Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? Khi nào cần cho trẻ nhập viện theo dõi và điều trị?

Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? Khi nào cần cho trẻ nhập viện theo dõi và điều trị?
Tay chân miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, bệnh tương đối nhẹ ở và tự khỏi hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh ở cấp độ nặng vô cùng nguy hiểm. Vậy bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị?

Dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng thường là sốt, trẻ kêu đau họng và mệt mỏi; các dấu hiệu khá tương đồng với đau họng thông thường. Đa số cha mẹ không phán đoán được bệnh tay chân miệng sớm và tự ý cho trẻ dùng thuốc. Đó là lí do nhiều trường hợp tay chân miệng được phát hiện trễ khi đã ở cấp độ nặng.

Những trường hợp nặng của tay chân miệng nếu không được theo dõi và có phương án điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm như phù phổi, sốc, viêm não, viêm cơ tim và thậm chí tử vong. 

>> Tham khảo thêm các biến chứng của bệnh tay chân miệng TẠI ĐÂY.

Do đó việc thăm khám là vô cùng quan trọng đối với trẻ mắc bệnh. Vậy bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh: researchgate

1. Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Trao đổi với PV Suckhoehangngay.vn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bao gồm: sốt (có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ), trẻ kêu đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, trẻ mệt mỏi và phát ban trên da thì nên đưa trẻ đi khám. Có thể khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi gần nhà để xác định bệnh tay chân miệng sớm nhất.

Bác sĩ Khanh cho biết, hầu hết các trường hợp mắc tay chân miệng đều tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp nặng, phải thở máy và điều trị tích cực. Sau khi được bác sĩ xác định bệnh tay chân miệng, trẻ có thể được hướng dẫn chăm sóc tại nhà hoặc nhập viện nếu có dấu hiệu nặng.

Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh 2.

Có thể khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi gần nhà để xác định bệnh tay chân miệng sớm nhất - Ảnh: SHUTTERSTOCK

2. Bệnh tay chân miệng khi nào cần nhập viện điều trị?

Cha mẹ có thể tự kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng tại nhà, khi thấy trẻ có các triệu chứng bệnh, nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xác định cấp độ bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Nếu được chăm sóc đúng cách và tuân thủ phác đồ của bác sĩ đưa ra, bệnh nhi có thể khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại bất cứ di chứng nào.

Tuy nhiên, khi trẻ mắc tay chân miệng ở cấp độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để điều trị tích cực. Dưới đây là một số dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng, cần được nhập viện điều trị sớm:

Trẻ quấy khóc kéo dài và liên tục: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể sẽ khó chịu và cáu kỉnh hơn bình thường. Thế nhưng, nếu cha mẹ thấy trẻ quấy khóc cả đêm hoặc ngủ lơ mơ và tỉnh dậy quấy khóc, cữ mỗi 15-20 phút/ lần thì có thể là dấu hiệu nặng. Nhiều phụ huynh chủ quan vì nghĩ trẻ đau miệng quấy khóc, nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng sớm.

Bệnh tay chân miệng khi nào cần tới gặp bác sĩ? - Ảnh 3.

Trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng từ cấp độ 2 trở lên thường được chỉ định nhập viện - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Trẻ giật mình chới với: Bác sĩ Khanh cho hay, hiện đã có nhiều trường hợp tay chân miệng nặng cần nhập viện và có ca không phát hiện được dấu hiệu giật mình nên trẻ nhập viện rất trễ. Do đó, khi thấy dấu hiệu trẻ giật mình nhất là khi vừa thiu thiu ngủ thì đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Lưu ý: giật mình chơi với khác với lăn lộn thức giấc trong khi ngủ.

Sốt cao trên 2 ngày kèm nôn ói, mạch nhanh: Sốt cao là dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị tay chân miệng. Thế nhưng, nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm theo triệu chứng nôn ói thì nên đưa trẻ đến bệnh viện nhập viện theo dõi và điều trị. Đây là có thể là dấu hiệu biến chứng của bệnh liên quan đến thần kinh.

Tay chân miệng cấp độ 2, 3, 4: Trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng từ cấp độ 2 trở lên thường được chỉ định nhập viện điều trị.

Các dấu hiệu ở cấp độ nặng thường bao gồm:

- Ngủ gà

- Nhịp tim nhanh, thường trên 150 lần/ phút (đếm nhịp tim khi trẻ không chạy nhảy, vận động)

- Trẻ sốt cao và không hạ sốt khi dùng thuốc-Trẻ nuốt sặc, giọng nói thay đổi-Mạch nhanh, huyết áp tăng

- Vã mồ hôi, nhịp thở tăng bất thường

- Rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ

- Trẻ có biểu hiện sốc

- Phù phổi, SpO2 < 92%, trẻ tím tái

- Trẻ ngưng thở hoặc thở nấc

Việc thăm khám sớm để xác định tình trạng bệnh cũng như nhập viện điều trị đúng lúc là chìa khóa giúp trẻ tránh được các biến chứng nặng.

Bài viết có tham khảo ý kiến bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM.


Tác giả: Tiểu Quyên