Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bệnh tiểu đường có chữa được không?
Tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, liệt dương, tai biến mạch máu não...Vậy bệnh tiểu đường có chữa được không?

Trong những năm gần đây, số bệnh nhân mắc tiểu đường đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Theo các con số thống kê, tại Việt Nam, căn bệnh này đã tăng 211% trong vòng 10 năm qua. Tiểu đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh tiểu đường có chữa được không là băn khoăn của rất nhiều người.

1. Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới hàng loạt biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.

Theo đó, các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tiểu đường là:

- Biến chứng về mắt: Gây suy giảm thị lực, thậm chí khiến người bệnh bị mù lòa.

- Biến chứng thần kinh: Gây tê, nóng chân...

- Biến chứng tim mạch: Gây cao huyết áp, xơ vữa động mạch, ngoại vi gây tắc mạch...

- Biến chứng nhiễm trùng: Tiểu đường là nguyên nhân làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó dễ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.

- Gây ra nhiều tai biến sản khoa cho cả bé và mẹ khi người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ.

- Các biến chứng cấp tính khác như hôn mê, hạ đường huyết...

Như vậy, tiểu đường là bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cũng như làm giảm tốc độ tác động của chúng lên cơ thể.

2. Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Vì mức độ nguy hiểm của bệnh lý này nên bệnh tiểu đường có chữa được không là vấn đề dành được sự quan tâm của rất nhiều người.

Cho tới thời điểm hiện tại, tiểu đường vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh. Những phương pháp và loại thuốc chỉ có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh, tránh để bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.

Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bệnh tiểu đường có chữa được không? - Ảnh 1.

Uống thuốc điều trị tiểu đường chỉ có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Tác dụng phụ của insullin trong điều trị bệnh tiểu đường

- Tiểu đường là bệnh gì? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

Trên thực tế, người mắc tiểu đường tuýp 1 chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Với những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 thì cơ hội chữa trị bệnh cao hơn, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có 70% cơ hội chữa trị và ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị có thể làm bệnh thuyên giảm, thậm chí đến 20 năm mà chưa cần dùng thuốc.

Các bác sĩ cho biết bệnh tiểu đường tuýp 2 là rối loạn chuyển hóa, nghĩa là cơ thể không sản xuất hoặc sử dụng insulin hiệu quả làm cho lượng đường trong máu tăng cao. Tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Những bệnh nhân mắc tiểu đường có thể kiểm soát bằng insulin và các loại thuốc trị tiểu đường khác theo chỉ định của các bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc, việc tích cực tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống sẽ là những yếu tố làm tăng cơ hội chữa khỏi bệnh hoặc tránh bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.

2.1. Có liệu pháp tự nhiên nào chữa khỏi bệnh tiểu đường không?

Rất nhiều bệnh nhân băn khoăn liệu có biện pháp tự nhiên nào có thể chữa trị bệnh tiểu đường. Trên thực tế, không có biện pháp tự nhiên nào chữa khỏi bệnh lý này.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý những liệu pháp tự nhiên như hít thở sâu bằng bụng, thư giãn cơ tiến triển, điều trị tâm lý và liệu pháp phản hồi sinh học có tác dụng giúp giảm stress. Trong khi đó, các nghiên cứu cho biết stress là yếu tố ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Vì thế, thư giãn cũng là cách quan trọng để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.

Mặt khác, các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng cũng không điều trị được bệnh tiểu đường. Nguy hiểm hơn, một số loại thực phẩm chức năng tự nhiên có thể tương tác với thuốc điều trị gây ra những tác động nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Vì thế, bệnh nhân tiểu đường phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

2.2. Sử dụng tế bào gốc có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường không?

Nhiều người bệnh kì vọng vào việc sử dụng tế bào gốc để điều trị khỏi bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cho tới thời điểm hiện tại, tế bào gốc không chữa được bệnh tiểu đường.

Vậy cấy ghép tế bào đảo tụy có chữa được bệnh tiểu đường? Câu trả lời cho câu hỏi này là cấy ghép thành công tế bào đảo tụy có thể giúp cải thiện chất lượng sống đối với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp đang được nghiên cứu.

Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bệnh tiểu đường có chữa được không? - Ảnh 2.

Sử dụng tế bào gốc không thể điều trị bệnh tiểu đường - Ảnh Internet.

2.3. Ghép tụy có chữa được bệnh tiểu đường không?

Những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có thể sử dụng phương pháp ghép tụy để chữa trị. Ngoài ra, ghép tụy cũng thường được thực hiện với những bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối.

Theo đó, phẫu thuật ghép tụy giúp đường máu trở về mức bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý, cũng như tất cả các bệnh nhân được ghép tạng khác, người bệnh phải uống thuốc chống thải loại mảnh ghép trong suốt phần đời còn lại.

3. Cách điều trị tiểu đường hiệu quả

Tiểu đường là bệnh lý rất khó điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục lại sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nếu điều trị đúng cách, phối hợp nhiều giải pháp khác nhau.

Dưới đây là những phương pháp điều trị bệnh tiểu đường:

- Thực hiện lối sống lành mạnh:

+ Thực hiện chế độ dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường một cách nghiêm khắc: Tăng chất xơ, giảm chất béo và carbohydrate.

+ Tăng cường tập luyện, vận động thể chất: Bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 30 đến 60 phút mỗi ngày với những bài tập cường độ vừa phải. Mỗi tuần tập luyện ít nhất 5 ngày và không nghỉ tập 2 ngày liên tiếp.

+ Cần kiểm soát trọng lượng khỏe mạnh: Luôn giữ cơ thể ở mức trọng lượng thích hợp, tránh hiện tượng thừa cân, béo phì.

+ Tránh stress: Tập cách thư giãn, không hút thuốc lá, ngủ đủ giấc và đúng giờ.

- Tuân thủ theo chỉ định điều trị của các bác sĩ và kết hợp với thảo dược để kiểm soát bệnh:

+ Người bệnh cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ về thời gian trị bệnh, liều lượng dùng thuốc và tái khám đúng hạn.

+ Có một vài thảo mộc có thể giúp tăng độ nhạy insulin và giảm khả năng tiến triển của tiểu đường. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

+ Kiểm tra tình trạng đường huyết thường xuyên.

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi bệnh tiểu đường có chữa được không là bệnh lý này rất khó chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh và tăng cơ hội chữa trị khỏi nếu thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc thực hiện lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học.

Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bệnh tiểu đường có chữa được không? - Ảnh 4.


Tác giả: Ngọc Điệp