Bệnh trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh trĩ ngoại là một loại bệnh trĩ nằm ở các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Chứng trĩ ngoại có thể gây chảy máu, nứt và ngứa ngoài hậu môn.

Bệnh trĩ ngoại là một loại bệnh trĩ nằm ở các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Chứng trĩ ngoại có thể gây chảy máu, nứt và ngứa ngoài hậu môn. Tuy nhiên, các biện pháp tự chữa trị tại nhà có thể giúp bạn đối phó với hầu hết các chứng bệnh trĩ ngoại.

1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ ngoại

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ ngoại, một số các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Các áp lực gây ra khi đại tiện.

- Thường xuyên nâng vật nặng hoặc nâng tạ.

- Chế độ ăn ít chất xơ, uống ít nước.

- Béo phì.

- Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.

- Mang thai và sinh con.

- Cổ trướng (sự tích tụ của chất lỏng trong cơ thể gây thêm áp lực lên dạ dày và ruột).

2. Các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại

Người bệnh thường có thể cảm nhận được búi trĩ ngoại nếu chạm vào khu vực xung quanh hậu môn. Búi trĩ ngoại thường có màu hồng hơn một chút so với vùng da xung quanh. Các triệu chứng thông thường của bệnh trĩ ngoại bao gồm:

- Các nếp gấp ở hậu môn sưng to

Đây là triệu chứng bệnh trĩ ngoại đầu tiên. Hiện tượng này gây ra do các dịch bẩn đọng lại ở vùng hậu môn sau khi đi đại tiện.

- Máu trong phân

Những người mắc bệnh trĩ ngoại thường nhận thấy trong phân có lẫn máu. Máu thường xuất hiện ở mặt ngoài của phân và có màu đỏ tươi. Máu từ bệnh trĩ thường khá ít. Nếu người bị bệnh trĩ ngoại nhận thấy lượng máu chảy ra khá đáng kể thì phải liên hệ ngay với bác sĩ.

- Xuất hiện cục máu đông trong búi trĩ

Bệnh trĩ ngoại có thể rất đau nếu chúng xuất hiện các cục máu đông. Đối với bệnh trĩ, cục máu đông thường có màu xanh tím. Tình trạng này xảy ra khi các tĩnh mạch phình trướng trong búi trĩ, phát triển thành cục máu đông. Do đó, máu không thể chảy đến trĩ, gây đau đớn cho người bệnh.

3. Chẩn đoán bệnh trĩ ngoại

Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh trĩ ngoại, hãy đi khám bác sĩ để xác định tình trạng của mình. Điều này rất quan trọng. Bởi vì một số triệu chứng, chẳng hạn như chảy máu, có thể là do các chứng bệnh nghiêm trọng khác như:

- Ung thư hậu môn

- Nứt hậu môn

- Ung thư đại trực tràng

- Bệnh viêm ruột

- Áp xe quanh hậu môn

- Các miếng da thừa gây nên

Do vậy, bạn không nên tự phán đoán và điều trị tại nhà. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên môn khi có các vấn đề về sức khỏe nhé.

4. Phương pháp điều trị bệnh trĩ ngoại

Phương pháp điều trị bao gồm các biện pháp khắc phục tại nhà và phẫu thuật.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Đối với các biện pháp khắc phục tại nhà, người bệnh có thể sử dụng những cách như:

- Tắm nước ấm

- Nhẹ nhàng làm sạch hậu môn sau khi đi tiêu bằng cách sử dụng khăn lau ẩm hoặc bông gòn

- Chườm nước đá để giảm sưng

- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen, để giảm đau và khó chịu

- Bôi thuốc mỡ, chẳng hạn như kem với nước cây phỉ hay hydrocortisone để làm giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu.

Phẫu thuật cắt bỏ

Việc loại bỏ một búi trĩ ngoại gây đau đớn trong vòng 72 giờ có thể giúp người bệnh giảm đau nhanh hơn so với các phương pháp điều trị khác. Các bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật với phương thức gây tê tại chỗ.

Phương pháp điều trị khi mang thai

Phụ nữ mang thai có thể thử nhiều biện pháp khắc phục tại nhà được liệt kê ở trên để điều trị bệnh trĩ ngoại và giảm đau. Tuy nhiên, họ phải luôn luôn kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp tại chỗ nào để đảm bảo nó sẽ không ảnh hưởng đến thai kỳ.

5. Các phương pháp phòng ngừa bệnh trĩ ngoại

Áp dụng một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ ngoại:

- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn bằng cách bổ sung trái cây tươi, rau củ và ngũ cốc trong khẩu phần hàng ngày.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và vừa sức.

- Tập thói quen đi vệ sinh đúng cách, không ngồi lâu trong nhà vệ sinh.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh trĩ ngoại. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng tránh và điều trị bệnh trĩ.


Tác giả: Thùy Dung