Bệnh suy tim là gì? Tổng hợp chung về căn bệnh suy tim

Bệnh suy tim là gì? Tổng hợp chung về căn bệnh suy tim
Suy tim thường là diễn biến sau cùng của hầu hết các bệnh tim mạch, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết chính xác bệnh suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này có nghĩa là trái tim không thể chứa đủ máu hoặc tim không có đủ lực để bơm máu đến phần còn lại của cơ thể.

Tuy rằng suy tim không có nghĩa là tim đã ngừng đập hay sắp ngừng hoạt động. Nhưng đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt.

1. Bệnh suy tim là gì?

Cơ thể của chúng ta phụ thuộc vào hoạt động bơm của tim để cung cấp máu chứa oxy và dinh dưỡng cho các tế bào. Suy tim là một tình trạng tiến triển mạn tính, trong đó cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu máu và oxy của cơ thể. Cụ thể hơn là trái tim không thể theo kịp khối lượng công việc của nó.

Để có thể khắc phục tình trạng này, cơ thể sẽ tự bù đắp bằng cách:

- Tim sẽ phình to theo thời gian để co bóp mạnh hơn và theo kịp nhu cầu bơm máu nhiều hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng khối lượng cơ xảy ra do các tế bào co bóp của tim trở nên lớn hơn, cho phép tim bơm mạnh và nhanh hơn.

- Các mạch máu sẽ thu hẹp lại để giữ huyết áp tăng, cố gắng bù đắp cho sự mất năng lượng của tim. Cơ thể chuyển máu ra khỏi các mô và cơ quan ít quan trọng hơn (như thận), tim và não

Những biện pháp này có thể tạm thời khắc phục vấn đề suy tim, nhưng không giải quyết được tận gốc. Tình trạng bệnh vẫn sẽ tiếp diễn và trở nên tồi tệ hơn cho đến khi các quá trình bù đắp này không còn hoạt động.

Suy tim là một tình trạng nghiêm trọng và thường không có cách chữa. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể có một cuộc sống bình thường khi được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh.

2. Phân loại suy tim

Rất nhiều bệnh nhân vẫn thắc mắc không biết phương pháp phân loại bệnh suy tim là gì và mình đang mắc tình trạng nào. Trên thực tế, có 4 loại suy tim bao gồm:

Suy tim bên trái

Đây là loại suy tim phổ biến nhất. Các tâm thất bên trái nằm ở phía dưới cùng bên trái của tim bơm máu giàu oxy đến phần còn lại của cơ thể.

Tình trạng suy tim bên trái xảy ra khi tâm thất trái không bơm máu hiệu quả, ngăn cơ thể nhận đủ máu giàu oxy. Máu chảy ngược vào phổi của bệnh nhân gây ra khó thở và tích tụ chất lỏng trong phổi.

Suy tim bên phải

Các tâm thất tim phải chịu trách nhiệm bơm máu đến phổi để thu thập oxy. Tình trạng suy tim bên phải xảy ra khi tim bên phải không thể làm việc một cách hiệu quả. Tình trạng này thường được kích hoạt bởi suy tim trái, do sự tích tụ máu trong phổi từ suy tim trái khiến tâm thất phải làm việc vất vả hơn, dẫn đến suy tim bên phải.

Suy tim phải cũng có thể xảy ra do các vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh phổi. Theo các nhà khoa học , suy tim phải được đánh dấu bằng sưng ở chi dưới. Mà tình trạng sưng này là do tích tụ chất lỏng ở chân, bàn chân và bụng.

Suy tim tâm trương

Suy tim tâm trương là một dạng suy tim trong đó tâm thất trái - buồng tim phía dưới, bên trái không thể đổ đầy máu đúng cách trong giai đoạn tâm trương (thời kỳ tim thư giãn), nhưng phân suất tống máu của tâm thất trái vẫn bình thường. Suy tim tâm trương phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu là tình trạng suy giảm lực co bóp của tâm thất trái (buồng tim phía dưới bên trái) trong quá trình đưa máu ra tuần hoàn để cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể. Suy tim tâm thu xảy ra khi cơ tim không co bóp với đủ lực, do đó có ít máu giàu oxy được bơm khắp cơ thể. Suy tim tâm thu phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

Cả suy tim tâm trương và tâm thu có thể xảy ra ở bên trái hoặc bên phải của tim.

3. Triệu chứng của bệnh

Bệnh suy tim là một tình trạng có thể liên tục (mãn tính), hoặc có thể bắt đầu đột ngột (cấp tính). Trong đó, các dấu hiệu và triệu chứng suy tim có thể bao gồm:

- Khó thở khi bệnh nhân gắng sức hoặc khi nằm xuống.

- Mệt mỏi và cảm thấy cơ thể yếu.

- Sưng (phù) ở chân, mắt cá chân và bàn chân.

- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

- Giảm khả năng tập thể dục.

- Ho dai dẳng hoặc khò khè với đờm có máu trắng hoặc hồng.

- Tăng nhu cầu đi tiểu vào ban đêm.

- Sưng bụng (cổ trướng).

- Tăng cân rất nhanh do giữ nước.

- Không có cảm giác thèm ăn và buồn nôn.

- Khó tập trung hoặc giảm sự tỉnh táo.

- Đột ngột khó thở nghiêm trọng và ho ra chất nhầy sủi bọt màu hồng, sủi bọt.

- Đau ngực nếu suy tim là do đau tim.

4. Nguyên nhân gây bệnh suy tim

Việc tìm ra được nguyên nhân gây bệnh suy tim là gì đóng vai trò rất quan trọng, vì nhờ đó mà các bác sĩ sẽ quyết định được phương hướng điều trị thích hợp. Theo các nhà khoa học, suy tim là hậu quả của rất nhiều bệnh lý bao gồm:

- Nguyên nhân ngoài tim như suy thận, COPD, hen, cường giáp...

- Bệnh lý gây tổn thương cơ tim đặc biệt ở người mắc bệnh tiểu đường, những người uống nhiều rượu bia.

- Bệnh mạch vành gây nhồi máu cơ tim, hay gặp ở những người hút thuốc.

- Bệnh van tim như hẹp hở van hai lá...

- Tăng huyết áp không được điều trị tốt.

- Bệnh tim bẩm sinh.

5. Các yếu tố nguy cơ

Suy tim có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm:

- Người gốc Phi có tỷ lệ nguy cơ rủi ro mắc bệnh suy tim cao nhất so với các chủng tộc khác. Ngoài ra, nam giới cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.

- Người mắc bệnh thiếu máu, cường giáp, suy giáp, khí phổi thủng...

- Những người hút thuốc thường xuyên, ăn nhiều các thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol hay sống một lối sống ít vận động dẫn đến thừa cân cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim.

6. Điều trị bệnh suy tim

Hiện nay có rất nhiều lựa chọn điều trị cho bệnh suy tim. Trong đó việc kiểm soát chặt chẽ lối sống và kết hợp điều trị với thuốc cùng với việc theo dõi cẩn thận tình trạng bệnh nhân là những bước đầu tiên để điều trị căn bệnh này. Khi tình trạng tiến triển, các bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra các lựa chọn điều trị tiên tiến hơn như sử dụng các kỹ thuật nâng cao.

Mục tiêu của điều trị suy tim chủ yếu là giảm khả năng tiến triển của bệnh, từ đó giảm nguy cơ tử vong, giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

7. Biến chứng

Triển vọng của bệnh suy tim còn phụ thuộc vào nguyên nhân và tuổi, mức độ nghiêm trọng, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân suy tim bao gồm:

- Các bệnh về thận hoặc suy thận. Suy tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận của bạn, cuối cùng có thể gây ra suy thận nếu không được điều trị. Tổn thương thận do suy tim có thể phải lọc máu để điều trị.

- Các vấn đề về van tim. Các van của tim sẽ giữ cho máu chảy theo hướng thích hợp qua tim. Chúng có thể không hoạt động đúng nếu tim bị phình to hoặc nếu áp lực trong tim rất cao do suy tim.

- Rối loạn nhịp tim có thể là một biến chứng tiềm ẩn của suy tim.

- Tổn thương gan. Suy tim có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng gây nhiều áp lực lên gan. Sự tích tụ chất lỏng này có thể dẫn đến sẹo, khiến gan của bệnh nhân khó hoạt động hơn.

- Suy tim không được điều trị cuối cùng có thể dẫn đến suy tim sung huyết (CHF) , một tình trạng máu tích tụ ở các khu vực khác của cơ thể.

- Đau tim cũng có thể xảy ra do một biến chứng liên quan đến suy tim.

8. Làm thế nào để có thể ngăn ngừa suy tim?

Dưới đây là một số biện pháp nên được áp dụng từ bây giờ để có thể ngăn ngừa bệnh suy tim phát triển:

- Thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp điều trị suy tim và ngăn ngừa bệnh. Giảm cân và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ suy tim.

- Hạn chế hoặc bỏ uống rượu.

- Bỏ hút thuốc.

- Tránh làm việc gắng sức quá mức.

- Khám bệnh định kỳ hàng tháng theo chỉ dẫn của bác sỹ.

- Kiểm soát các bệnh liên quan: tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, hen...

- Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể giúp cải thiện các triệu chứng và sức khỏe nói chung của bạn. Một chế độ ăn uống cân bằng nên bao gồm:

- Nhiều trái cây và rau quả.

- Các nguồn protein có hàm lượng chất béo bão hòa thấp.

- Hạn chế ăn nhiều cholesterol (trong mỡ động vật, các chế phẩm béo từ sữa).

- Ăn nhạt, hạn chế muối trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

9. Các câu hỏi thường gặp về bệnh suy tim

Tuổi thọ của người bệnh suy tim như thế nào?

Người bệnh suy tim thường có tuổi thọ không cao. Theo thống kê của các chuyên gia, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh suy tim là dưới 50%. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ, chủ động thay đổi lối sống lành mạnh, người bệnh suy tim vẫn có thể kéo dài tuổi thọ.

Triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh suy tim là gì?

Các triệu chứng chính cảnh báo bệnh suy tim là khó thở khi gắng sức hoặc nghỉ ngơi, thường hay cảm thấy mệt mỏi, sưng phù chân, tăng cân và ăn không ngon miệng.

Suy tim có điều trị được không?

Suy tim không thể được chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, vẫn có nhiều biện pháp điều trị triệu chứng, giúp người bệnh kiểm soát bệnh hiệu quả. Biện pháp điều trị suy tim phổ biến nhất là dùng thuốc.Trong trường hợp dùng thuốc không có hiệu quả, các bác sỹ có thể gợi ý thực hiện một số phương pháp như liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT), điều trị bằng sóng cao tần, phẫu thuật van tim, thậm chí thay tim… để điều trị suy tim.

Người bị suy tim có thể ăn bao nhiêu muối mỗi ngày?

Đối với bệnh nhân suy tim, họ không nên ăn quá 1.500 miligam muối mỗi ngày.

Triển vọng cho những người bị suy tim là gì?

Hiện nay có rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào việc tim của người bệnh hoạt động tốt như thế nào, các triệu chứng, mức độ theo dõi và đáp ứng với kế hoạch điều trị của người bệnh. Với sự chăm sóc đúng đắn, bệnh nhân suy tim có thể sinh hoạt bình thường.

10. Các hình ảnh về bệnh suy tim

Bệnh suy tim là gì Tổng hợp chung về căn bệnh suy tim 1

Hình ảnh so sánh tim bình thường và suy tim tâm trương

Bệnh suy tim là gì Tổng hợp chung về căn bệnh suy tim  2

Đau ngực và rối loạn nhịp tim là một trong những triệu chứng điển hình của suy tim

Bệnh suy tim là gì Tổng hợp chung về căn bệnh suy tim 3

Suy tim là tình trạng mạn tính của cơ tim

Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142

https://www.webmd.com/heart-disease/guide-heart-failure#2

https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure

https://www.healthline.com/health/heart-failure#types

Tác giả: Anh Dũng