Bệnh ung thư máu ở trẻ em cần được chăm sóc như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh ung thư máu ở trẻ em cần được chăm sóc như thế nào?
Việc chăm sóc cho trẻ mắc ung thư máu thường phức tạp hơn so với ở người lớn. Sự chăm sóc của bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong điều trị ung thư máu ở trẻ em.

Việc chăm sóc cho trẻ mắc ung thư máu thường phức tạp hơn so với ở người lớn. Sự chăm sóc của bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong điều trị ung thư máu ở trẻ em. Vậy bệnh ung thư máu ở trẻ em đòi hỏi sự chăm sóc như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây bạn nhé.

1. Theo dõi và chăm sóc giảm nhẹ sau điều trị ung thư máu ở trẻ em

Ung thư máu ở trẻ em thường được điều trị bằng các phương pháp như hoá trị và xạ trị. Đây là những phương pháp mang lại hiệu quả cao, nhưng chúng cũng có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ.

Mức độ ảnh hưởng của tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh của trẻ. Ngoài ra, một số tác dụng phụ có thể xuất hiện rất muộn, khiến bố mẹ chủ quan. Để giảm thiểu ảnh hưởng của phương pháp điều trị, trẻ cần được chăm sóc giảm nhẹ sau điều trị. Thậm chí, trẻ phải được kiểm tra thường xuyên và theo dõi cẩn thận cho đến hết đời.

Sau khi kết thúc việc điều trị nội trú tại bệnh viện, bố mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

- Cho trẻ tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

- Tuân thủ đúng yêu cầu và hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ.

- Theo dõi các biểu hiện bất thường ở trẻ sau khi điều trị. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần thông báo ngay cho bác sĩ.

- Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng bệnh khi chưa được bác sĩ chỉ định.

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc

Ung thư máu có thể gây suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ bởi tế bào bạch cầu giảm mạnh. Vì vậy, trẻ thường rất dễ mắc các bệnh do sự tấn công của vi rút và vi khuẩn. Ngoài ra, trẻ còn gặp phải những vấn đề như suy giảm đề kháng, sút cân và táo bón. Do đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ hạn chế được những vấn đề này.

Trong bữa ăn hàng ngày, bố mẹ nên bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Protein, calo và chất xơ là các nguồn dinh dưỡng được khuyến khích cho trẻ mắc ung thư máu. Những chất này được cung cấp qua các loại thực phẩm như: rau xanh, trái cây, ngũ cốc, thịt gà không da… Đồng thời, bố mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước và tránh các loại thức ăn cay, giàu chất béo.

Đối với ung thư máu ở trẻ em, khi xây dựng chế độ dinh dưỡng, bố mẹ cần lưu ý:

- Lựa chọn các loại thực phẩm sạch, tránh thực phẩm bẩn, ngâm tẩm hoá chất.

- Vệ sinh các vật dụng nhà bếp và chén bát trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.

- Không nên để trẻ nằm khi ăn, tư thế ăn được khuyến khích là ngồi với gối tựa sau đầu.

- Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày của trẻ thành nhiều bữa phụ, mỗi bữa cách nhau vài tiếng.

- Không nên cho trẻ ăn khi thức ăn còn nóng để tránh việc trẻ cảm thấy buồn nôn.

3. Lưu ý vấn đề tâm lý cho trẻ mắc ung thư máu

Vấn đề tâm lý có vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị. Đặc biệt là đối với ung thư máu ở trẻ em, tâm lý của trẻ thường rất dễ bị ảnh hưởng. Để động viên tâm lý cho trẻ, bố mẹ có thể tham khảo những điều sau:

- Thường xuyên trò chuyện với theo những cách phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

- Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc và những vấn đề mà chúng lo lắng.

- Dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ, tránh để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi hoặc xa lánh. 

- Khuyến khích trẻ kết nối với bạn bè, bác sĩ và những người đang chăm sóc cho chúng.

- Cho trẻ đi học hoặc tham gia một số hoạt động phù hợp với sức khoẻ của trẻ. Tuy nhiên, việc này chỉ nên được tiến hành khi có sự đồng ý của các bác sĩ.  

- Tìm đến sự trợ giúp các bác sĩ tâm lý trong những trường hợp cần thiết.

Dinh dưỡng và tâm lý là những vấn đề cần lưu ý khi điều trị ung thư máu ở trẻ em. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm được cách chăm sóc khi trẻ mắc phải căn bệnh này.


Tác giả: Thùy Dung