Vì đặc tính lây lan của bệnh tay chân miệng ở trẻ em càng trở nên nguy hiểm khi trẻ đang đi học tại trường học nơi tập trung rất đông học sinh.
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là ở lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Virus gây bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc từ người sang người. Vì thế, đây là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, lại trong độ tuổi còn nghịch ngợm nên dễ bị mắc bệnh. Chúng ta cần có biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cụ thể, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các bé tại trường học
Bệnh tay chân, miệng ở trẻ không hiếm gặp, xảy ra quanh năm. Hai mốc thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 thường có nhiều ổ dịch bùng phát, nhất là tại các trường học. Nhiều ca có biến chứng nặng.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh tay chân, miệng. Do đó, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan. Tránh các tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và tất cả các nguồn lây nhiễm.
Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng tại trường học nhà trường cần tiến hành khử khuẩn khuôn viên và các đồ dùng trong trường học. Nhà trường cần thường xuyên vệ sinh phòng học, khu vực vui chơi, bếp ăn, đặc biệt là nhà vệ sinh cần khử khuẩn sạch sẽ.
Quá trình dọn dẹp cần sử dụng xà phòng, dung dịch, chất tẩy rửa để khử trùng bề mặt và các vật dụng. Chú ý khi lau chùi sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn xong, phải để trong thời gian 15 phút để đủ khả năng diệt khuẩn; sau đó chùi sàn nhà bằng nước sạch để làm sạch chất khử khuẩn đã sử dụng. Công việc khử khuẩn cần phải thực hiện hàng ngày.
Chú ý nhất là khu vực nhà bếp, đối với các trường có học sinh bán trú, ăn uống tại trường. Các dụng cụ chế biến thức ăn phải sạch sẽ, rửa sạch thường xuyên. Nhân viên chế biến thức ăn phải cắt ngắn móng tay không đeo đồ trang sức.
Tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, cần ngâm rửa đồ chơi của trẻ với dung dịch khử khuẩn này rồi lau khô hoặc phơi nắng.
Nhà trường cần đảm bảo nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho các bé. Người giữ trẻ, giáo viên mầm non sau khi thay quần áo, tã lót cho trẻ phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
Ngoài ra, các trường học cần có các biện pháp phòng tránh bệnh tay chân, miệng cho trẻ em. Đây là môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ. Khi bệnh phát tán không kiểm soát sẽ gây ra những nguy có khó lường và khó dập dịch. Các cơ sở y tế địa phương, nhà trường, gia đình, và cả các em nhỏ cần chung tay đẩy lùi bệnh tay chân, miệng.
Tuyệt đối không tiếp xúc thân mật với trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh, không hôn hít, vuốt ve.
Giáo viên và gia đình cần hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân hàng ngày, hình thành cho trẻ thói quen sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, không ăn những món đồ không vệ sinh như ăn quả cả vỏ, ăn đồ rơi xuống đất, đồ chưa rửa,...
Dạy trẻ phải dùng khăn giấy hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi. Người nhà và giáo viên chăm trẻ cần thay quần áo, cắt móng tay móng chân thường xuyên cho trẻ, không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với các trẻ khác để phòng ngừa lây nhiễm.
Khi trẻ bị mắc bệnh, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học để ngăn ngừa lây lan. Trong thời gian chữa trị, cần cách ly trẻ tại nhà hoặc cơ sở y tế. Khi phát hiện hay nghi ngờ học sinh, trẻ nhỏ bị mắc bệnh tay chân miệng, gia đình và nhà trường phải phối hợp, thông báo cho cơ sở y tế để trẻ được chữa trị và cách ly kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm tại trường học và bùng phát thành dịch tại khu vực.
Đặc biệt, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học đến khi bệnh tay chân, miệng đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Với đặc tính lây lan nhanh chóng của bệnh, cả phụ huynh, gia đình, nhà trường cũng như cơ sở y tế cần chủ động, cùng nhau phối hợp để dịch tay chân miệng không lây lan, bùng phát trong cộng đồng trường học gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.