Việt Nam là nước nhiệt đới nắng nóng, người dân lao động ngoài trời nhiều thường không uống đủ nước làm cho nước tiểu lắng đọng, lâu dần tạo thành sỏi, gọi chung là bệnh sỏi thận.
Sỏi thận 90% là không thể tan được, do vậy trong những trường hợp sỏi to gây ra những nguy hiểm cho người bệnh, bệnh nhân bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật hoặc áp dụng các biện pháp tán sỏi ra ngoài cơ thể.
Ngoài thận, bất cứ cơ quan nào của hệ tiết niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo) cũng có thể mắc sỏi. Bệnh sỏi thận bắt đầu chủ yếu từ nguyên nhân do ăn uống sinh hoạt, thói quen uống ít nước gây lắng đọng các khoáng chất. Ngoài ra thói quen nhịn tiểu cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sỏi thận thường gặp ở nhiều người.
- Bệnh sỏi thận thường có những dấu hiệu như các cơn đau ở vùng bụng giữa xương sườn và hông, đau ở hông hay ở giữa lưng, cơn đau lan tỏa tới tận vùng bụng dưới. Đau đớn có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
- Những bất thường trong tiểu tiện như: Tiểu buốt, nước tiểu có mùi hôi hoặc có máu.
- Tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn. Đi tiểu ra máu hoặc mủ: khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi.
- Sốt: người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.
Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của y học, việc điều trị sỏi thận không còn là một vấn đề khó khăn. Nếu như trước đây, bệnh nhân sỏi thận lo ngại phải đi phẫu thuật gắp viên sỏi ra ngoài cơ thể thì ngày nay, ngoài phẫu thuật, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp tán sỏi như: tán sỏi qua da, tán sỏi bằng ống soi mềm, tán sỏi bằng tia laser...
Ưu điểm của các phương pháp tán sỏi nhìn chung là khá hiệu quả, không gây đau đớn hoặc ít, hạn chế các biến chứng và nhiễm trùng như phẫu thuật. Ngoài ra điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi, thời gian nằm viện sẽ được rút ngắn, quá trình thực hiện sẽ nhanh hơn phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên không phải ai mắc bệnh sỏi thận cũng có thể áp dụng các phương pháp phẫu thuật hay tán sỏi. Sau đây là một số lời khuyên cho bệnh nhân trước khi bước vào quá trình can thiệp y học.
- Trường hợp không cần mổ, chỉ cần uống thuốc và theo dõi nội khoa: Sỏi 5mm không gây đau, ứ nước thì uống 3-4 lít nước mỗi ngày và được bác sĩ cho uống thuốc theo dõi, sau 3-6 tháng thì tái khám. Những viên sỏi từ 5-10 mm, bác sĩ sẽ cho uống thuốc và theo dõi nội khoa chưa cần mổ.
- Trường hợp phải mổ hoặc tán sỏi: Sỏi phải trên 10mm, kèm các triệu chứng bí tiểu cấp, thận ứ nước nhiễm trùng, vô niệu do sỏi, sỏi gây ra các biến chứng nặng như suy thận, bể thận...
Thống kê tại Việt Nam có hơn 2,5 triệu người bị mắc bệnh sỏi niệu, tương đương 3% dân số, thường gặp ở độ tuổi từ 35-55. Khi mắc sỏi thận, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi với những cơn đau vùng hông, vùng chậu, đau khi tiểu tiện...do vậy cần có những phương pháp phòng tranh và phát hiện kịp thời nhằm loại bỏ viên sỏi đang nằm trong cơ thể.
Các thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Bệnh nhân nếu mắc sỏi thận và đang đi tìm phương pháp điều trị phù hợp, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được trao đổi chi tiết hơn. Với người chưa bị bệnh, cần biêt cách phòng tránh và nhận ra sớm những biểu hiện bất thường trên cơ thể. Một số cách phòng tránh sỏi thận có thể như: uống đủ nước mỗi ngày, không nhịn tiểu, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều canxi, oxalate, thực phẩm nhiều muối, đường...