Bệnh tiểu đường có lây không? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có lây không? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường
Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh này ở Việt Nam đang ngày một gia tăng với tốc độ tăng 8-10%/năm. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường lo lắng vì sợ lây bệnh cho người thân của mình. Vậy thực tế bệnh tiểu đường có lây không?

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Trước khi tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi “bệnh tiểu đường có lây không?”, chúng ta cần biết bệnh tiểu đường là gì? Và tại sao lại mắc bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường, hay bệnh đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính với biểu hiện đặc trưng là nồng độ đường huyết trong máu tăng cao do cơ thể thiếu insulin hoặc các tế bào ngừng phản ứng với insulin (insulin là hormone có tác dụng đưa đường glucose trong máu vào các tế bào của cơ thể để chuyển hóa thành năng lượng). Bệnh tiểu đường lâu ngày sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận. 

Bệnh tiểu đường có lây không? Những điều cần biết về bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Bệnh tiểu đường lâu ngày sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận. (Ảnh: Internet)

Có nhiều yếu tố gây ra bệnh tiểu đường, tuy nhiên nguyên nhân trực tiếp đó là do thói quen sống chưa lành mạnh như ăn uống không điều độ, sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh, ít vận động, kèm theo áp lực công việc và tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài,...

Bệnh tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính với biểu hiện đặc trưng là nồng độ đường huyết trong máu tăng cao

2. Các dạng bệnh tiểu đường

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), có ba dạng bệnh tiểu đường chính đó là: Tiểu đường loại 1, Tiểu đường loại 2 và Tiểu đường thai kỳ (Tiểu đường khi mang thai)

Tiểu đường loại 1

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường loại 1 được cho là do phản ứng tự miễn dịch khiến cơ thể ngừng sản xuất insulin. Có khoảng 5-10% người mắc bệnh này và đối tượng mắc thường là trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Các triệu chứng của tiểu đường loại 1 thường phát triển nhanh và người bệnh cần dùng insulin mỗi ngày để duy trì sự sống. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra cách phòng tránh bệnh tiểu đường loại 1.

Tiểu đường loại 2

Tế bào cơ thể người mắc bệnh tiểu đường loại 2 kháng insulin và cơ thể không thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Có khoảng 90-95% người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và thường được chẩn đoán ở người trưởng thành. Các triệu chứng của tiểu đường loại 2 rất khó phát hiện, vì vậy đi xét nghiệm để kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên là cần thiết. Bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh như ăn thực phẩm lành mạnh và năng vận động sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn biến của bệnh tiểu đường loại 2.

Tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, nhưng không phải tất cả họ đều mắc. Nếu người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ trong quá trình mang thai, cả mẹ và con sinh ra sau này sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Bên cạnh đó, con có thể có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như béo phì.

Đọc thêm:

 - Ăn nhiều cơm có tốt không? 7 tác hại khi ăn nhiều cơm trắng 

Biết chỉ số GI của thực phẩm để kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường

3. Bệnh tiểu đường có lây không?

Vậy bệnh tiểu đường có lây không? Hãy đọc tiếp phần dưới đây của bài viết để có câu trả lời chi tiết nhất!

Bệnh tiểu đường có lây qua đường máu không?

Bệnh tiểu đường xảy ra là do rối loạn chuyển hóa và không phải là một bệnh truyền nhiễm như viêm gan, HIV/AIDS,...Vì vậy, bệnh tiểu đường hoàn toàn không lây nhiễm qua đường máu. Người mắc bệnh tiểu đường có thể hiến máu cho người khác mà không lo sẽ lây bệnh tiểu đường cho họ.

Tiếp xúc với người bị tiểu đường có lây bệnh không?

Nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường không phải do vi rút, vi khuẩn hay nấm gây ra, vì vậy bệnh tiểu đường cũng không có khả năng lây lan từ người này sang người khác qua đường tiếp xúc.

Tất cả người sống trong một gia đình đều bị mắc bệnh tiểu đường nguyên nhân có thể là do di truyền hoặc do thói quen ăn uống, sinh hoạt giống nhau chứ hoàn toàn không do lây qua đường hô hấp.

Quan hệ tình dục có gây lây nhiễm bệnh tiểu đường?

Quan hệ tình dục không gây lây nhiễm bệnh tiểu đường do tác nhân gây bệnh không phải do nhiễm khuẩn hay vi rút. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vợ chồng vì nó làm suy giảm sinh lý. Nam giới mắc bệnh tiểu đường có thể gặp tình trạng rối loạn cương, giảm cảm giác thỏa mãn. Còn nữ giới khi mắc bệnh này sẽ gây khô âm đạo và cơ quan sinh dục dễ bị viêm nhiễm.

Bệnh tiểu đường không phải là bệnh lây nhiễm nhưng có khả năng di truyền

Đến đây, chắc hẳn các bạn đều đã nắm được câu trả lời cho câu hỏi “bệnh tiểu đường có lây không?” Có thể khẳng định lại rằng bệnh tiểu đường là bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên căn bệnh này lại có khả năng di truyền từ bố hoặc mẹ sang con. Tiểu đường là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy mỗi chúng ta hãy chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và tập luyện thường xuyên.

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/diabetes/sugar-doesnt-cause-diabetes#1

https://www.rchsd.org/health-articles/can-i-get-diabetes-from-having-sex/

https://medicorx.com/new-study-finds-type-2-diabetes-may-be-transmissible/

https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html 

Tác giả: Phạm Trang