Bệnh thoái hoá cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Bệnh thoái hoá cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Thoái hoá cột sống là căn bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Nhiều người vẫn băn khoăn liệu có thể điều trị dứt điểm thoái hoá cột sống được hay không?

Thoái hóa cột sống gây ra những cơn đau dữ dội và kéo dài, gây ra những phiền toái nhất định cho người bệnh. Vậy thoái hóa cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Khả năng hồi phục ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1. Thoái hoá cột sống là gì, có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Thoái hoá cột sống là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, người lao động nặng nhọc và công việc văn phòng. Bệnh xảy ra khi cột sống và các khớp có dấu hiệu lão hoá, cấu trúc và chức năng của chúng không còn đảm bảo. Thoái hoá diễn ra chủ yếu ở vùng thắt lưng và cổ, nơi chịu nhiều tác động nhất của xương cột sống.

Hiện nay, thoái hóa cột sống chưa thể chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh vẫn là điều cần thiết. Các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống nhằm mục đích đẩy lùi cơn đau, hồi phục chức năng cột sống và tránh các biến chứng nguy hiểm.

2. Điều trị thoái hóa cột sống bằng những phương pháp nào?

Tuỳ theo cơ địa và diễn tiến bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn các hình thức điều trị phù hợp. Có 3 phương pháp điều trị thoái hóa cột sống phổ biến sau đây:

2.1. Sử dụng thuốc

Trong thời gian đầu, người mắc thoái hóa cột sống thường được chỉ định điều trị bằng thuốc. Tác dụng của các loại thuốc này thường là giảm đau, chống viêm và đẩy lùi thoái hoá. Thuốc có công dụng hạn chế sự phát triển của bệnh và phải sử dụng trong thời gian dài.

Có nhiều lựa chọn thuốc đặc trị bệnh, có thể là đông y, tây y hoặc đông tây y kết hợp. Điều này phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân phù hợp với phương pháp nào. Người bệnh thoái hóa cột sống có thể sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng theo khuyến cáo của bác sĩ.

2.2. Phương pháp phẫu thuật

Khi bệnh thoái hóa cột sống đã diễn biến phức tạp, gây hạn chế vẫn động thì bệnh nhân thường được chỉ định mổ. Nếu thoái hoá chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng đến bộ phận khác thì phẫu thuật là điều cần thiết. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, với cách thức và chi phí khác nhau.

Phương pháp mổ hở

Được chỉ định khi xảy ra các tình trạng cong, vẹo cột sống, rễ thần kinh bị chèn ép. Điểm hạn chế của phương pháp này là nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, mất máu nhiều, tình trạng máu không đông.

Phương pháp mổ nội soi 

Khắc phục được các điểm yếu của mổ truyền thống. Giải quyết được các tình trạng thoái hoá cột sống, an toàn và vết mổ có tính thẩm mỹ hơn.

Phương pháp mổ và cố định cột sống 

Được sử dụng khi đĩa đệm có dấu hiệu bị lệch ra ngoài. Sau phẫu thuật, cơn đau cột sống được hạn chế, do cột sống được cố định bằng dây kim loại.

Phương pháp thay thế đĩa đệm nhân tạo 

Sử dụng thành tựu y học cấy ghép thiết bị hỗ trợ sự vận động của cột sống. Tuy nhiên bệnh nhân mất nhiều thời gian để hồi phục, thông thường mất khoảng 6 tháng sau phẫu thuật.

2.3. Kết hợp ăn uống và phương pháp cổ truyền

Phương pháp này giúp hạn chế cơn đau và ít gây hại. Đây còn là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và không tốn quá nhiều chi phí. Một chế độ dinh dưỡng hàng ngày giàu đạm và canxi khiến khung xương chắc khoẻ hơn.

Các động tác vận động nhẹ khiến khung xương được thư giãn, tránh tình trạng tê cứng và ê buốt. Bạn cũng có thể lựa chọn các môn thể thao không cần vận động mạnh để tập luyện mỗi sáng. Các phương pháp cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt cũng có tác dụng giảm đau và không gây hại.

Điều trị thoái hoá cột sống cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì của người bệnh. Phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục của cột sống càng cao. Do đó, bạn nên có kế hoạch chăm sóc phù hợp đối với sức khoẻ xương khớp của mình.


Tác giả: Thùy Dung