Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm

Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm
Bệnh viêm ruột là một tình trạng bệnh lý ở đường tiêu hóa khá phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều quan điểm sai lầm xoay quanh căn bệnh này. Nếu không được cung cấp thông tin đúng đắn, những sai lầm này có thể gây nên nhiều hậu quả cho bệnh nhân và cả những người xung quanh.

Bệnh viêm ruột là một tình trạng bệnh lý của hệ thống tiêu hóa. Khi xảy ra, bệnh thường gây các biểu hiện gồm đau quặn bụng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy. Những triệu chứng này có thể xảy ra trong vài ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tuần hay vài tháng.

Có nhiều dạng bệnh viêm ruột khác nhau, tuy nhiên hai dạng thường gặp nhất của căn bệnh này là dạng Crohn và dạng viêm loét đại tràng. Đặc điểm chung chủ yếu của các dạng bệnh viêm ruột là đều có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính tại đường tiêu hóa.

Đây là một căn bệnh khá phổ biến trên thực tế. Theo thống kê, có khoảng 3 triệu người Mỹ đã bị bệnh viêm ruột vào năm 2015. Còn trên quy mô toàn cầu vào năm 2017, khoảng 6,8 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh này.

Tuy rằng có mức độ phổ biến cao, nhưng vẫn tồn tại nhiều sai lầm cũng như các thông tin sai lệch xoay quanh căn bệnh này. Vì thế, Tiến sĩ Bhattacharya đến từ Khoa Tiêu hóa thuộc Trường Y khoa Icahn đã có những chia sẻ để cung cấp thông tin chính xác về các quan niệm sai lầm này. 

1. Bệnh viêm ruột tương tự với hội chứng ruột kích thích

Bệnh viêm ruột và hội chứng ruột kích thích đều là những tình trạng bệnh lý xảy ra tại hệ thống tiêu hóa. Hơn thế nữa, cách viết tắt của chúng trong tiếng anh cũng tương tự nhau, bệnh viêm ruột - inflammatory bowel disease (IBD) với hội chứng ruột kích thích - irritable bowel syndrome (IBS). Vì thế, chúng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau.

Theo Tiến sĩ Bhattacharya, hội chứng ruột kích thích xảy ra do sự tương tác giữa não bộ và ruột. Từ đó gây ra đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,... Khi các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trở nên trầm trọng hơn, nó sẽ khiến người bệnh bị căng thẳng và lo lắng.

Trong khi đó, bệnh viêm ruột gây nên bởi nguyên nhân rối loạn hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch bị rối loạn và tự tấn công vào chính hệ tiêu hóa của bệnh nhân, tạo nên các tổn thương. Những biểu hiện của bệnh bao gồm đi cầu ra máu, tiêu chảy, đau bụng, sút cân, sốt, ớn lạnh,...

Các biểu hiện của bệnh viêm ruột có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Về lâu dài, chúng có thể gây căng thẳng, mất ngủ, lo âu hoặc thậm chí là trầm cảm.

2. Căng thẳng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột

Nhiều người nghĩ rằng, căng thẳng là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm ruột. Nhưng thực tế, căn bệnh này gây nên do nguyên nhân từ hệ miễn dịch.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Bhattacharya, các biểu hiện của bệnh viêm ruột có thể gây căng thẳng cho cuộc sống. Khi căng thẳng xảy ra, nó cũng khiến các biểu hiện của bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người lầm tưởng căng thẳng gây ra bệnh viêm ruột.

Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm - Ảnh 1.

Căng thẳng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

 - Viêm ruột thừa là gì? Những điều cần biết về viêm ruột thừa 

 - Chướng bụng sau mổ ruột thừa và những điều cần biết 

3. Sự xuất hiện bệnh viêm ruột có liên quan đến tính cách

Một số nghiên cứu nhỏ trước đây đã từng tìm kiếm mối liên hệ giữa các đặc điểm trong tính cách của một người với sự xuất hiện của bệnh viêm ruột.

Nhưng khi nói về vấn đề này, Tiến sĩ Bhattacharya đã có câu trả lời khẳng định rằng không có bất kỳ hiểu biết nào về sự xuất hiện của bệnh viêm ruột liệu có liên quan đến tính cách của một người hay không.

4. Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể cùng xuất hiện trên một bệnh nhân

Mặc dù hai dạng phổ biến nhất của bệnh viêm ruột là Crohn và viêm loét đại tràng. Nhưng cần khẳng định rằng, đây là hai tình trạng bệnh khác nhau. Không có trường hợp một bệnh nhân vừa bị Crohn, vừa bị viêm loét đại tràng.

Theo Tiến sĩ Bhattacharya, một bệnh nhân viêm ruột sẽ chỉ mắc Crohn hoặc mắc viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, đôi khi việc xác định người bệnh bị Crohn hay viêm loét đại tràng là điều không hề dễ dàng. Vì thế khiến mọi người cho rằng bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể cùng xảy ra trên một bệnh nhân.

5. Bệnh viêm ruột không có phương pháp điều trị

Theo Tiến sĩ Bhattacharya, quan điểm cho rằng bệnh viêm ruột không có phương pháp điều trị là một sai lầm nghiêm trọng. Trái lại, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đối với căn bệnh này. Sự lựa chọn phương pháp điều trị sẽ được đưa ra dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Các thuốc như infliximab, adalimumab, certolizumab pegol, golimumab, vedolizumab, ustekinumab, ozanimod , tofacitinib,... đều là những thuốc ức chế miễn dịch mạnh và thường được lựa chọn trong điều trị bệnh viêm ruột. Đồng thời, các loại thuốc mới điều trị căn bệnh này vẫn đang không ngừng được phát triển và thử nghiệm trên lâm sàng.

Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm - Ảnh 2.

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể giúp bệnh viêm ruột thuyên giảm - Ảnh: Internet

6. Bị bệnh viêm ruột chắc chắn phải phẫu thuật

Tiến sĩ Bhattacharya cho biết, trước đây hầu hết bệnh nhân viêm ruột đều cần được phẫu thuật. Nhưng sau 20 năm, tỷ lệ bệnh nhân viêm ruột phải phẫu thuật đã giảm đi đáng kể. Đây là kết quả của sự ra đời ngày càng nhiều hơn các loại thuốc ức chế miễn dịch an toàn và hiệu quả hơn.

Theo ông, mục tiêu của việc điều trị là hạn chế phải phẫu thuật do các tổn thương tại ruột. Vì thế, cần điều trị sớm bằng các loại thuốc mạnh ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán. Nó sẽ giúp phòng tránh tổn thương và hạn chế nhu cầu phải phẫu thuật.

Tổ chức Crohn và Viêm loét đại tràng Hoa Kỳ cũng có đồng ý kiến với Tiến sĩ Bhattacharya. Thống kê của tổ chức này cho thấy, hiện nay chỉ có 15% bệnh nhân viêm ruột cần được phẫu thuật sau 10 năm chẩn đoán. Đồng thời tỷ lệ này đang ngày càng giảm nhờ vào các phương pháp điều trị được cải tiến hơn.

7. Không nên dùng thuốc điều trị bệnh viêm ruột khi mang thai

Một lượng dữ liệu lớn về mức độ an toàn của thuốc điều trị viêm ruột với thai kỳ đã và đang được thu thập. Kết quả cho thấy, hầu hết các thuốc này đều an toàn với phụ nữ mang thai. Do đó, quan niệm cho rằng phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc điều trị viêm ruột là một thông tin sai sự thật.

Mục đích của việc sử dụng thuốc là để giữ cho tình trạng bệnh viêm ruột của bệnh nhân sẽ thuyên giảm nếu họ mang thai. Bởi nếu bệnh viêm ruột hoạt động khi mang thai, nó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng nhất cho cả mẹ và thai nhi.

Tuy nhiên Tiến sĩ Bhattacharya lưu ý rằng, methotrexat là một ngoại lệ trong các thuốc điều trị bệnh viêm ruột. Nó không thể dùng cho các bệnh nhân có thai. Thậm chí kể cả với các phụ nữ mới chỉ có kế hoạch mang thai, việc dừng thuốc cũng sẽ được yêu cầu.

Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm - Ảnh 3.

Thuốc điều trị viêm ruột vẫn có thể được dùng kể cả khi mang thai - Ảnh: Internet

8. Có thể ngừng thuốc nếu tình trạng bệnh thuyên giảm

Không ít người cho rằng có thể ngừng thuốc nếu các biện pháp điều trị đã có hiệu quả và bệnh đã thuyên giảm. Nhưng thực tế các bác sĩ lại hoàn toàn không hề khuyến cáo thực hiện điều này.

Theo Tiến sĩ Bhattacharya, cho đến nay vẫn chưa có cách nào tốt để ngừng thuốc ở bệnh nhân khi bệnh đã thuyên giảm. Vì thế, lời khuyên ông đưa ra cho các bệnh nhân là không nên ngưng sử dụng thuốc.

Ông giải thích, ngừng điều trị khi bệnh thuyên giảm có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như bệnh có thể tái phát sau trở lại và bệnh nhân sẽ phải điều trị lại từ đầu bằng các biện pháp đã dùng lúc trước. Nhưng lúc này, các biện pháp điều trị trên có thể đã không còn hiệu quả nữa.

Mặc dù có nhiều lựa chọn khác nhau trong điều trị bệnh viêm ruột, nhưng chúng là có hạn. Đồng thời, các bác sĩ cũng không muốn phải thường xuyên thay đổi thuốc điều trị cho người bệnh. Đã có những dữ liệu cho thấy, khi người bệnh không đáp ứng với một loại thuốc điều trị viêm ruột, họ cũng sẽ đáp ứng kém với những loại thuốc khác.

9. Chế độ ăn kiêng Gluten có thể chữa khỏi bệnh viêm ruột

Nếu người bệnh tin rằng, chế độ ăn kiêng Gluten có thể chữa khỏi bệnh viêm ruột thì đây chắc chắn là một điều sai lầm.

Tiến sĩ Bhattacharya cho biết rằng, chế độ ăn kiêng Gluten chỉ có hiệu quả với những người bị bệnh Celiac (bệnh không dung nạp Gluten ) hoặc một số bệnh nhạy cảm với Gluten khác. Còn đối với bệnh viêm ruột, chế độ ăn kiêng Gluten hoàn toàn không mang lại bất kỳ lợi ích nào.

10. Ruột là cơ quan duy nhất chịu tác động của bệnh viêm ruột

Tên gọi của bệnh viêm ruột có thể gây lầm tưởng nó chỉ ảnh hưởng lên trên ruột. Nhưng theo Tiến sĩ Bhattacharya, bệnh viêm ruột ngoài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa thì còn có thể tác động lên nhiều cơ quan khác ngoài tiêu hóa như da, mắt, khớp,...

Ông lấy ví dụ về một hồi cứu các biểu hiện ngoài hệ tiêu hóa của bệnh viêm ruột. Theo kết quả thu được, bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng lên tất cả hệ thống trên cơ thể. Chẳng hạn kể đến như cơ xương, mắt, thận, phổi, hệ thống gan-tụy hay gan-mật,... Vì thế gây ra nhiều trở ngại cho các bác sĩ trong quản lý bệnh nhân bị bệnh viêm ruột.

Bệnh viêm ruột: Sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm - Ảnh 4.

Bệnh viêm ruột có thể gây ảnh hưởng lên cả các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa - Ảnh: Internet

11. Bệnh viêm ruột có thể được chữa khỏi hoàn toàn

Tiến sĩ Bhattacharya cho biết rằng, hiện nay bệnh viêm ruột chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Việc tìm kiếm phương pháp điều trị hoàn toàn bệnh viêm ruột vẫn đang được tiến hành. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Từ đó có thể đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Vào một ngày nào đó, bệnh viêm ruột có lẽ sẽ có thể được chữa khỏi.

12. Người bị bệnh viêm ruột không thể sống bình thường.

Nhiều người cho rằng, nếu một người mắc bệnh viêm ruột, họ sẽ không thể có một cuộc sống bình thường. Nhưng may mắn thay, đây là một quan điểm không chính xác. Nhờ các biện pháp quản lý y tế hoặc phẫu thuật trong trường hợp cần thiết, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với căn bệnh này.

Tiến sĩ Bhattacharya đã đưa ra một số ví dụ về những bệnh nhân viêm ruột trở thành luật sư, bác sĩ, vận động viên, diễn viên, ngôi sao nhạc rock,... Thậm chí Tổng thống - Eisenhower và John F. Kennedy cũng đều là những người mắc bệnh viêm ruột. 

Tác giả: QN