Theo Ts. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, số lượng trẻ bị bệnh sâu răng ngày càng nhiều là do sở thích ăn nhiều chất ngọt và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Không những vậy, nhiều phụ huynh còn giữ quan niệm sai lầm trong quá trình chăm sóc răng miệng của trẻ.
Qua kết quả khảo sát "Tình trạng sức khỏe răng miệng của người dân đồng bằng sông Cửu Long và các yếu tố liên quan" tiến hành ngẫu nhiên ở 2.370 người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả ghi nhận được là gần 91% trẻ dưới 6 tuổi bị sâu răng. Ở lứa tuổi 12 và 15, tỷ lệ này lần lượt là hơn 59% và gần 70%. Con số này ở nhóm 35-44 tuổi là hơn 82%.
Ảnh: Internet
Đọc thêm:
- 9 nguyên nhân khiến răng bị ố vàng, xỉn màu
- 10 dấu hiệu sâu răng dễ nhận biết và cách chữa trị
Khảo sát này cũng cho thấy có 65% phụ huynh từng đưa con đi khám, chữa răng nhưng chỉ trong trường hợp răng trẻ bị lung lay hoặc đã hỏng không thể phục hồi. Trong khi đó, theo các bác sĩ, quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn là điều tối quan trọng. Chỉ cần nâng cao ý thức phòng chống căn bệnh sâu răng, dạy trẻ ghi nhớ thông điệp là "Chải răng buổi tối vì một Việt Nam không sâu răng", chắc chắn tình trạng sức khỏe răng miệng của các em sẽ được cải thiện nhiều.
Theo tiến sĩ Hải, thói quen đánh răng trước khi đi ngủ quan trọng hơn cả đánh răng sau khi thức giấc vào buổi sáng. Ban đêm vi khuẩn hoạt động mạnh gấp đôi ban ngày gây nguy cơ sâu răng rất cao. Việc đánh răng buổi tối sẽ giúp loại bỏ các cặn dư của thức ăn, làm sạch miệng, loại bỏ các vi khuẩn gây hại, giúp bảo vệ răng miệng hiệu quả. Song thực tế lại có nhiều người không ý thức được điều này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh về sâu răng nằm trong top 3 nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe, sau bệnh tim mạch và ung thư. Nói về tác hại của sâu răng tại chương trình hưởng ứng "Ngày sức khỏe răng miệng thế giới" vào ngày 21/3, tiến sĩ Hải cho rằng "Nhiều người nghĩ bị sâu răng là đơn giản nhưng thực tế lại ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cơ thể. Một đứa trẻ bị sâu răng sẽ dẫn đến chứng lười ăn, suy dinh dưỡng và các bệnh tật khác".
Sâu răng được cho là một căn bệnh bởi nó cũng ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của con người. Khi bị sâu răng, nó sẽ tạo ra các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và trở thành "cây cầu" dẫn vi khuẩn khắp cơ thể.
Sâu răng và viêm tủy răng không được điều trị sẽ dẫn đến bị hoại tử, biến chứng áp xe răng, nang quanh chóp vô cùng đau đớn. Nhiều trường hợp nhiễm trùng huyết và nghẽn mạch xoang hang ở não có nguyên nhân từ răng. Ngoài ra thì bệnh sâu răng còn dẫn đến những chứng bệnh không ngờ như viêm cầu thận, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, các bệnh tim mạch và huyết áp, tăng nguy cơ ung thư.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại kinh tế do sâu răng gây ra cũng rất lớn. Theo thống kê, việc phòng bệnh sâu răng cho cộng đồng chỉ tốn khoảng 1.200 đồng cho một chiếc răng, nhưng phí điều trị sâu răng cao gấp nhiều lần như vậy từ 50.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Bệnh sâu răng sẽ tạo ra các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và trở thành "cây cầu" dẫn vi khuẩn khắp cơ thể (Ảnh: Internet)
Cha mẹ nên chú ý bảo vệ răng của con ngay từ nhỏ bằng các cách như:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ
Không phải chỉ khi nào trẻ mọc răng mới cần vệ sinh răng miệng cho trẻ. Đây là quan niệm sai lầm của không ít các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc con.
Khi trẻ chưa mọc răng, các bậc phụ huynh có thể vệ sinh miệng cho con bằng miếng gạc hoặc vải mềm nhún nước sạch, lau nhẹ nhàng nướu sau khi cho trẻ ăn và trước khi trẻ đi ngủ.
Khi trẻ đã mọc răng đầy đủ thì bạn có thể sử dụng bàn chải đáng răng cho trẻ sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ. Ngoài ra, còn có thể cho trẻ sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng.
Cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách (Ảnh: Internet)
- Ăn uống đúng cách
Trẻ nên hạn chế ăn đồ ăn ngọt, nước ngọt… Nên súc miệng ngay sau ăn ngọt
Tránh những thức ăn dẻo, vì loại thức ăn này rất dễ bám quanh răng và làm cho vi trùng được tiếp tế lương thực một cách liên tục và đầy đủ, tạo môi trường cho chúng sinh sôi phát triển mạnh hơn.
Từ bỏ thói quen ăn vặt, vì ăn vặt sẽ làm tăng thời gian các chất tiếp xúc với bề mặt răng, làm tăng khả năng bị sâu răng gấp nhiều lần.
Không ăn những đồ ăn chua quá nhiều vì trong đồ ăn chua có nhiều axit làm hại men răng , mài mòn răng của trẻ.
Bổ sung một số loại thực phẩm tốt cho răng miệng, nướu như rau quả, trái cây tươi (nho, táo…), phô mai…
Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt vào buổi tối để tránh các bệnh về răng miệng (Ảnh: Internet)
- Khám răng định kỳ 6 tháng một lần
Để có hàm răng chắc khỏe, bạn nên đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần mặc dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng. Vì nguyên nhân gây sâu răng, ngoài việc vệ sinh răng miệng, thói quen ăn uống, còn có thể do kết cấu của răng…
Không nên đợi đến khi thấy cảm giác bị đau răng mới đi khám, điều này có thể khiến bệnh tiến triển ở giai đoạn phức tạp hơn.