Bệnh thoái hoá cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Bệnh thoái hoá cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Thoái hoá cột sống ngày càng trở nên phổ biến. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh nhé!

Hơn 1,5 triệu người mắc thoái hoá cột sống mỗi năm, 75% không có triệu chứng rõ ràng ở thời gian đầu khởi bệnh. Đó là những con số biết nói về căn bệnh xương khớp phổ biến hiện nay - thoái hoá cột sống. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh thông qua bài viết này nhé!

1. Phát hiện sớm nguyên nhân thoái hóa cột sống giúp điều trị tích cực

Thoái hóa cột sống được hiểu là những biến đổi thoái hoá về mặt hình thái ở đĩa đệm, thân đốt sống và các mỏm gai sau. Đây là bệnh lý về cơ xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thoái hoá cột sống, bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan sau:  

- Do thoái hoá tự nhiên: Buớc qua độ tuổi 30, cột sống bắt đầu có tình trạng lão hoá. Cấu trúc của cột sống dễ xảy ra tình trạng tổn thương hoặc hư hại hơn. Đây là nguyên nhân không thể tránh khỏi, tuỳ vào lối sống sinh hoạt mà quá trình thoái hóa cột sống diễn ra sớm hay muộn.

- Do tính chất công việc: Nguời thường xuyên làm việc nặng, phải cử động mạnh có nguy cơ cao mắc phải chứng thoái hoá cột sống. Ngoài ra, dân văn phòng có tư thế ngồi không đúng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.

- Do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Xương khớp là cơ quan quan trọng, cần bổ sung chất dinh dưỡng nhằm duy trì hoạt động bình thường. Việc thiếu hụt canxi, magie và các vitamin làm tăng nguy cơ cột sống bị bào mòn, dẫn đến thoái hóa cột sống.

- Do các chấn thương, tai nạn: Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, có những va chạm gây tổn thương cho cột sống. Nếu không phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra di chứng, dẫn đến thoái hoá cột sống sớm hơn và trầm trọng hơn. 

- Do di truyền: Di truyền cũng là một yếu tố gây ra tình trạng thoái hoá. Những người bẩm sinh hẹp ống sống, gai cột sống… có nguy cơ mắc chứng thoái hoá cột sống cao.

- Do sinh hoạt: Sinh hoạt kém hợp lý, lối sống không lành mạnh khiến tăng nguy cơ mắc bệnh. Sử dụng quá nhiều rượu bia, chất kích thích, làm việc không đúng giờ giấc, luyện tập quá độ sẽ gây thoái hóa sớm.

2. Những triệu chứng thoái hóa cột sống thường gặp

Như đã đề cập, 75% người bị thoái hóa cột sống không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng trong thời gian đầu mắc bệnh. Hai dạng thường gặp nhất của thoái hóa cột sống là thoái hóa vùng cổ và thắt lưng. Nếu phát hiện những triệu chứng sau đây, bạn nên lưu ý thăm khám để điều trị kịp thời:

- Đau vùng cổ, vai gáy hoặc thắt lưng liên tục và kéo dài, sau đó lan sang các vùng lân cận.

- Gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác xoay cổ, cúi ngửa cổ hoặc cúi gập người xoay người.

- Đau dữ dội khi khuân vác đồ nặng hoặc vận động mạnh.

- Cơn đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi nhưng tái phát khi vận động trở lại.

- Cứng cổ, vẹo cổ hoặc lưng có triệu chứng biến dạng do đường cong tự nhiên của cột sống bị ảnh hưởng.

- Tê tay, chân, khó cầm nắm hoặc di chuyển.

3. Cách phòng tránh thoái hoá cột sống hiệu quả

Thoái hoá cột sống gây ra những phiền toái và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh một cách chủ động. Dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn:

- Xây dựng lối sống lành mạnh. Điều chỉnh những thói quen sinh hoạt không tốt gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

- Có chế dộ dinh dưỡng phù hợp. Ăn uống đủ chất, chú ý bổ sung canxi, magie và các vitamin trong thực phẩm hàng ngày để ngăn thoái hóa cột sống. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

- Tập luyện thể thao đúng cách và đúng cường độ. Hạn chế các bài tập nặng gây ảnh hưởng đến xương khớp.

- Hạn chế các lao động quá sức liên tục và kéo dài.

- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Thăm khám sớm nếu phát hiện các triệu chứng nghi là bệnh lý về xương khớp.

Thoái hóa cột sống sẽ không còn là nỗi lo nếu được trang bị đầy đủ kiến thức. Thường xuyên tìm hiểu các tài liệu về sức khoẻ giúp bạn phòng tránh được nguy cơ mắc thoái hóa cột sống. Hãy quan tâm đúng mức đến sức khoẻ xương khớp, đặc biệt là biệt là các bệnh lý về cột sống để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai.


Tác giả: Thùy Dung