Bệnh Rubella là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

Bệnh Rubella là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh
Rubella (còn gọi là sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút rubella gây ra. Hầu hết bệnh rubella thường nhẹ và ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nhiễm rubella có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai hay dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì vậy, nên hiểu rõ bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

1. Rubella là bệnh gì?

Bệnh rubella còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc rubeon, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút rubella gây ra. Dấu hiệu chính của bệnh là sốt và phát ban. Phần lớn bệnh rubella thường ở mức độ nhẹ và khá lành tính, thường gặp ở trẻ em và thanh niên.

Bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh – CRS (bệnh tim, mù, đục thủy tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần) có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu có thai.

Bệnh có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn. Trên lâm sàng, bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác nhất là với sởi và có tới 50% trường hợp bệnh biểu hiện lâm sàng không điển hình.

Bệnh xảy ra ở khắp nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, thường vào mùa đông xuân, có thể rải rác quanh năm.

2. Tác nhân gây bệnh

Tên tác nhân: vi rút Rubella thuộc giống Rubivirus, họ Togaviridae.

Hình thái : Vật liệu di truyền của vi rút Rubella là bộ gen ARN được bao quanh một vỏ capsid hình xoắn ốc, ngoài cùng là vỏ của vi rút với bản chất là lipid có đường kính khoảng 50 - 60 nm. Hạt vi rút chỉ có một týp kháng nguyên duy nhất.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Vi rút chỉ tồn tại và nhân lên trong tế bào của cơ thể. Sức đề kháng của vi rút Rubella rất yếu cũng như vi rút sởi và dễ bị mất tính gây nhiễm bởi nhiệt độ, ánh sáng và thuốc sát khuẩn thường dùng.

3. Nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền

Người là ổ chứa vi rút duy nhất, khoảng 20 - 50% người nhiễm vi rút không có triệu chứng.

Thời gian ủ bệnh: khoảng 16 - 18 ngày, có thể dao động từ 14 - 23 ngày.

Bệnh rubella có tính lây truyền cao. Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh có thể đào thải vi rút trong nhiều tháng sau khi đẻ.

Bệnh lây truyền từ người bệnh, người mang vi rút sang người lành trong thời gian từ 1 tuần trước khi phát ban cho đến 1 tuần sau khi phát ban. Người bị nhiễm vi rút do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp của người bệnh, người mang vi rút.

Khả năng lây truyền từ mẹ nhiễm rubella sang thai nhi rất cao trong những tháng đầu của thai kỳ. Những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Người sau khi mắc bệnh có miễn dịch bền vững; miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi sinh.

Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ đào thải nhiều vi rút trong dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu và là nguồn truyền nhiễm cho những người tiếp xúc.

4. Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Mọi người đều có cảm nhiễm với vi rút rubella nếu chưa có kháng thể miễn dịch đặc hiệu.

Trẻ em sẽ bị mắc bệnh khi hết kháng thể của mẹ truyền cho qua nhau thai. Sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc được gây miễn dịch bằng vắc xin rubella thì sẽ được miễn dịch chủ động.

Tính miễn dịch được bền vững và có thể tồn tại suốt đời nếu bị mắc bệnh tự nhiên. Tính miễn dịch được tạo thành sau khi tiêm vắc xin rubella có thể còn phụ thuộc vào sự tiếp xúc với những trường hợp bệnh lưu hành địa phương.

Có khoảng 10 - 20% số người lớn ở Mỹ vẫn còn cảm nhiễm với vi rút rubella. Trẻ sơ sinh có kháng thể mẹ thường được bảo vệ trong khoảng 6-9 tháng, tùy thuộc vào số lượng kháng thể của mẹ truyền cho qua nhau thai.

5. Triệu chứng bệnh Rubella

Bệnh Rubella thường nhẹ, các triệu chứng bệnh Rubella thường xuất hiện từ ngày 16-18 sau khi phơi nhiễm. Có biểu hiện tương tự như bệnh cúm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

+ Sốt: Người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, khoảng 380C, kèm nhức đầu, mệt mỏi, đau rát vùng họng, chảy nước mũi trong, thường từ 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm.

+ Nổi hạch: Hạch thường nổi trước khi có hiện tượng phát ban, hay gặp ở các vị trí như bẹn, cổ, vùng xương chẩm. Hạch có đặc điểm sờ đau và có thể tự hết sau khi các nốt ban trên cơ thể bay đi hết.

+ Phát ban: Đây là dấu hiệu quan trọng, xuất hiện sau hiện tượng sốt. Các nốt ban mọc ở đầu, mặt rồi mọc đến toàn thân chứ không mọc tuân theo thứ tự nhất định như trong bệnh sởi, các nốt ban có hình tròn hay hình bầu dục, đường kính khoảng 1 - 2mm, các nốt có thể mọc riêng rẽ hoặc mặc tập trung thành từng mảng. Kể từ thời điểm mọc ban, sau 24 giờ, nốt ban có thể xuất hiện khắp người.

Bệnh Rubella

Phát ban ở đầu rồi lan dần xuống khắp cơ thể (Ảnh: Internet)

 + Ngoài ra có thể kèm thêm các triệu chứng khác như đau nhức khớp (thường gặp ở phụ nữ), người mệt mỏi, chán ăn...

Tuy nhiên có khoảng 25 - 50% trường hợp không có những biểu hiện lâm sàng điển hình khiến người bệnh nhầm tưởng triệu chứng bệnh Rubella với các bệnh khác.

6. Các biến chứng của bệnh Rubella

Một số biến chứng do Rubella gây ra

Một số biến chứng do Rubella gây ra (Ảnh:Internet)

Rubella là bệnh truyền nhiễm lành tính, có thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên nếu không có phác đồ điều trị và chăm sóc đúng phương pháp thì người bệnh có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm:

Một số biến chứng thường gặp khi bị rubella:

+ Đau và sưng ở các khớp như ngón tay, cổ tay hay đầu gối, nhất là ở phụ nữ cao tuổi (chiếm 70%)

+ Trong một số ít trường hợp, rubella có thể gây nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) hoặc viêm não.

+ Ngoài ra, rubella còn gây nhiều biến chứng nặng nề cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh rubella.

7. Rubella với phụ nữ mang thai

 Bệnh Rubella ảnh hưởng như thế nào đến phụ nữ có thai

Khi một phụ nữ bị nhiễm vi rút rubella trong giai đoạn sớm của thai kỳ, khả năng lây truyền vi rút sang thai nhi lên đến 90%.

Bệnh rubella rất nguy hiểm với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virus Rubella có thể qua hàng rào nhau thai, xâm nhập vào bào thai và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai.

Rubella ở phụ nữ có thai

Rubella ở phụ nữ có thai (Ảnh: Internet)

Có khoảng 50% trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.

Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Ngoài ra, trẻ nếu được sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh.

Hội chứng Rubella bẩm sinh là gì?

Nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Rubella cụ thể như sau:

+ Mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu: 70-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

+ Mẹ mắc bệnh hơn 3 tháng sau: Nếu thai được 13-16 tuần thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17-20 tuần thì tỷ lệ này là 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó là 0%.

Trẻ mắc phải hội chứng rubella bẩm sinh có thể gặp các dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển...Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non...gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Thống kê cho thấy 20% trẻ nhiễm Rubella bẩm sinh sẽ có nguy cơ tử vong.

8. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh Rubella

Bệnh Rubella khá khó chẩn đoán vì các triệu chứng của bệnh không rõ ràng, triệu chứng tương tự với một số bệnh khác. Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ dựa trên:

Dịch tễ

Có tiếp xúc với người bệnh rubella

Có sống hoặc đến từ vùng đang có dịch rubella.

Triệu chứng lâm sàng

+ Sốt: thường sốt nhẹ từ 1 đến 3 ngày.

+ Phát ban: ban dát sẩn, mọc không theo trình tự, không để lại vết thâm sau khi bay.

+ Nổi hạch nhiều nơi.

+ Đau mỏi người, đau khớp.

Xét nghiệm

+ Các xét nghiệm có thể chẩn đoán xác định bệnh gồm có: ELISA(+) hoặc phân lập được virus Rubella(+)

* Cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán cho tất cả những trường hợp rubella có biến chứng và phụ nữ có thai nghi ngờ nhiễm rubella.

9. Điều trị bệnh Rubella

+ Cho tới nay, quá trình phát triển bệnh và tự miễn dịch Rubella vẫn chưa có cách rút ngắn, nếu đã nhiễm bệnh thì cơ thể bệnh nhân sẽ tự đề kháng và miễn dịch với bệnh vĩnh viễn. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin.

+ Không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau, có thể dùng kem bôi ngoài da nếu có biểu hiện ngứa.

+ Nên cách ly người bệnh 7 ngày kể từ khi phát ban: tại nhà hoặc tại cơ sở y tế để tránh lây nhiễm bệnh

+ Theo dõi, phát hiện và xử lý sớm các biến chứng.

+ Nếu đang mang thai, bác sĩ có thể chỉ định kháng nguyên Rubella (hyperimmune globulin) để giúp mẹ tự đề kháng với virus nhưng con vẫn có nguy cơ dị tật bẩm sinh.

10. Chế độ ăn uống cho người bệnh Rubella

Các loại thực phẩm nên bổ sung

Người mắc bệnh Rubella nên ăn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đặt biệt là sắt và kẽm như thịt đỏ, cá, bông cải và các loại đậu. Ăn những thức ăn giàu kẽm và sắt sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng.

Các loại rau quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài… rau xanh có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, C không chỉ cung cấp nhiều nước mà còn giúp chống lại nhiễm trùng, làm nhanh lành vết thương, tốt cho mắt và ngăn ngừa mù lòa.

Các loại thực phẩm nên tránh

+ Các loại gia vị cay nóng, các loại rau kích thích như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi… 

+ Thực phẩm nhiều chất béo như đồ chiên xào và có nhiều dầu mỡ, chất bảo quản 

+ Thực phẩm đóng hộp, đồ nướng, xông khói, nội tạng động vật 

+ Đồ uống có chứa caffeine và nước ngọt

11. Phòng ngừa bệnh Rubella

Rubella hiện chưa có thuốc đặc trị, do vậy mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Hiện nay, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh rubella ở người lớn và trẻ nhỏ chính là tiêm vắc-xin ngừa rubella trong độ tuổi và thời điểm thích hợp.

Tiêm vắc xin rubella: sử dụng vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp (sởi - rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).

Các lưu ý khi tiêm vắc xin rubella

+ Với trẻ em: tiêm vắc xin cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.

+ Với người lớn: tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người chưa có miễn dịch, đặc biệt cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ.

+ Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin: Sốt phát ban, nổi hạch, tăng bạch cầu đa nhân, đau khớp.

+ Với những phụ nữ có ý định mang thai nên chủ động đi xét nghiệm xác định có miễn dịch với Rubella hay chưa, nếu chưa có nên tiêm phòng vắc xin ít nhất 1-3 tháng trước khi mang thai. Khi có thai không nên tiêm vắc xin vì nó có thể đi qua nhau thai và nhiễm cho thai nhi.

+ Nếu phát hiện có thai sau khi tiêm phòng thì không có chỉ định đình chỉ thai.

+ Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với những người bị sốt, phát ban hay với trẻ mắc Rubella bẩm sinh. Khi có những biểu hiện như sốt, phát ban, nổi hạch trong thời kỳ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn.

+ Chống chỉ định tiêm vắc xin Rubella cho những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch, thận trọng với bệnh nhân có tiền sử dị ứng nặng với gelatin, thuốc neomycin hoặc các lần tiêm vắc xin trước, người đang sốt.

KẾT LUẬN

Tóm lại, Rubella là mối lo ngại của cộng đồng cũng như là của phụ nữ mang thai. Virus rất dễ lây truyền qua tiếp xúc và gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa Rubella bằng cách tiêm phòng vắc xin phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi để chủ động phòng ngừa bệnh tật.

Tác giả: Nguyễn Phan Thư Trinh