Bệnh sùi mào gà ở nữ: Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà ở nữ: Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Dù không đe dọa tới tính mạng nhưng sùi mào gà ở nữ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống người bệnh.

Sùi mào gà ở nữ thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu nên nếu không để ý sẽ không phát hiện và được điều trị sớm. Khi bệnh phát triển sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, thậm chí có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

1. Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì?

Sùi mào gà ở nữ, hay còn gọi là bệnh sùi mồng gà, mụn cóc sinh dục là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Theo các thống kê, tỷ lệ mắc bệnh sùi mào gà ở nữ giới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tương đối cao.

Nữ giới mắc bệnh sùi mào gà là do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus). Các kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 100 type virus HPV đã được xác định, trong đó 30 - 40 type gây ra bệnh ở vùng hậu môn - sinh dục.

Các type virus HPV được chia ra làm hai nhóm:

- Nhóm HPV sinh ung: Nhóm này có 15 - 20 type, trong đó, 2 type HPV 16 và 18 gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.

-Nhóm HPV không sinh ung: Nhóm này có 2 type HPV 6 và 11 thường gặp nhất gây ra căn bệnh sùi mào gà ở nữ giới và cả nam giới.

Bệnh sùi mào gà ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Sùi mào gà ở nữ là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Bệnh sùi mào gà là gì? Cách chữa bệnh sùi mào gà ở nam giới không phải ai cũng biết

- Giải đáp thắc mắc sùi mào gà có tự khỏi được không?

2. Nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà ở nữ giới

Như đã nói, virus HPV là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh sùi mào gà. Do cấu tạo bộ phận sinh dục của nữ giới phức tạp hơn so với nam giới, phụ nữ thường nhận tinh dịch từ bạn tình khi quan hệ tình dục nên khả năng mắc các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn nam giới nhiều, trong đó có bệnh sùi mào gà.

Hầu hết nữ giới mắc sùi mào gà là do quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, ôm hôn bạn tình hoặc sử dụng đồ dùng chung với người mắc bệnh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà ở nữ giới.

3. Triệu chứng bệnh sùi mào gà ở nữ

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ giới không rõ ràng vì diễn tiến âm thầm, không gây đau cũng không gây ngứa cho người bệnh. Hơn nữa, do cấu tạo cơ quan sinh dục của nữ ở sâu trong cơ thể, các nốt sùi mào gà sớm thường là trong âm đạo nên khó phát hiện. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng sau:

- Xuất hiện các nốt mụn mềm, u nhú li ti có màu hồng tại cơ quan sinh dục như khu vực âm đạo, môi bé, môi lớn, tầng sinh môn, cổ tử cung hay xung quanh hậu môn.

- Các tổn thương không đau, không ngứa, không chảy máu.

- Bệnh sùi mào gà phát triển nhanh chóng và mọc thành từng mảng lớn khi bệnh trở nặng và trở thành hình như mào gà hay cái súp lơ. Lúc này, có thể gây ra hiện tượng chảy máu.

- Khi quan hệ tình dục bị đau và chảy máu.

- Nốt sùi mào gà có thể mọc ở vùng miệng nếu quan hệ tình dục không an toàn qua vùng miệng.

Bệnh sùi mào gà ở nữ: Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà - Ảnh 3.

Các tổn thương của sùi mào gà gây ra cho nữ giới khó phát hiện khi không đau, không ngứa, không chảy máu - Ảnh Internet

4. Con đường lây truyền bệnh sùi mào gà ở nữ

Bệnh sùi mào gà ở nữ lây truyền qua các con đường sau:

- Quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn.

- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người mắc bệnh.

- Do người mẹ mắc sùi mào gà lây truyền cho con khi mang thai hoặc sinh nơ.r.

Ngoài ra, những phụ nữ dưới 30 tuổi, bộ phận sinh dục thường xuyên ẩm ướt, vệ sinh bộ phận sinh dục kém cũng là nguyên nhân tạo điều kiện cho virus HPV phát triển nhanh khi virus xâm nhập vào.

Cần lưu ý những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà cao hơn người khác:

- Quan hệ tình dục một cách không an toàn với nhiều người.

- Có tiền sử nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

- Quan hệ tình dục với bạn tình mà không nắm rõ lịch sử quan hệ.

- Quan hệ tình dục với tần suất nhiều khi còn trẻ.

5. Chẩn đoán bệnh sùi mào gà ở nữ bằng cách nào?

Như đã nói, sùi mào gà rất khó phát hiện nếu các nốt sùi mào gà ở bên trong âm đạo. Vậy các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sùi mào gà ở nữ bằng cách nào?

Người nghi ngờ mắc bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng những vùng bị mụn nhọt. Nếu mụn nhọt phát triển sâu trong cơ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định khám chậu. Theo đó, các bác sĩ sẽ sử dụng một loại axit nhẹ để những nốt nhọt, nốt mào gà xuất hiện rõ ràng hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ vùng cổ tử cung để chẩn đoán bệnh khi cần thiết và xét nghiệm để xem có sự xuất hiện của virus HPV hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tình trạng sức khỏe cũng như quá trình sinh hoạt tình dục.

5. Điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ

Hiện nay, bệnh sùi mào gà ở nữ và cả nam giới vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để. Theo đó, các phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà chủ yếu làm thuyên giảm các triệu chứng.

Cụ thể, khi sùi mào gà ở giai đoạn đầu, phương pháp điều trị sùi mào gà ở nữ là dùng thuốc. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị là Imiquimod (Aldara); Podophyllin; Podofilox (Condylox); Axit trichloroacetic.

Tuy nhiên, cần lưu ý người bệnh không được bôi thuốc vào bên trong âm đạo, cổ tử cung, bên trong lỗ niệu đạo, phía trong lỗ hậu môn. Không sử dụng thuốc khi phụ nữ đang mang thai. Khi sử dụng thuốc cần kiêng quan hệ tình dục và không uống rượu, bia và các đồ uống kích thích khác.

Bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc, sùi mào gà ở nữ giới có thể điều trị bằng công nghệ ALA - PDT. Đây là liệu trình điều trị sử dụng tia sáng giúp phá hủy cấu trúc gen của virus HPV khiến cho virus yếu dần và chết đi. Điều trị bằng công nghệ ALA - PDT là phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay.

Bệnh sùi mào gà ở nữ: Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà - Ảnh 4.

Ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc, sùi mào gà ở nữ giới có thể điều trị bằng công nghệ - Ảnh Internet

6. Biến chứng bệnh sùi mào gà ở nữ

Sùi mào gà ở nữ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Cụ thể, những biến chứng của sùi mào gà ở nữ là:

- Gây vô sinh: Phụ nữ bị sùi mào gà thường gây viêm nhiễm đường sinh dục như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, từ đó ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, có thể gây vô sinh.

- Làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư: Mặc dù type virus HPV gây bệnh sùi mào gà không gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể mắc nhiều type virus HPV, trong đó có type gây ung thư, khiến người bệnh mắc các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn...

- Lây truyền virus HPV từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai mắc virus HPV có thể lây sang con trong quá trình sinh nở.

7. Phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở nữ bằng cách nào?

Như vậy, sùi mào gà ở nữ là căn bệnh lây truyền qua con đường tình dục phổ biến và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ.

- Khám phụ khoa và da liễu định kì hàng năm.

- Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ.

- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc.

- Trẻ em gái từ 11 - 12 tuổi và phụ nữ từ 13 - 26 tuổi cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin HPV để phòng bệnh sùi mào gà.

Bệnh sùi mào gà ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Tiêm phòng vacxin là biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung hiệu quả - Ảnh Internet.

8. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh sùi mào gà ở nữ

8.1. Bị sùi mào gà nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cả nữ và nam giới mắc bệnh sùi mào gà nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày của mình:

- Các loại thực phẩm giàu vitamin B như cà chua, rau chân vịt, tỏi...Nguyên nhân là vì thực phẩm giàu vitamin B có khả năng ngăn chặn sự lây lan và ức chế hoạt động của virus gây bệnh sùi mào gà.

- Các loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại các loại bệnh. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau xanh, các loại trái cây có múi...

8.2. Bị sùi mào gà nên kiêng ăn gì?

Để phòng tránh sùi mào gà ở nữ trở nên trầm trọng hơn,người bệnh cần loại bỏ ngay các thực phẩm giàu arganine trong thực đơn hàng ngày. Theo đó, người mắc sùi mào gà nên kiêng sữa, cá, thịt gia cầm, các loại hạt và đậu.

Ngoài ra, người bị sùi mào gà nên kiêng các loại thực phẩm, thức uống sau đây:

- Bia, rượu và các đồ uống kích thích.

- Các đồ uống, thực phẩm chứa caffeine.

- Ngũ cốc.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về bệnh sùi mào gà ở nữ. Thực hiện lối sống lành mạnh cũng như quan hệ tình dục an toàn là biện pháp phòng ngừa căn bệnh này. Ngoài ra, khi mắc bệnh, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học để đẩy lùi các triệu chứng bệnh nhanh hơn.

Tác giả: Ngọc Điệp