Bệnh sốt xuất huyết dengue và những hiểu lầm tai hại

Bệnh sốt xuất huyết dengue và những hiểu lầm tai hại
Những hiểu lầm về bệnh sốt xuất huyết dengue như bệnh chỉ bị 1 lần trong đời, lây bệnh từ người sang người, chỉ cần cắt sốt là khỏi bệnh… có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với tính mạng của người bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết dengue (viết tắt là SXHD) thường bùng phát vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình cao trong năm. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cho tới người trưởng thành. 

Bệnh này gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng, đặc biệt là tử vong ở trẻ nhỏ. Những hiểu lầm tai hại về căn bệnh này sau đây có thể khiến cho việc chăm sóc sức khỏe người bệnh gặp nhiều khó khăn hơn và góp phần làm cho dịch sốt xuất huyết khó kiểm soát hơn.

1. Hiểu lầm số 1: Bệnh sốt xuất huyết dengue chỉ xảy ra 1 lần trong đời

Nguyên nhân khiến chúng ta bị bệnh sốt xuất huyết dengue là do nhiễm virus từ muỗi vằn, chủng muỗi có tên khoa học là Aedes gây ra. Phần lớn những người không trong ngành y đều cho rằng sốt xuất huyết cũng giống như bệnh sởi, mỗi người chỉ mắc phải 1 lần trong đời và sau đó sẽ không bao giờ bị lại nữa. Tuy nhiên, quan điểm này là hoàn toàn sai lầm.

Các chuyên gia cho biết, hiện nay, có tới 4 chủng loại virus sốt xuất huyết với tên gọi lần lượt là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Với mỗi chủng virus gây bệnh mà bạn mắc phải, cơ thể bạn chỉ có thể tạo được sự miễn dịch cho đến cuối đời với loại virus đó. 

Và bạn hoàn toàn có thể bị tấn công bởi 3 chủng virus còn lại, thậm chí lần mắc bệnh sốt xuất huyết dengue thứ 2, thứ 3 còn nặng hơn lần đầu tiên. Như vậy, mỗi người chúng ta có thể mắc sốt xuất huyết tối đa 4 lần trong đời và cũng có thể không bao giờ mắc bệnh nếu biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ gây bệnh.

2. Hiểu lầm số 2: Sốt xuất huyết lây nhiễm từ người sang người

Không ít người đặt câu hỏi sốt xuất huyết có lây không khi bản thân hoặc người nhà của mình bị bệnh. Hàng năm, bệnh sốt xuất huyết dengue đều bùng phát thành dịch và khoảng 2 năm trở lại đây có xu hướng khó kiểm soát hơn cả. 

Đối tượng bị sốt xuất huyết dễ chuyển biến xấu hơn cả là trẻ nhỏ. Khi nhận thấy biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, nhiều bậc phụ huynh vội vàng cách ly con mình do lo sợ bệnh truyền nhiễm. Thực tế, bệnh này không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người nên việc tiếp xúc thông thường, ăn chung, uống chung, dùng chung đồ dùng cá nhân không làm lây bệnh.

Cơ chế lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết dengue như sau: muỗi vằn Aedes đốt người đang mắc bệnh sẽ đóng vai trò là vật trung gian mang virus gây bệnh và truyền sang cho người tiếp theo khỏe mạnh bị muỗi đốt. Như vậy, nếu không có tác nhân trung gian quan trọng là muỗi vằn mang virus gây bệnh thì sẽ sốt xuất huyết không thể lây nhiễm từ người này sang người khác được.

3. Hiểu lầm số 3: Chỉ cần "cắt sốt" là khỏi bệnh

Khi bị sốt xuất huyết, vào ngày thứ 4 bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước. Nhiều người cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi do không còn thấy những dấu hiệu sốt xuất huyết ở người lớn hay trẻ nhỏ nữa. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định đây là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh khi có thể xuất hiện các biến chứng nặng.

Cụ thể, người mắc bệnh sốt xuất huyết dengue có thể gặp tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu. 

Tất cả những biến chứng này chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm. Bởi vậy, ngày thứ 4 tính từ thời điểm sốt là thời gian người bệnh sốt xuất huyết dengue được khuyến cáo nên đến bệnh viện để kiểm tra.


Tác giả: Hoangtrang