Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến: Cảnh giác với bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ

Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến: Cảnh giác với bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ
Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện, chuyên khoa nhi ở Hà Nội, số trẻ từ 1 đến 3 tuổi nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng nhanh chóng. Trong đó, bệnh hay gặp nhất là viêm họng cấp ở trẻ em.

Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến giai đoạn giao mùa

Theo nguồn tin từ báo Người Lao Động, tại TP HCM, trong giai đoạn giao mùa, số lượng người lớn, trẻ nhỏ nhập viện điều trị tăng gần 50%. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện, chuyên khoa nhi ở Hà Nội, số trẻ từ 1 đến 3 tuổi nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp cũng gia tăng.

TS. BS Lê Thị Thu Hương (Trưởng Khoa hô hấp BV Nhân Dân Gia Định TP.HCM, cho biết cách đây vài tuần, nếu số lượng người nằm viện nội trú chỉ khoảng 60 trường hợp thì nay là hơn 80 ca. Các bệnh chủ yếu như: viêm phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi.

Theo BSCK2 Dương Anh Dũng (Trưởng Khoa Nhi BV Nhân Dân Gia Định TP.HCM), trong vòng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh hô hấp tăng cao. Khoa có 50 giường nhưng hiện không còn chỗ nằm, phải kê ra hành lang làm chỗ nằm tạm cho trẻ.

Còn ThS.BSCK2 Trần Văn Sóng (Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115 TP.HCM) cho hay, gần đây số người đến khám, cấp cứu liên quan bệnh hô hấp gia tăng. Trong tháng 10 tăng gần 20%.

Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến: Cảnh giác với bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Viêm họng cấp ở trẻ được cảnh báo là một căn bệnh nguy hiểm các bố mẹ không nên xem thường. (Ảnh: Internet)

Viêm họng cấp được định nghĩa là viêm niêm mạc họng trong thời gian dưới 4 tuần.

Đây là căn bệnh chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa. Ở trẻ, nếu bị viêm họng cấp mà không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ

Viêm họng cấp là viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng. Ở cả người lớn lẫn trẻ em, nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virus (chiếm đa phần) hoặc vi khuẩn và một số yếu tố liên quan.

Với virus có thể gặp bởi bệnh virus cúm, virus sởi, virus Adeno. Với vi khuẩn, thường gặp là vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae. Với ký sinh trùng có thể gặp nấm Candida. Trong đó, liên cầu khuẩn nhóm A (S. pyogenes) là nguyên nhân đặc biệt nguy hiểm vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng của viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp ở trẻ, là những bệnh khá nguy hiểm.

Ngoài các nguyên nhân kể trên còn phải kể đến các yếu tố khác như: thay đổi thời tiết đột ngột, ẩm ướt, mưa nhiều, bụi bẩn hoặc sức đề kháng kém, ít vệ sinh răng – miệng – họng…

Triệu chứng của viêm họng cấp ở trẻ em

Theo BS. Văn Thắng trả lời báo Sức khỏe đời sống, bệnh viêm họng cấp ở trẻ em thường có một số triệu chứng như sau:

- Phát bệnh đột ngột 

- Sốt cao (39-40°C) 

- Rét run, kèm theo ho, khàn tiếng, nuốt đau và rát họng.

Ngoài ra còn có thêm một số biểu hiện khác như: chảy nước mũi nhầy, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, quấy khóc, ít ngủ….

Bệnh viêm họng cấp nếu do virus gây ra thường diễn ra trong vòng từ 3 - 4 ngày. Nếu sức đề kháng của trẻ tốt thì bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu hoặc do vi khuẩn gây ra thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, nhiễm khuẩn huyết hoặc trở thành viêm họng mạn tính.

Cách điều trị bệnh viêm họng cấp ở trẻ em

Với bệnh viêm họng cấp, cách điều trị sẽ khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh là gì, do virus hay vi khuẩn.

Nếu nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ em là vi khuẩn liên cầu thì ngoài thuốc điều trị triệu chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh.

Trong đó, thời gian điều trị kháng sinh thường là 5-10 ngày tùy từng loại thuốc. Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân gây viêm họng là virus thì chỉ cần điều trị theo triệu chứng và chờ bệnh tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.

Cũng theo BS. Văn Thắng, các bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà cho trẻ bằng các phương pháp sau:

- Sử dụng thuốc giảm đau (tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bị sốt nhưng chưa loại trừ sốt xuất huyết thì không nên dùng ibuprofen, aspirin.). 

- Súc họng bằng muối 

- Bù nước: Đây là một điều đặc biệt quan trọng với trẻ em, vì họng đau và dễ nôn nên trẻ sẽ có nguy cơ mất nước. Do đó, cần cho trẻ uống nước mát và theo dõi trẻ cẩn thận.

Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến: Cảnh giác với bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Với bệnh viêm họng cấp, cách điều trị sẽ khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh là gì, do virus hay vi khuẩn.

Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?

Trong trường hợp trẻ uống thuốc paracetamol mà vẫn sốt trên 38oC thì cần nhanh chóng cho trẻ đi khám bệnh.

Với các trẻ sơ sinh, đẻ non, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tim bẩm sinh, bố mẹ cần hết sức lưu ý, theo dõi sát sao vì đây là các đối tượng dễ xảy ra biến chứng do viêm họng gây ra như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm não, màng não, nhiễm trùng máu.

Cách phòng ngừa viêm họng cấp

Để phòng tránh bệnh viêm họng cấp ở trẻ, ngoài việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng tốt, bố mẹ còn cần thường xuyên vệ sinh răng – miệng – họng cho trẻ trước và sau khi ăn.

Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, lưu ý tắm trong buồng tắm kín và lau người khô, mặc ngay quần áo cho trẻ sau khi tắm. Đồng thời giữ ấm cơ thể cho trẻ và đeo khẩu trang thường xuyên.

Không chỉ thế, các bố mẹ cũng nên nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hằng ngày để vệ sinh sạch sẽ vùng mũi.

Tác giả: An Nhi