Bệnh viêm tai thanh dịch ở trẻ em hay còn gọi là viêm tai màng nhĩ đóng kín, là tình trạng xuất hiện dịch nhầy vô khuẩn trong hòm tai, bệnh kéo dài dẫn tới dầy dính màng nhĩ và bị điếc. Bệnh viêm tai thanh dịch có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở trẻ em.
Bệnh viêm tai thanh dịch ở trẻ em hay còn gọi là viêm tai màng nhĩ đóng kín
- Bệnh có biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, bệnh nhân ù tai, có cảm giác đầy nặng tai, nghe tiếng vang trong đầu, tiếng vang trong tai kèm theo nghe kém. Trẻ em cảm nhận về các triệu chứng này không rõ. Nhiều khi do trẻ không nghe rõ nên học kém, gọi hỏi không trả lời và còn bị cho là trẻ bướng bỉnh nên dễ bị bỏ qua. Giảm thính lực trong giai đoạn trẻ học nói còn ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
- Ngoài các triệu chứng ở tai, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi,
Khám nội soi tai mũi họng sẽ thấy những biểu hiện đặc biệt:
+ Màng nhĩ không thủng, nón sáng bị thu hẹp hoặc mất, màng nhĩ có biến đổi màu sắc: màng nhĩ dầy, mờ đục, có khi màng nhĩ màu vàng hoặc ánh vàng, có khi có mức dịch sau màng nhĩ, màng nhĩ có thể phồng do ứ dịch hoặc lõm do xơ dính, màng nhĩ hạn chế hoặc không di động khi tạo áp lực lên màng nhĩ.
+ Khám mũi họng sẽ thấy các nguyên nhân như VA quá phát, viêm amidan, khối u vòm mũi họng, khe mũi nhiều mủ hoặc dịch nhầy, polyp mũi, dị hình vách ngăn mũi.
Khi bị viêm tai thanh dịch trẻ thường cảm thấy đau tai
+ Các xét nghiệm chuyên khoa như đo thính lực, đo nhĩ lượng sẽ xác định tình trạng hòm tai.
Viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm Amidan. Lứa tuổi thường bị viêm Amidan nhiều nhất là từ 1-3 tuổi. Khi Amidan bị viêm, quá trình viêm nhiễm có thể lan vào vòi nhĩ (một cái ống nối thông từ hòm nhĩ - tai giữa ra vòm họng), khi vòi nhĩ bị viêm nó sẽ bị tắc lại. Đến lúc này thì sự thông khí của hòm nhĩ (tai giữa) bị ngừng trệ, điều này dẫn đến việc áp suất trong hòm nhĩ bị giảm dần, khi đó niêm mạc hòm nhĩ sẽ tiết dịch nhầy và làm cho hòm nhĩ ứ đầy dịch nhầy, ảnh hưởng tới sức nghe của trẻ.
Điều trị bệnh viêm tai thanh dịch chủ yếu là nội khoa,nhiều trường hợp phải kết hợp điều trị nội khoa với ngoại khoa. Mục đích của điều trị là tạo lại sự hoạt động bình thường của vòi nhĩ, giảm dần tình trạng tiết dịch của niêm mạc hòm tai.
Điều trị nội khoa, cần dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn mũi họng, corticoid, kháng histamin và thuốc tan, loãng dịch nhày. Điều trị ngoại khoa: chích rạch màng nhĩ khi hòm tai ứ dịch, màng nhĩ căng phồng hoặc đặt ống thông khí hòm nhĩ khi màng nhĩ lõm, dính.
Điều trị bệnh viêm tai thanh dịch ở trẻ chủ yếu là nội khoa
Viêm tai thanh dịch là bệnh lý thứ phát sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên hay sau đợt viêm VA mạn tính. Để phòng bệnh cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần lưu ý: khi trẻ bị viêm mũi họng nên điều trị tích cực để tránh biến chứng viêm tai (đặc biệt lưu ý những trẻ có tiền căn viêm VA); giữ vệ sinh vùng mũi, họng; giữ ấm cổ cho trẻ; tránh cho trẻ tắm đêm; sử dụng quạt ngủ không để luồng gió thẳng vào mặt trẻ, sử dụng máy lạnh luôn giữ nhiệt độ phòng từ 26 - 28 độ C, tránh lạnh quá, dễ gây viêm họng và viêm phế quản.
Tổng hợp