Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi
Bệnh thủy đậu ở trẻ em (còn gọi là trái rạ, phỏng dạ) có khả năng lây nhiễm cao, do virus varicella-zoster (VZV) gây ra. Mặc dù hiếm gặp nhưng một số trường hợp trẻ bị thủy đậu có thể phát triển các biến chứng bệnh nghiêm trọng.

Thủy đậu là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em tới người lớn do một loại virus tên là varicella - zoster (cũng gây ra bệnh zona) gây ra. Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể lây lan nhanh chóng và tạo thành các ổ dịch, nhất là với trẻ đang ở độ tuổi đi học.

1. Dấu hiệu và triệu chứng khi trẻ bị thủy đậu

Thời gian ủ bệnh thủy đậu là bao lâu? Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 14 - 16 ngày và phát triển trong vòng khoảng 10 - 21 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Khoảng 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng thủy đậu rầm rộ như phát ban thì trẻ bị thủy đậu thường bắt đầu với những triệu chứng nhiễm trùng do virus phổ biến như sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi, đau mỏi cơ thể, đau họng hoặc đau bụng. Nhiệt độ sốt ở trẻ bị thủy đậu thường trong khoảng từ 38,3 - 39 độ C, có thể bị sốt do thủy đậu từ 2 - 3 ngày hoặc thời gian sốt ngắn hơn tùy thuộc vào từng trạng thái sức khỏe của trẻ. Ở trẻ sơ sinh bị thủy đậu, trẻ có thể cáu kỉnh và quấy khóc hơn bình thường.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 2.

Hình ảnh nốt thủy đậu trên lưng trẻ (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

+ Bị thủy đậu khi nào cần thăm khám bác sĩ?

+ 3 sai lầm "kiêng cữ" trong chăm sóc bệnh nhân thủy đậu cần bỏ ngay!

Sau giai đoạn này, trẻ bắt đầu phát triển các phát ban dạng phỏng nước, ngứa bắt đầu từ bụng hoặc lưng và mặt. Sau đó các nốt thủy đậu lan ra toàn thân, hầu hết cơ thể, bao gồm da đầu, miệng, tay, chân và bộ phận sinh dục. Theo Healthline, phát ban do thủy đậu có thể nhẹ hoặc nặng, xảy ra theo từng đợt liên tiếp trong 2 - 4 ngày và có thể mọc từ 200 - 500 nốt ban ngứa. Phát ban do thủy đậu có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như trẻ mắc các rối loạn về da như bệnh chàm hoặc ở trẻ có hệ miễn dịch suy yếu.

Hình ảnh các giai đoạn phát ban do bệnh thủy đậu ở trẻ em:

- Giai đoạn 1: Các nốt phát ban bắt đầu từ những nốt ngứa nhỏ và phồng rộp trên đầu sau khoảng 12 - 14 giờ có màu hồng hoặc đỏ sẫm

Bị thủy đậu khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 2.

Ảnh: NHS

- Giai đoạn 2: Sau 1 - 2 ngày các đốm sẽ chứa đầy dịch lỏng và trở thành mụn nước, theo thời gian các nốt mụn nước sẽ trở nên đục hơn

Bị thủy đậu khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 3.

Ảnh: NHS

- Giai đoạn 3: Sau 1 - 2 tuần, các nốt mụn nước vỡ ra để lại vết loét hở và cuối cùng là đóng vảy, lớp vảy này sẽ bong tự nhiên. Các nốt thủy đậu bị vỡ có thể dễ bị bội nhiễm, gây loét mủ và có thể để lại sẹo.

Bị thủy đậu khi nào cần thăm khám bác sĩ? - Ảnh 4.

Ảnh: NHS

2. Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em

Bệnh thủy đậu ở trẻ em do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, đây là virus thuộc họ Herpesviruses, do đó VZV có những đặc tính cấu trúc tương tự virus Herpes Simplex. Virus này cũng có thể gây ra phát ban da đau đớn gọi là bệnh zona (herpes zoster) sau này. Sau khi một người đã bị thủy đậu, virus sẽ ở trạng thái ngủ đông trong hệ thần kinh trong suốt quãng đời còn lại của họ. Và, virus có thể tái hoạt động sau đó dưới dạng bệnh zona thần kinh.

Bệnh thủy đậu có lây không?

Câu trả lời là có. Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan và hầu hết trẻ có anh chị em ruột hay bạn học cùng lớp bị nhiễm bệnh cũng có thể bị lây nhiễm, đặc biệt là ở các nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu. Thời gian biểu hiện triệu chứng khoảng 2 tuần sau khi trẻ đầu tiên bị thủy đậu.

Bệnh thủy đậu có thể lây truyền qua được hô hấp, thông qua các giọt bắn trong không khí mang virus thủy đậu khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; hoặc lây qua dịch nhầy từ mụn nước thủy đậu.

Một người có thể lây bệnh thủy đậu cho người khác từ khoảng 2 ngày trước khi các phát ban xuất hiện cho tới khi tất cả các mụn nước đóng vảy hoàn toàn. Chính vì lý do này mà trẻ bị thủy đậu cần được nghỉ ở nhà và cách ly tới khi các nốt ban thủy đậu biến mất.

Ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu cao hơn?

Mặc dù bệnh thủy đậu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng có một số yếu tố khiến trẻ có nguy cơ bị thủy đậu cao hơn, bao gồm: Trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị thủy đậu, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ mắc bệnh bạch cầu, trẻ gặp các vấn đề về hệ miễn dịch hoặc trẻ đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, trẻ chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 6.

Mặc dù bệnh thủy đậu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng có một số yếu tố khiến trẻ có nguy cơ bị thủy đậu cao hơn (Ảnh: ST)

Miễn dịch từ bệnh thủy đậu

Hầu hết những người đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ miễn dịch với căn bệnh này trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, virus vẫn nằm im trong mô thần kinh và có thể tái hoạt động, dẫn đến bệnh zona thần kinh (giời leo) sau này. Hiếm khi xảy ra trường hợp thủy đậu thứ phát. Xét nghiệm máu có thể xác nhận khả năng miễn dịch với bệnh thủy đậu ở những người không chắc chắn liệu họ đã từng mắc bệnh hay chưa.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu thường bằng cách quan sát các dấu hiệu lâm sàng do phát ban do thủy đậu rất đặc trưng. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: bạch cầu máu ngoại vi giảm, lympho bào tăng, miễn dịch huỳnh quang, soi tìm virus, phân lập virus, xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh,…

Điều trị bệnh thủy đậu

Do thủy đậu là bệnh do virus nên không có thuốc đặc trị chữa bệnh mà mục đích điều trị thủy đậu nhắm đến giảm nhẹ các triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Thuốc điều trị thủy đậu thường là thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau cùng các vitamin giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Nết nốt thủy đậu bị bội nhiễm, kháng sinh có thể được chỉ định.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 7.

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu thường bằng cách quan sát các dấu hiệu lâm sàng do phát ban do thủy đậu rất đặc trưng (Ảnh: ST)

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà cần chú ý các vấn đề sau để trẻ nhanh khỏi và tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng thủy đậu nguy hiểm:

- Cách ly trẻ bị thủy đậu ngay từ những triệu chứng nhiễm trùng đầu tiên tới khi các nốt thủy đậu đóng vảy, bao gồm cả cho trẻ nghỉ học ở nhà. Đồng thời cho trẻ sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, từ bát đũa cốc tới khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, cốc đánh răng,...

- Hạn chế gãi khi trẻ bị thủy đậu, việc gãi làm tăng nguy cơ vỡ hay xước các nốt thủy đậu gây bội nhiễm và biến chứng. Để làm giảm các triệu chứng ngứa do thủy đậu cho bé ngoài việc sử dụng một số loại thuốc kháng histamine, clorpheniramin hoặc thoa kem dưỡng da calamine giúp giảm ngứa cho trẻ thì cha mẹ có thể chườm bằng khăn sạch với nước ấm 3 - 4 tiếng một lần trong vài ngày đầu.

- Cho trẻ thay quần áo và tắm rửa vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm sạch, khi tắm cho trẻ cần lau nhẹ nhàng, không chà xát. Mặc quần áo mỏng và thấm hút mồ hôi.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 8.

Hạn chế việc trẻ gãi ngứa do thủy đậu quá nhiều, làm tăng nguy cơ bội nhiễm (Ảnh: ST)

- Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị thủy đậu bằng thức ăn dễ tiêu hóa nhưng đủ dinh dưỡng; cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ bị thủy đậu kiêng gì? Trẻ có thể cần kiêng các món ăn cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn khó tiêu hóa.

- Với trẻ có các nốt thủy đậu trong miệng, cần chú ý giữ vệ sinh, tránh ăn thức ăn quá nóng và vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý loãng 0,9%.

- Bố mẹ có thể dùng dung dịch xanh methylen hoặc thuốc tím 1/4000 để chấm vào nốt thủy đậu trong trường hợp nốt phỏng nước bị vỡ.

- Chú ý tới các bất thường khi trẻ mắc thủy đậu để nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế. Các dấu hiệu trẻ bị thủy đậu cần khám bác sĩ bao gồm:

+ Trẻ bị sốt kéo dài trên 4 ngày.

+ Trẻ bị ho dữ dội.

+ Trẻ sợ ánh sáng mạnh.

+ Trẻ nôn mửa nghiêm trọng.

+ Trẻ gặp khó khăn khi di chuyển, đi bộ.

+ Vùng da xung quanh nốt mụn nước trở nên nóng rát, đỏ và gây đau.

+ Cảm giác đau tức ngực và khó thở.

+ Trẻ có dấu hiệu mất nước và không bù được bằng đường uống, bao gồm không đi tiểu, tay chân lạnh, nhịp tim nhanh, lú lẫn, mất phương hướng, trẻ ngủ li bì khó đánh thức, lừ đừ thậm chí co giật, hôn mê.

+ Dấu hiệu nhiễm trùng nốt mụn nước, dịch lẫn mủ, có mùi hôi khó chịu.

+ Bất kì một triệu chứng nào sẵn có trở nên nghiêm trọng hơn cùng nốt phát ban như ho nặng hơn, cứng cổ, sốt cao hơn (38,9 độ C), nôn mửa.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 9.

Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không? Ảnh: ST

4. Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?

Bệnh thủy đậu ở trẻ em đều có thể tự hồi phục nếu như được chăm sóc khi bị thủy đậu tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ bị thủy đậu gặp phải các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

- Nhiễm trùng da và mô mềm (chẳng hạn như nhiễm trùng tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu khuẩn).

- Mất nước.

- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi một hoặc cả hai bên phổi).

- Nhiễm trùng hoặc sưng não, mất điều hòa tiểu não.

- Viêm khớp.

- Nguy cơ dị tật ở thai nhi.

- Nhiễm trùng máu và các biến chứng xuất huyết.

- Hội chứng Reye, một căn bệnh gây sưng tấy ở não và gan. Điều này có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng aspirin khi bị thủy đậu.

- Tử von.g.

Bệnh zona thần kinh là một "biến chứng" muộn của bệnh thủy đậu, nguy cơ bị rona thần kinh cao hơn nếu trẻ sinh ra có mẹ bị thủy đậu. Nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh nếu mẹ bị thủy đậu trong 20 tuần đầu thai kỳ với các nguy cơ bao gồm: dị tật ở mắt, các vấn đề về thần kinh (đầu nhỏ, mù, chậm phát triển, co giật), sẹo da và các chi bị teo nhỏ. Nguy cơ bị zona khi còn nhỏ khi mẹ bị thủy đậu trong thời gian từ 20 - 36 tuần thai kỳ. Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh hoặc phát ban trong vòng 5 ngày trước khi cho đến 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 10.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể phòng ngừa được (Ảnh: ST)

5. Phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ em

May mắn là bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine ngừa thủy đậu. Vaccine phòng bệnh thủy đậu đã được chứng minh giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu tới 90%. Hiện nay có ba loại vaccine thủy đậu là vaccine Varivax (Mỹ), vaccine Varicella (Hàn Quốc) và vaccine Varilrix (Bỉ) có lịch tiêm khác nhau. Mũi đầu tiên thường là khi trẻ đủ 9 - 12 tháng tuổi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất 3 tháng, sau đó tiêm nhắc lại khi đủ 4 - 6 tuổi để cải thiện khả năng miễn dịch với virus.

Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh, dạy trẻ không đưa tay lên mặt khi tay chưa được rửa sạch, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát sẽ góp phần phòng tránh bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng như các bệnh lây nhiễm khác do thói quen vệ sinh kém gây ra.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 11.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Dấu hiệu sớm, biến chứng nguy hiểm và cách chăm sóc tại nhà để nhanh khỏi - Ảnh 12.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Nguồn dịch tham khảo:

1. Chickenpox (Varicella)

2. What to Expect from Chickenpox in Babies

3. Chickenpox in Children

4. 7 Home Remedies for Chickenpox


Tác giả: Allen