Bệnh trĩ nội: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh trĩ nội: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Bệnh trĩ nội có những biểu hiện khác với bệnh trĩ ngoại, do vậy cần phân biệt đúng để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

1. Bệnh trĩ nội là gì?

Bệnh trĩ nội là tình trạng phình giãn quá mức của các tĩnh mạch nằm ở lớp lót bên trong trực tràng. Ở giai đoạn sớm, bệnh trĩ nội rất khó phát hiện cho đến khi búi trĩ sưng to và gây chảy máu, người bệnh mới đi khám và đa số phát hiện ở giai đoạn tiến triển. 

Đôi khi trĩ nội tăng sinh hoặc nhô ra ngoài hậu môn. Bạn có thể thấy hoặc cảm nhận được búi trĩ như những miếng đệm ẩm có màu hồng đậm. Cảm giác đau hậu môn rõ rệt khi đi đại tiện là dấu hiệu nhận biết rõ nhất của bệnh trĩ nói chung. 

Búi trĩ nhỏ có thể tự chui vào trong trực tràng hoặc dùng tay đẩy lên được. Tuy nhiên một số trường hợp bị nặng búi trĩ nội nằm thường trực bên ngoài hậu môn gây đau dữ dội và khiến bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Các giai đoạn (cấp độ) của bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ nội có các cấp độ từ nhẹ đến nặng, gồm 4 giai đoạn phát triển như sau:

- Giai đoạn 1: 

Bệnh trĩ nội mới hình thành phía trên đường lược. Bệnh chưa có nhiều biểu hiện ra bên ngoài, một số trường hợp có thể thấy chảy máu khi đi cầu nhưng số lượng không nhiều.

- Bệnh trĩ nội giai đoạn 2: Khi ở giai đoạn tiến triển, búi trĩ bắt đầu sưng to hơn và gây cảm giác vướng víu, căng tức mỗi khi đi đại tiện. Lúc này, bệnh nhân có thể sờ thấy búi trĩ nhỏ sa ra ngoài ống hậu môn nhưng sau vài tiếng lại thụt vào trong. 

Một dấu hiệu khác nhận biết trĩ nội đó là tần suất đại tiện ra máu cũng tăng lên với lượng máu nhiều hơn, đôi khi máu bắn thành tia hoặc nhỏ giọt, gây đau đớn tăng mạnh. 

- Giai đoạn 3: 

Búi trĩ sưng to và sa hẳn ra ngoài mỗi lần đi tiêu, bạn phải dùng tay đẩy mới thụt lên trên được. Ngoài ra, búi trĩ còn tiết ra dịch nhầy gây cảm giác ẩm ướt, ngứa ngáy ở hậu môn.

- Giai đoạn 4:

Bệnh trĩ nội giai đoạn 4 được coi là giai đoạn nặng, lúc này búi trĩ thường nằm bên ngoài hậu môn. Người bệnh khi bị trĩ giai đoạn 4 thường rất đau đớn không chỉ riêng khi đi đại tiện mà còn khó khăn cả khi đứng. 

Búi trĩ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc bị thắt nghẹt dẫn đến lở loét, hoại tử.

3. Nguyên nhân gây bệnh trĩ nội

Một số yếu tố được xác định là thủ phạm gây ra bệnh trĩ nội. Bạn có thể mắc căn bệnh này vì một trong những nguyên nhân sau:

- Người đang mang thai: Bệnh trĩ nội xảy ra phổ biến ở phụ nữ mang thai do các tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng bị phình giãn khi phải chịu áp lực từ sự mở rộng tử cung và thai nhi

- Quá trình lão hóa theo tuổi tác: Người trưởng thành từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh tĩ do các cơ ở hậu môn suy yếu theo tuổi tác. 

- Tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính: Cả hai đều khiến các mạch máu ở hậu môn bị tổn thương, phình giãn và tạo thành búi trĩ. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh trĩ nội khá phổ biến. 

- Ngồi nhiều: Học sinh hoặc người làm văn phòng dễ bị bệnh trĩ do ngồi nhiều, ngồi liên tục. Thói quen này không những gây ra bệnh trĩ mà còn khiến các cơ quan khác trong cơ thể bị thoái hóa, ì trệ. 

- Quan hệ tình dục bằng đường hậu môn: Nam giới có quan hệ đồng tính thường bị trĩ nội vì nguyên nhân này. 

-  Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn nhiều thịt, đồ ăn sẵn, tiêu thụ ít hoa quả và rau xanh khiến hệ tiêu hóa gặp vấn đề, gây táo bón và bệnh trĩ cũng bắt đầu hình thành. Ă

-  Ngoài ra, bệnh trĩ nội cũng được hình thành do ngồi quá lâu khi đi vệ sinh, nhịn đi cầu, căng thẳng kéo dài, vệ sinh hậu môn không sạch sẽ, ít vận động…

4. Bệnh trĩ nội có nguy hiểm không?

Bệnh trĩ nội nếu phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa được các biến chứng. Tuy nhiên nếu không quan tâm điều trị đúng cách và để bệnh tiến triển nặng, bạn có thể gặp phải một số biến chứng sau:

- Thiếu máu do đại tiện ra máu nhiều

- Búi trĩ nằm thường trực bên ngoài hậu môn sẽ gây thuyên tắc trĩ, hình thành cục máu đông và hoại tử búi trĩ. 

- Biến chứng nhiễm khuẩn hậu môn do búi trĩ tiết dịch khiến hậu môn bị vi khuẩn tấn công gây ngứa ngáy, nhiễm trùng. 

- Nữ giới bị trĩ nội hạn chế trong quan hệ tình dục, để nặng hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

5. Chẩn đoán và điều trị trĩ nội

Khi thấy những bất thường trong đại tiện hoặc ở hậu môn, bạn không nên e ngại mà cần đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất, lịch sử bệnh, hỏi về chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. 

Hoặc để chấn đoán trĩ nội, bạn cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi đại trực tràng. 

Đặc biệt lưu ý, tình trạng chảy máu trực tràng không chỉ xảy ra khi mắc bệnh trĩ nội mà còn có thể bắt gặp trong các bệnh lý nguy hiểm như ung thư đại tràng hay ung thư hậu môn. Nếu bạn bị đi ngoài ra máu kéo dài, thay đổi màu sắc và hình dáng phân … thì nên trao đổi với bác sĩ về việc tầm soát ung thư.

Để điều trị bệnh trĩ nội, tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị nào phù hợp. Bạn có thể phải dùng thuốc hoặc thực hiện các thủ thuật nhỏ như thắt trĩ, chích xơ búi trĩ...nặng hơn phải phẫu thuật trĩ khá tốn kém. 


Tác giả: Thắng Lê