên theo Alfred Whitmore, nhà khoa học người Anh là người đã phát hiện ra nó.
Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Sau khi vào cơ thể, vi khuẩn thường đục ruỗng và làm hoại tử xung quanh vết thương hở, vì thế, Whitmore còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Ngoài đặc điểm này, bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng gây khó chẩn đoán. Bệnh nhân Whitmore có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng nếu không phát hiện và điều trị sớm.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 165.000 trường hợp mắc Whitmore. Nhưng chỉ riêng trong số đó đã có 138.000 ca xảy ra tại khu vực Đông – Nam Á, Thái Bình Dương. Thái Lan, Malaysia, Singapore và Bắc Úc được xếp vào nhóm những nước có tỷ lệ lưu hành Whitmore cao nhất.
Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia được xếp vào nhóm thứ hai. Ca Whitmore đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam bởi Viện Pasteur, Hồ Chí Minh là vào năm 1925. Kể từ đó, hàng năm Việt Nam chỉ ghi nhận rải rác các ca Whitmore tại một số tỉnh thành khiến căn bệnh dần bị lãng quên.
Nhưng trong một vài năm trở lại đây, số ca cấp cứu do Whitmore đột ngột tăng mạnh tại các bệnh viện tuyến cuối. Trong khoảng độ từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm - trùng vào mùa mưa, các bệnh viện như Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương có thể phải tiếp nhận hàng chục ca Whitmore.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Trong mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11, thời tiết có thể khuấy lên những con vi khuẩn đang ẩn náu trong đất và nước, khiến Whitmore bùng phát mạnh hơn.
Tháng 7 cũng trùng với mùa thu hoạch lúa vụ xuân hè và gieo cấy vụ đông xuân, là lúc những người nông dân phải làm việc nhiều ngày trên đồng ruộng. Đi chân trần ngập trong bùn và làm việc tay không có thể khiến họ dễ bị nhiễm Whitmore hơn.
Ngoài ra, hít phải vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong bụi bẩn hoặc các giọt nước bay trong không khí – thường bị khuấy động lên sau cơn mưa cũng là một con đường lây nhiễm bệnh. Rất hiếm khi Whitmore lây nhiễm từ người sang người, chỉ trừ khi họ tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở của bệnh nhân chứa vi khuẩn mà không có trang bị bảo hộ an toàn như khẩu trang, găng tay.
Như đã nói, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán. Chẳng hạn, Whitmore có thể biểu hiện bằng các nhiễm trùng cục bộ, nơi vết thương hở tiếp xúc với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Nhiễm trùng cục bộ gây ra các vết đau, sưng tại vị trí vết thương, lở loét, áp xe và kèm theo sốt. Bệnh nhân sau đó thường tiến triển tới nhiễm trùng phổi với các biểu hiện: ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn.
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, trẻ em mắc Whitmore có khoảng 35% có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt, 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ.
Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng máu. Khi đã đến giai đoạn nhiễm trùng máu, Whitmore chia sẻ các biểu hiện bao gồm: sốt, đau đầu, suy hô hấp, bệnh nhân khó chịu vùng bụng, đau khớp, mất phương hướng.
Sau đó, bệnh có thể tiến triển đến nhiễm trùng đa tạng, bao gồm viêm bàng quang, viêm cơ, viêm khớp, màng não. Bệnh nhân tiếp tục sốt, đau dạ dày, vùng ngực, đau đầu, sút cân và co giật.
Thời gian ủ bệnh của Whitmore có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài năm. Tuy nhiên, thời gian trung bình kể từ khi nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tới lúc phát bệnh là khoảng 14-28 ngày.
Bệnh Whitmore hiện lưu hành cao ở khu vực Đông-Nam Á và Châu Úc, nên người dân ở các khu vực này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các khu vực có nhiều trường hợp Whitmoro được báo cáo nhất là: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bắc Úc.
Ngoài ra, bệnh cũng phổ biến ở Việt Nam, Papua New Guinea, Hồng Kông, Đài Loan và Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Bất kỳ một người khỏe mạnh nào cũng có nguy cơ mắc Whitmore nếu tiếp xúc với vi khuẩn.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, Thalassemia, ung thư hoặc một tình trạng ức chế miễn dịch khác không liên quan đến HIV, bệnh phổi mãn tính (như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và giãn phế quản có nguy cơ mắc và tử vong do Whitmore cao hơn.
Ngoài ra, những người hay tiếp xúc với các môi trường tiềm ẩn vi khuẩn Burkholderia pseudomallei như người nông dân sẽ cần cảnh giác hơn với căn bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng tránh bệnh Whitmore trong mùa cao điểm này, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.
- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.