Bệnh tay chân miệng có chữa được không? Tay chân miệng kéo dài bao lâu?

Bệnh tay chân miệng có chữa được không? Tay chân miệng kéo dài bao lâu?
Cho đến hiện nay các biện pháp điều trị bệnh tay chân miệng vẫn chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ miễn dịch. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp bệnh sẽ thoái lui sau 3-5 ngày khởi phát bệnh và khỏi hẳn sau 1-2 tuần.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên hay gặp nhất là ở lứa tuổi trẻ đi nhà trẻ (từ 3-5 tuổi). Những thời điểm thường xảy ra bệnh trong năm thường vào từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện tổn thương đặc trưng là sự xuất hiện các tổn thương ở niêm mạc miệng, các phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nặng nề của bệnh mà bệnh tay chân miệng còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như giật mình, sốt, nôn mửa, quấy khóc, khó thở, thở bất thường, mạch nhanh, co giật, sốc,...

>> Nhận biết sớm các dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng để phòng ngừa biến chứng

Bệnh tay chân miệng chữa bao lâu thì khỏi? Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng? - Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm (Ảnh: Internet)

1. Bệnh tay chân miệng kéo dài bao lâu thì khỏi?

Mặc dù cho đến hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có tác dụng điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, các thuốc sử dụng vẫn chủ yếu là các thuốc điều trị triệu chứng (hạ số, chống co giật, cắt cơn co giật,...) và hỗ trợ miễn dịch. Nhưng điều may mắn chính là thông thường bệnh sẽ thường thoái lui sau 3-5 ngày kể từ khi khởi phát bệnh, và bệnh có thể khỏi hẳn sau từ 1-2 tuần.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh nặng thì khoảng thời gian tính từ lúc khởi phát đến lúc bệnh ổn định và bệnh nhân được xuất viện có thể sẽ kéo dài hơn. Các tiêu chuẩn để bệnh nhân tay chân miệng được xuất viện bao gồm:

- Bệnh nhân hết sốt ít nhất 24 giờ liên tục.

- Bệnh nhân chỉ còn các biểu hiện tổn thương ở niêm mạc miệng và các nốt phỏng lòng bàn tay, lòng bàn chân.

- Các biến chứng do bệnh đã được điều trị ổn định về mặt lâm sàng.

2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Do bệnh tay chân miệng có thể gây nên rất nhiều hậu quả nguy hiểm nếu không được quan tâm đúng mức, phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ. Do đó, xử lý đúng trong giai đoạn sớm ngay khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh là điều rất quan trọng.

Bệnh tay chân miệng chữa bao lâu thì khỏi? Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng? - Ảnh 2.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được thăm khám, điều trị sớm và chăm sóc đúng cách để nhanh lành bệnh và tránh lây lan ra cộng đồng (Ảnh: Internet)

- Thăm khám ngay: Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bị bệnh tay chân miệng như tổn thương niêm mạc miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức tại cơ sở y tế. Tại đây bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết (công thức máu, xét nghiệm kháng thể trong máu, PCR,...) để chẩn đoán bệnh chính xác nhất cho trẻ.

- Thực hiện tốt các biện pháp cách ly: Bệnh tay chân miệng có thể lây lan rất dễ dàng từ người bệnh sang người lành. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh thì cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây lan dịch ra cộng đồng như cho trẻ nghỉ học, hạn chế để trẻ tiếp xúc với mọi người,...

- Hạ sốt và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Trong những trường hợp trẻ sốt cao thì cha mẹ có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt cho trẻ, hoặc lau mát trong các trường hợp trẻ bị sốt nhẹ. Ngoài ra, trẻ bị tay chân miệng thường ăn kém hơn do đau miệng, bởi vậy cha mẹ cần chế biến thức ăn mềm, dễ ăn để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

- Đảm bảo vệ sinh tốt: Trẻ bị tay chân miệng cần phải được vệ sinh răng miệng, vệ sinh cơ thể bằng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định để chống tình trạng bội nhiễm. Ngoài ra, các vật dụng của trẻ như đồ chơi, quần áo, trải giường,... cũng cần phải được vệ sinh sạch sẽ để vừa phòng chống bội nhiễm vi khuẩn cho trẻ và vừa phòng chống lây bệnh ra cộng đồng.

- Đưa trẻ đến viện ngay nếu cần thiết: Trong trường hợp trẻ chỉ bị bệnh tay chân miệng mức độ 1 (chỉ có tổn thương niêm mạc miệng và da) thì trẻ có thể được cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu như trẻ có các biểu hiện nặng của bệnh như giật mình, sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, lừ đừ,... thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí tích cực hơn.

Có thể thấy rằng, mặc dù bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh hoàn toàn có thể được điều trị khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm và xử trí đúng cách. Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Tác giả: QN