Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh về tiêu hóa rất thường gặp, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, ung thư dạ dày. Vậy thực chất viêm loét dạ dày tá tràng là gì và những triệu chứng cũng như cách điều trị căn bệnh này ra sao?

Theo thống kê thì có tới 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter Pylori) - loại vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh về tiêu hóa thường gặp ở những người có nếp sống sinh hoạt không điều độ.

Viêm loét dạ dày, hành tá tràng nếu không được điều trị và phòng ngừa đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy thực chất viêm loét dạ dày tá tràng là gì và những triệu chứng cũng như cách điều trị căn bệnh này ra sao?

1. Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những chứng bệnh của bệnh đau dạ dày. Khi dạ dày bị viêm loét sẽ xuất hiện các lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương do hiệu ứng ăn da của các axit và pepsin bên trong lòng dạ dày.

Theo mô học, viêm loét dạ dày tá tràng được coi là hiện tượng hoại tử niêm mạc dạ dày với mức độ tổn thương và kích thước vết loét lớn hơn hoặc bằng 0,5cm.

viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là gì? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì và kiêng gì?

Biến chứng thủng ổ loét dạ dày: Đừng chết vì thiếu hiểu biết!

2. Đặc điểm của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Vị trí viêm loét dạ dày tá tràng thường xuất hiện ở khu vực tá tràng (phần đầu ruột non ngay sau dạ dày), nhiều gấp 4 lần so với viêm loét ở khu vực dạ dày. Theo thống kê, có 96% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng là lành tính. Còn lại 4% là các trường hợp bị viêm loét dạ dày do các khối u ác tính.

viêm loét dạ dày tá tràng là gì

Viêm loét dạ dày tá tràng xuất hiện ở khu vực tá tràng nhiều hơn so với viêm loét ở khu vực dạ dày (Ảnh: Internet)

Những biểu hiện của vết loét có thể là vết ăn mòn, lõm hoặc hố như miệng núi lửa hoặc các vết lồi giống như polyp đại tràng. Các vết viêm loét thông thường lõm ở trong dạ dày và lồi ở khu vực tá tràng. Các vết lồi ở tá tràng thường nổi lên trên các mô xung quanh và có hình dạng khác nhau.

3. Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Cảm giác đau âm ỉ hoặc bỏng rát là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng. Cơn đau thường xảy ra ở khu vực giữa xương ức và rốn và có những đặc điểm sau:

- Thường xảy ra khi bụng đói, chẳng hạn như giữa các bữa ăn hoặc ban đêm

- Thời gian đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ

- Cơn đau sẽ tạm ngưng nếu bạn ăn hoặc sử dụng thuốc kháng axit

- Cơn đau xuất hiện và biến mất trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng

- Một số triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng ít gặp hơn bao gồm:

- Kém ăn

- Nôn mửa

- Đầy hơi, khó tiêu

- Ợ chua, ợ nóng, rát thượng vị

- Cảm giác khó chịu ở dạ dày

- Rối loạn tiêu hóa

- Sụt cân

trieu-chung-viem-loet-da-day-ta-trang

Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm: nóng rát thượng vị, chán ăn sụt cân, đau vùng thượng vị,... (Nguồn ảnh: Internet)

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, bạn cần liên hệ với bác sĩ nếu thấy bất cứ triệu chứng nào như kể trên.

Bạn cần đi đến bệnh viện ngay nếu:

- Cảm thấy khó thở

- Người mệt mỏi, yếu lả hoặc ngất xỉu

- Nôn ra dung dịch nhìn như màu cà phê hoặc như máu

- Cơn đau xảy đến đột ngột và không có dấu hiệu thuyên giảm

- Phân có màu đen hoặc lẫn máu

Những dấu hiệu này cho thấy tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng đang ở mức độ rất nghiêm trọng.

4. Biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ trở thành dạng mạn tính và rất khó để có thể chữa khỏi hoàn toàn. Một số biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh gồm:

- Xuất huyết tiêu hóa trên: chảy máu ở vết loét có thể dẫn đến tình trạng mất nhiều máu, đe dọa đến tính mạng. Dấu hiệu của chảy máu từ vết loét dạ dày bao gồm các triệu chứng như choáng váng, quay cuồng đầu óc, nôn ra máu và khi đi ngoài, phân có màu đen hoặc lẫn với máu.

- Thủng dạ dày tá tràng: khi bị thủng dạ dày tá tràng, người bệnh sẽ bị đau bụng dữ dội, cơn đau bụng xảy ra đột ngột khiến người bệnh không thể xử trí kịp thời.

- Hẹp môn vị: khi mô viêm xơ phát triển trên ở loét ở môn vị tá tràng, chúng sẽ làm hẹp lòng ruột ngay dưới dạ dày, làm cản trở thức ăn khi đi qua đường tiêu hóa. Các triệu chứng của hẹp môn vị gồm: bụng óc ách thức ăn cũ, nôn mửa và sụt cân nhanh.

- Khi thấy xuất hiện một trong những biến chứng trên, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị khẩn cấp.

5. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày, tá tràng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng là gì là thắc mắc chung của nhiều người. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này nhưng đa số là một trong các nguyên nhân chính sau:

5.1. Do chế độ ăn uống không hợp lý

Chế độ ăn uống không hợp lý, không có lựa chọn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng. 

Những thói quen ăn uống không tốt như ăn nhiều chất béo, đồ ăn chua, quá cay, quá nóng; ăn vội vàng, nhai không kỹ; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài, ăn kiêng, ăn ít, bỏ bữa; giờ giấc ăn uống bị rối loạn như ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc thì ăn quá no, lúc lại nhịn đói quá lâu là những nguyên nhân khiến bạn nhanh chóng bị đau dạ dày.

Ngoài ra, việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá, chất kích thích… cũng là nguyên nhân hàng gây viêm loét dạ dày tá tràng.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Đặc điểm và những yếu tố nguy cơ - Ảnh 4.

Ăn uống không theo giờ giấc gây viêm loét dạ dày tá tràng (Ảnh: Internet)

5.2. Do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori)

Helicobacter pylori (Hp) là một loại vi khuẩn gam âm, có hình xoắn, sống trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày, là tác nhân hàng đầu gây ra viêm loét dạ dày tá tràng. Như đã đề cập phía trên, có tới 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn Hp, một con số đáng báo động.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Đặc điểm và những yếu tố nguy cơ - Ảnh 5.

Vi khuẩn Hp là thủ phạm hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng (Ảnh: Internet)

5.3. Lạm dụng thuốc tây và các hóa chất

Việc lạm dụng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và các NSAID khác cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra hoặc góp phần khiến bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng.

Bên cạnh đó cũng có thể kể đến các chất gây hại cho dạ dày thường gặp như axit, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid…

5.4. Do vấn đề về tâm lý, thần kinh

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng rất thường xảy ra ở những người hay lo âu, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng. Bệnh này thường gặp ở người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, ở người làm việc trí óc nhiều hơn người làm việc chân tay.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Đặc điểm và những yếu tố nguy cơ - Ảnh 6.

Viêm loét dạ dày tá tràng là gì? (Ảnh: Internet)

5.5. Do nội tiết 

Những người gặp các vấn đề về nội tiết như đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan… cũng có nguy cơ bị viêm loét dạ dày.

6. Cách điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Mục tiêu điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là làm liền ổ loét, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Để điều trị bệnh có hiệu quả bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây.

6.1. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

– Thời gian điều trị bệnh có hiệu quả nhất là từ 4 – 8 tuần cho 1 lần điều trị, có thể kéo dài tùy thuộc từng trường hợp cụ thể (bệnh cần thời gian đủ dài để các vết viêm loét có thể phục hồi được, không được gấp).

– Không sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc có cùng cơ chế điều trị bệnh. Chủ yếu là điều trị nội khoa. Không phẫu thuật, chỉ thực hiện điều này khi điều trị nội khoa không có kết quả hoặc có biến chứng và được chỉ định phẫu thuật bởi bác sĩ có chuyên môn.

– Sau mỗi đợt điều trị bạn cần đi khám lại, nội soi để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của mỗi đợt trị bệnh.

– Dùng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng có khả năng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì? Đặc điểm và những yếu tố nguy cơ - Ảnh 7.

Ảnh: Internet

6.2. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Song song với việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thì bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý. Tránh ăn những thức ăn và đồ uống gây hại cho niêm mạc dạ dày như rượu, các chất gia vị như ớt, hạt tiêu, đồ ăn chua, chát… Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào…

6.3. Chế độ làm việc và yếu tố tâm lý

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên lưu tâm đến chế độ làm việc hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng thần kinh, áp lực tâm lý...

Trên đây là những thông tin tổng quan nhất có thế giúp bạn tìm hiểu viêm loét dạ dày tá tràng là gì, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị căn bệnh này. Hy vọng chúng có ích cho bạn!

Có thể bạn quan tâm:

5 loại kháng sinh chữa viêm loét dạ dày nên dùng

Những hiểu lầm thường gặp về viêm dạ dày


Tác giả: D.A