Tiểu đường typ2 là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi nồng độ đường (glucose) trong máu tăng cao và kéo dài. Bệnh thường khởi phát ở người lớn tuổi, nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa ngày càng có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên phải điều trị căn bệnh này.
Hàng ngày, chúng ta ăn thực phẩm chứa tinh bột, đường. Phần lớn chúng được chuyển thành loại đường đơn giản là đường glucose. Insulin là một loại hormon được tuyến tụy (nằm sau dạ dày) tiết ra, giúp hệ tiêu hóa vận chuyển glucose vào trong tế bào để cơ thể tạo ra năng lượng.
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do cơ thể không đáp ứng với insulin (đề kháng insulin). Ban đầu, phản ứng của cơ thể là tuyến tụy sẽ tăng sản xuất insulin để duy trì nồng độ đường trong máu. Nhưng quá trình này diễn ra lâu ngày, khiến tuyến tụy trở nên "mệt mỏi", cạn kiệt nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của cơ thể, kết quả là nồng độ glucose tăng cao trong máu.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 là thừa cân, béo phì, có rối loạn chuyển hóa, yếu tố gia đình, phụ nữ sau sinh, cao huyết áp hoặc lười vận động.
Không phải tất cả các trường hợp tiểu đường type 2 đều gây ra triệu chứng, đặc biệt trong giai đoạn đầu của bệnh. Trên thực tế, tại Mỹ có đến 24% người không hề biết mình mang bệnh tiểu đường mà chỉ được phát hiện bệnh tình cờ khi khám sức khỏe định kì hoặc điều trị các bệnh khác.
Một số dấu hiệu được coi là cảnh báo sớm của tình trạng đường huyết tăng cao, bao gồm:
- Khát nước thường xuyên
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày
- Luôn cảm thấy đói cồn cào
- Giảm cân không rõ lý do
- Mệt mỏi thường xuyên
- Thở nhanh
- Mắt mờ hoặc thị lực giảm sút nhanh chóng
- Da khô, ngứa ở vùng có nếp gấp
- Nhức đầu, ngứa ran hoặc đau rát ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay…
- Tăng huyết áp
- Tính khi thay đổi thất thường
- Khó chịu, trầm cảm
- Nhiễm trùng thường xuyên hoặc định kỳ
- Các vết loét khó lành
Với tiểu đường typ2, các dấu hiệu của bệnh thường bị che lấp hoặc xảy ra kín đáo. Do vậy, nếu bạn đang gặp phải bất kì một dấu hiệu nào trên, hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Sự nguy hiểm của tiểu đường typ2 là do bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm, không dấu hiệu cảnh báo. Giai đoạn tiền đái tháo đường (từ rối loạn dung nạp đường đến chuyển thành tiểu đường) kéo dài từ 5 – 7 năm. Thời gian này và thời gian đầu khởi phát, bệnh không được phát hiện và chữa trị, nên đẩy nhanh tốc độ biến chứng. Cũng vì lẽ đó, có đến 50% các trường hợp đã mắc một hoặc nhiều biến chứng ngay tại thời điểm chẩn đoán.
Biến chứng tiểu đường là hậu quả của quá trình đường huyết không được kiểm soát trong giới hạn. Nó gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: là sự tích tụ chất béo trong lòng động mạch. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong đó tim, não và mạch máu chi dưới thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
- Bệnh võng mạc: Các mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị hư hại do đường huyết tăng cao kéo dài. Phát hiện sớm tổn thương võng mạc và điều trị sớm bằng laser, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể ngăn chặn mù lòa do bệnh tiểu đường gây ra.
- Tổn thương thần kinh: phổ biến là tổn thương thần kinh ngoại biên gây đau và tê bàn chân, làm người bệnh khó di chuyển. Tổn thương thần kinh cũng gây thiệt hại cho các dây thần kinh kiểm soát nhịp tim, nhịp thở, hệ tiêu hóa, chức năng tình dục.
- Loét bàn chân: máu lưu thông đến vùng da này thường nghèo nàn kết hợp đường máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các vết thương, vết loét trên da rất khó lành.
- Bệnh thận: suy thận có thể xảy ra nếu đường máu không được kiểm soát tốt và huyết áp không được điều trị tích cực. Hậu quả, người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận gây tốn kém và tổn hại tới sức khỏe.
Bệnh tiểu đường typ2 được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Bình thường, đường huyết khi đói (lấy máu buổi sáng khi chưa ăn) có nồng độ từ 70 -100 mg/dL (3,9 – 5,6mmol/l), nếu trị số này lớn hơn 125 mg/dL (6,95mmol/l) bạn sẽ được chẩn đoán tiểu đường.
Các xét nghiệm sau được sử dụng thường xuyên để đánh giá bệnh tiểu đường:
- Đường huyết lúc đói.
- Hemoglobin A1C (HbA1c), đánh giá việc kiểm soát đường huyết trong vòng 3 tháng qua
- Xét nghiệm nước tiểu đánh giá chức năng thận
- Lipid máu như nồng độ HDL, LDL và cholesterol. Điều này giúp đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch
Ngoài các xét nghiệm máu, dấu hiệu của biến chứng tiểu đường sẽ được kiểm tra, bao gồm:
- Dấu hiệu béo phì, đặc biệt là sự tích tụ mỡ ở vùng bụng.
- Kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh cao huyết áp
- Kiểm tra đáy mắt nhằm phát hiện sớm bệnh võng mạc do tiểu đường
- Giảm cảm giác ở chân
- Xung ở bàn chân
- Xung bất thường ở bụng
- Mụn nước, vết loét hoặc nhiễm trùng bàn chân
Các thuốc được sử dụng bao gồm cả dạng thuốc tiêm và thuốc viên, tác động trên nhiều cơ chế khác nhau như:
- Kích thích tuyến tụy sản xuất insulin: gliclazide (Diamicron)…
- Trì hoãn sự hấp thu đường từ ruột: acarbose (Glucobay)…
- Ức chế quá trình sản xuất đường tại gan: metformin (Glucophage)…
- Giảm sự thèm ăn để giảm tiêu thụ thức ăn: exenatide (Byetta)…
- Giảm đề kháng insulin ở cơ và mô mỡ (thiazolidinediones). Tuy nhiên nhóm này không được khuyến cáo hàng đầu trong điều trị do nó gây nguy cơ bệnh tim mạch.
Bệnh tiểu đường typ2 sau vài năm chức năng của tuyến tụy sẽ bị suy giảm. Có đến 30% số người mắc tiểu đường typ2 sẽ được chỉ định tiêm insulin. Một số khác có thể được sử dụng insulin ngắn hạn khi phải trải qua những đợt điều trị phẫu thuật, nhiễm trùng nặng.
Điều trị bằng insulin có thể bao gồm: insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng chậm hoặc dạng hỗn hợp của cả nhanh và chậm. Đối với những trường hợp chỉ số đường huyết quá cao hoặc muốn kiếm soát đường huyết tốt hơn bạn có thể dùng nhiều hơn một lần trong ngày với loại insulin có tác dụng kéo dài. Insulin tác dụng nhanh giúp kiểm soát đường huyết hữu ích với những người luôn có mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn hoặc có thói quen ăn uống không điều độ.
Bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường type 2 như: trướng bụng đầy hơi, hạ đường huyết, tăng cân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phù chân, gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim…
Bạn có thể phòng ngừa nguy cơ phát triển tiểu đường typ2 bằng cách:
- Duy trì chỉ số cân nặng hợp lý. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì nên áp dụng các biện pháp giảm cân.
- Tập thể dục thường xuyên như đi bộ, đạp xe từ 30 - 45 phút mỗi ngày giúp hạn chế đề kháng insulin.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: tăng cường bổ sung rau xanh, chất xơ, các loại hoa quả giàu vitamin, khoáng chất… hạn chế ăn các thức ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu béo, đường hóa học…
- Nếu bạn đang trong giai đoạn tiền đái tháo đường, metformin có thể được chỉ định như một liệu pháp giúp duy trì, ổn định đường huyết.
Trong trường hợp bạn đã bị tiểu đường typ2, bạn có thể làm chậm sự xuất hiện các biến chứng bằng cách:
- Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.
- Giảm các biến chứng xuất hiện lên tim mạch bằng cách sử dụng các loại thuốc chống đông như aspirin… giúp hạn chế nguy cơ hình thành huyết khối.
- Thăm khám bác sỹ chuyên khoa tim mạch, mắt và thần kinh định kỳ hàng năm có thể phát hiện sớm được sự xuất hiện biến chứng trên các cơ quan này.
Tiểu đường được xem là một trong những bệnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới hiện nay và ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Mỗi phút trôi qua có 6 người tử vong do biến chứng tiểu đường và ở nước ta các bệnh viện ghi nhận hàng năm có hàng nghìn lượt bệnh nhân nhập viện để điều trị biến chứng trên bàn chân, cơ xương khớp, mắt… Do đó, hiểu về bệnh cũng như áp dụng chế độ điều trị đúng đắn có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế tác động xấu của căn bệnh này.