Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm?

Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn có nguy hiểm?
Là bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn streptococcus Nhóm A gây ra, viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

1. Viêm họng liên cầu khuẩn là gì ?

Đây là bệnh lý nhiễm trùng cổ họng thường do vi khuẩn Steptococci Nhóm A gây ra. Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em từ 5-15 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Bệnh gây ra các triệu chứng đau hỗn hợp ở vùng cổ họng khiến người bệnh gặp trở ngại trong giao tiếp. Đau họng là triệu chứng điển hình của bệnh lý này khi người bệnh có cảm giác đau rát ở vùng cổ họng, tuy nhiên không phải trong trường hợp nào bị đau họng cũng có nghĩa là bạn bị nhiễm viêm họng liên cầu khuẩn.

Ảnh 2.

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Internet

2. Một số triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn

Là bệnh lây truyền từ người qua người thông qua quá trình tiếp xúc với người bệnh đặc biệt khi người bệnh ho, hắt xì, khạc, nhổ, viêm họng liên cầu khuẩn là thường biểu hiện các triệu chứng từ 2 đến 5 ngày sau đó.

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây hại cho tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện những triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn sau đây, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và hướng dẫn điều trị.

- Cảm giác đau họng và khó khăn khi nuốt.

- Họng xuất hiện các đốm trắng đỏ, amidan sưng to.

- Các tuyến hạch ở cổ có thể sưng lên và gây đau.

- Người bệnh cảm thấy đau đầu, đau bụng, ói mửa kèm sốt. Một số bệnh nhân còn có dấu hiệu phát ban.

- Cơ thể trở nên mệt mỏi và  thiếu năng lượng.

3. Biến chứng nguy hiểm của viêm họng liên cầu khuẩn

Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh nhân mắc viêm họng liên cầu có thể phải đối mặt với các biến chứng khá là nghiêm trọng như viêm thận và sốt thấp khớp. Trong đó, sốt thấp khớp có thể dẫn đến đau khớp và viêm, phát ban thậm chí cả thiệt hại cho van tim.

Ảnh 3.

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Internet

4. Chẩn đoán và điều trị viêm họng liên cầu khuẩn

Bệnh nhân mắc viêm họng liên cầu khuẩn cần nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán điều trị. Khi thăm khám bác sĩ sẽ nhìn vào cổ họng và sờ các hạch bạch huyết trên cổ sau đó tiến hành các xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh bằng cách lấy mẫu vi khuẩn ở cổ họng. 

Nếu kết quả dương tính có thể xác định bệnh nhân bị viêm họng liên cầu khuẩn còn nếu kết quả là âm tính bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một xét nghiệm khác bằng phương pháp cấy khuẩn cổ họng để xác định.

Bệnh nhân được chuẩn đoán mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn thường được bác sĩ kê các loại thuốc kháng sinh. Penicillin và amoxicillin là 2 loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm họng liên cầu khuẩn. 

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị dị ứng với các thuốc kể trên thì bác sĩ có thể thay thế bằng cephalexin, clarithromycin, azithromycin, hoặc clindamycin.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn các loại thực phẩm mềm.

- Để tốt cho quá trình điều trị bệnh nhân nên tránh xa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.

5. Phòng ngừa lây lan cho người xung quanh

Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh lây nhiễm nên việc phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh là hết sức quan trọng:

- Bệnh nhân nên chủ động phòng ngừa lây lan bằng cách sử dụng xà phòng rửa tay sạch sẽ và che miệng khi hắt hơi hoặc ho.

- Tuyệt đối không đi làm, đi học hay tiếp xúc với môi trường đông người để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

- Bệnh nhân nên dùng riêng thực phẩm, dụng cụ vệ sinh, ly cốc đĩa, khăn tắm, khăn mặt để tránh lây nhiễm cho người trong gia đình.

Tác giả: Huyền Trang