Bệnh thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Bệnh thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?
Thoái hoá cột sống có thể dẫn đến các biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khả năng hồi phục của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn.

Thoái hoá cột sống là một căn bệnh về xương khớp điển hình. Không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, thoái hóa cột sống ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các đối tượng trong độ tuổi lao động. Vậy thoái hoá cột sống có nguy hiểm hay không? Diễn biến của bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau bạn nhé.

1. Thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Thoái hoá cột sống xảy ra khi các đốt sống có dấu hiệu lão hoá, gây hư hại cấu trúc và chức năng tự nhiên của xương cột sống. Thông thường, đốt sống bắt đầu thoái hóa từ sau tuổi 30. Đặc biệt, tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa diễn ra càng nhanh.

Thoái hoá cột sống không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh còn có thể gây ra các biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Các biến chứng có thể khiến người bệnh tàn phế hoặc gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như: Rối loạn tiền đình, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh toạ,...

2. Diễn biến của quá trình thoái hoá cột sống

Thoái hoá cột sống không xảy ra ồ ạt mà diễn biến chậm trong thời gian dài. Quá trình thoái hoá cột sống diễn ra theo 4 giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn này, đường cong của cột sống lưng có sự biến đổi theo hướng cong, vẹo và bắt đầu biểu hiện cơn đau. Tuy nhiên, các cơn đau thường ở mức độ nhẹ và không kéo dài. Vì vậy, rất ít người phát hiện được bệnh trong giai đoạn đầu.

- Giai đoạn 2

Đây là giai đoạn các cơn đau nhức cột sống bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn. Người bệnh bắt đầu gặp các hạn chế trong vận động, đau khi vận động. Bệnh có thể dẫn đến các tình trạng như gai cột sống, hẹp ống sống và hẹp đĩa đệm.

Thoái hoá cột sống cần được điều trị trong giai đoạn này để tránh các biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm và theo dõi thường xuyên.

- Giai đoạn 3

Thoái hoá cột sống trở nên nghiêm trọng hơn, xuất hiện các biểu hiện bên ngoài rõ rệt hơn. Bệnh nhân có thể nhận thấy tình trạng cong vẹo sống lưng diễn ra nhanh và rõ hơn, gặp khó khăn trong di chuyển, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Sút cân, giảm chiều cao và ảnh hưởng hệ thống thần kinh cũng là điều thường thấy trong giai đoạn này. Can thiệp bằng thuốc trong giai đoạn 3 chỉ có tác dụng giảm đau nhức cho người bệnh.

- Giai đoạn 4

Là giai đoạn cuối cùng của quá trình thoái hoá cột sống. Bệnh nhân đã có dấu hiệu mất cân bằng và khó vận động. Ngoài ra có thể xuất hiện tình trạng chèn ép dây thần kinh, teo cơ hay biến dạng cột sống.

Ở giai đoạn này, các tổn thương cột sống, mô xương ở giai đoạn trước đã không còn tái tạo được. Bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật.

3. Hậu quả do thoái hoá cột sống mang lại

Dù thoái hoá cột sống không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng hậu quả của nó thật sự nguy hiểm. Cụ thể:

- Tình trạng biến dạng cột sống: Thoái hoá cột sống khiến cột sống mất đi đưòng cong vốn có, gây ra các tình trạng gù lưng, cong vẹo cột sống mất thẩm mỹ.

- Chèn ép vào các dây thần kinh: Đây là hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra các cơn đau và nguy cơ dẫn đến tàn phế. Trong trường hợp này phải can thiệp bằng phẫu thuật để giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép.

- Gây ra các căn bệnh khác: Thoái hoá cột sống có thể là nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm khác như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, đau thần kinh toạ, …

Thoái hoá cột sống sẽ thực sự nguy hiểm khi bạn không điều trị đúng cách. Phát hiện và điều trị sớm giúp tăng khả năng phục hồi thoái hoá cột sống.


Tác giả: Thùy Dung