Trào ngược dạ dày - thực quản có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau như tổn thương thanh quản, viêm loét thực quản, chít hẹp thực quản, xuất huyết tiêu hóa trên, Barret thực quản hay thậm chí là ung thư thực quản.
"Bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi được không?" là một vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm hiện nay. Vậy câu trả lời cho vấn đề này như thế nào?
Thực tế, mặc dù bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý mãn tính nhưng nếu có thể phát hiện bệnh sớm ngay từ những giai đoạn đầu của bệnh khi chưa có tổn thương thực quản hoặc có tổn thương rất nhỏ, thì bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi là điều hoàn toàn có thể.
Trong những giai đoạn này, bệnh nhân có thể sử dụng các biện pháp thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt tích cực để bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi mà không cần sử dụng các loại thuốc hay phương pháp điều trị nào khác.
Những phương pháp hỗ trợ giúp bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi có thể kể đến như:
- Ăn uống điều độ, hợp lý: Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Để giúp bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn, người bệnh không nên sử dụng các loại thức ăn có tính kích thích mạnh như thức ăn cay nóng, thức ăn khó tiêu như dầu mỡ hoặc thức ăn cứng, hạn chế sử dụng rượu bia,...
- Giữ cân nặng hợp lý: Sự gia tăng cân nặng có thể làm tăng nguy cơ khiến trào ngược dạ dày thực quản trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, nếu muốn trào ngược dạ dày thực quản có thể tự khỏi thì kiểm soát cân nặng hợp lý, giảm cân đúng cách là phương pháp rất hữu hiệu để giảm áp lực ổ bụng, kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản.
- Không mặc quần áo chật: Mặc quần áo chật khiến áp lực ổ bụng tăng lên, làm dịch vị dễ bị trào ngược hơn và khiến bệnh trầm trọng hơn. Do đó, để trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi dễ dàng hơn, người bệnh nên mặc quần áo có kích thước thoải mái, tránh mặc các loại quần áo quá chật so với cơ thể.
- Không nằm ngay sau khi ăn: Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nên nằm ngay sau khi ăn để tránh gia tăng áp lực lên các cơ vùng dưới thực quản. Thay vào đó, hãy ngồi từ 1-3 tiếng trước khi nằm sau mỗi bữa ăn.
- Chia nhỏ bữa ăn: Người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng nên chia nhỏ các bữa ăn trong khẩu phần ăn hằng ngày của mình, không nên ăn quá no.
Có thể thấy rằng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi là điều hoàn toàn có thể nếu có các thay đổi tích cực trong lối sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bệnh có thể chủ quan chờ bệnh trào ngược dạ dày thực quản tự khỏi, mà thay vào đó quá trình này nên được theo dõi bởi bác sĩ điều trị để có hướng xử trí thích hợp tùy diễn tiến của bệnh.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý mãn tính ở đường tiêu hóa, gây nên do sự di chuyển ngược của dịch vị dạ dày lên thực quản và các phần cao của ống tiêu hóa. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đau ngực, ho, khàn giọng, nuốt vướng,...
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương thực quản cụ thể trên bệnh nhân mà người ta có thể phân độ bệnh khác nhau, thường dùng là mức độ tổn thương thấy được khi nội soi thực quản. Có 5 mức phân độ bệnh bao gồm:
- Mức độ 0: Chưa thấy tổn thương tại thực quản khi nội soi.
- Mức độ A: Thấy các vết trợt có đường kính <5mm khi nội soi thực quản.
- Mức độ B: Có các vết trợt có đường kính >5mm, rời rạc khi nội soi thực quản.
- Mức độ C: Các vết trợt xếp song song với nhau nhưng chưa tạo thành vòng quanh chu vi thực quản.
- Mức độ D: Diện tích viêm loét >75% diện tích thực quản.
Các triệu chứng cơ năng hoặc thực thể của bệnh nhân đôi khi không tương xứng với mức độ tổn thương thực do bệnh gây nên. Do vậy, việc đánh giá mức độ bệnh trào ngược dạ dày thực quản qua triệu chứng biểu hiện có thể dẫn đến kết quả không chính xác.