Giống như mọi căn bệnh ung thư khác, ung thư xương có chữa được không còn phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Phát hiện càng sớm, thì khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân càng cao:
- Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư mới bắt đầu xuất hiện trong xương, chưa lây lan ra các bộ phận khác. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh nhân ung thư xương ở giai đoạn này hoàn toàn có thể chữa khỏi, tỉ lệ sống trên 5 năm lên đến 80%. Thông thường, để điều trị ung thư xương giai đoạn 1, các bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ khối u và các mô chứa tế bào ung thư.
- Giai đoạn 2 là giai đoạn các tế bào và khối u ung thư đã gia tăng cả về số lượng và kích thước. Tuy nhiên chúng vẫn chưa lây lan sang các cơ quan khác, do vậy việc điều trị vẫn có tiên lượng tốt. Theo thống kê, tỉ lệ bệnh nhân ung thư giai đoạn 2 sống trên 5 năm là 70%.
- Ở giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã lan ra bề mặt xương, xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cùng 1 xương. Tuy nhiên các tế bào ung chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết và các cơ quan xung quanh. Ở giai đoạn này, rất khó để xác định bệnh ung thư xương có chữa được không.
Nó phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động của các tế bào ung thư, và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Chỉ có khoảng 50% bệnh nhân ung thư xương giai đoạn 3 sống trên 5 năm.
- Bệnh ung thư xương có chữa được không? Nếu như ở giai đoạn đầu, bệnh nhân còn nhiều hy vọng, thì ở giai đoạn 4, việc chữa trị gần như là không thể. Các tế bào ung thư đã lan rộng ra các hạch bạch huyết, ra các cơ quan khác như phổi, gan, thậm chí cả não.
Việc điều trị ở giai đoạn này không có mục đích chữa khỏi, mà chỉ mang ý nghĩa giảm triệu chứng, giảm đau, giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Tỷ lệ sống trên 5 năm của những bệnh nhân ung thư xương giai đoạn 4 chỉ còn 20%.
Nếu như trước đây, bệnh nhân không chỉ bất an việc ung thư xương có chữa được không, mà còn lo lắng bị ung thư xương đồng nghĩa với việc bị cắt cụt chi, thì hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị giúp bệnh nhân bảo tồn bộ phận bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư:
- Phẫu thuật bảo tồn chi: Các bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ khối u và phần mô xương có chứa tế bào ung thư. Sau đó bác sĩ sẽ lấy xương từ một phần khác của cơ thể, hoặc sử dụng xương nhân tạo để thay thế vào phân xương bị cắt bỏ.
- Xạ trị: Đây là phương pháp sử dụng năng lượng của các tia X để tiêu diệt tế bào ung thư, thu nhỏ các khổi u.
- Hóa trị: Các hóa chất sẽ được đưa vào cơ thể theo đường uống hoặc tiêm để phá hủy các tế bào ung thư. Hóa trị hiếm khi được sử dụng đơn lẻ, mà thường là phương pháp hỗ trợ cho xạ trị hoặc phẫu thuật, để mang lại kết quả điều trị tốt hơn.
Nếu như bệnh nhân luôn lo lắng ung thư xương có chữa được không, thời gian sống có lâu không,... khiến cho tâm lý luôn căng thẳng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh. Điều bệnh nhân cần làm là tìm hiểu rõ giai đoạn và tình trạng bệnh của bản thân, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, giữ tinh thần lạc quan. Bởi cuộc chiến với ung thư là một cuộc chiến dài và đầy mệt mỏi.