Bệnh sán lợn có chữa được không và chữa như thế nào?

Bệnh sán lợn có chữa được không và chữa như thế nào?
Trong trường hợp người bệnh dương tính với ấu trùng sán lợn thì việc điều trị sẽ diễn ra như thế nào? Câu hỏi được quan tâm nhất lúc này có lẽ chính là bệnh sán lợn có chữa được không, mức độ nguy hiểm ra sao, đặc biệt là các phụ huynh có trẻ bị nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được nên phụ huynh không cần quá lo lắng khi các con có kết quả dương tính với sán lợn. 

Ở nước ta, việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là điều khó tránh khỏi vì là đất nước nhiệt đới. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vì thói quen chơi đùa ở các vùng môi trường không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, việc ăn chín uống sôi ở một số vùng nước ta vẫn chưa được chú trọng, một số món ăn như gỏi cá, rau sống...vẫn được coi như một nét văn hóa ẩm thực khó bỏ. 

1. Phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tùy thuộc vào trường hợp ăn hay nuốt phải trứng sán, hoặc nang ấu trùng mà người mắc bệnh có thể rơi vào một trong hai thể bệnh sau:

- Bệnh ấu trùng sán lợn

Đây là trường hợp người mắc bệnh ăn phải trứng sán dây lợn có trong thức ăn hoặc nuốt phải trứng sán, trứng đi vào dạ dày, nở ra ấu trùng rồi đi đến ruột non. Ấu trùng này sẽ xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể như các cơ vân, não, mắt... Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.

Ấu trùng sán theo máu đi đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa thành nang sán. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Khi nang sán làm tổ trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hoặc liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ, đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt thì có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.

- Bệnh sán trưởng thành ở ruột

Trường hợp này là do ăn phải thịt lợn sống hoặc chưa qua nấu chín, có chứa các nang sán (lợn gạo). Khi đi xuống dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển lên thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành sinh sôi nhanh và mọc ra các đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 - 12m và chúng có thể ký sinh trong ruột non nhiều năm. Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng có thể gây trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột. Như vậy, số lượng ấu trùng sản sinh ra sẽ rất lớn, tương tự như ăn phải đốt sán mới và có thể chuyển thành thể bệnh ấu trùng sán lợn.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện cụ thể nên cần chú ý nếu gặp phải những triệu chứng như cơ thể khó chịu, bứt rứt... Ngoài ra, một số trường hợp còn phát hiện thấy có trứng sán trong phân khi đi đại tiện.

2. Bệnh sán lợn có chữa được không và chữa như thế nào?

Bệnh nhân nhiễm sán lợn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, phụ huynh không cần quá lo lắng mà nên theo dõi phác đồ điều trị của Bộ y tế. Với phác đồ điều trị hiện nay, có thể tiêu diệt 100% sán lợn. Ở người trưởng thành chỉ mất 1 ngày, diệt trứng sán khoảng 2 tuần. Do vậy nếu nghi ngờ bị nhiễm sán lợn, người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám, các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn và điều trị. Tuân thủ thời gian uống thuốc có thể sạch sán hoàn toàn. 

Được biết, bệnh ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành có thể điều trị khỏi bằng thuốc Praziquantel và Albendazole. Tuy nhiên, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn. Đồng thời, việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị cấp cứu và phải theo dõi thường xuyên hàng ngày. 



Tác giả: Minh Ngọc