Quai bị tuy không đe dọa tới tính mạng người bệnh nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hơn nữa, đây là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp nên có thể gây ra thành dịch trong cộng đồng.
Mọi đối tượng ở nhiều lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc quai bị. Hiểu biết về độ tuổi mắc quai bị thường gặp sẽ giúp chúng ta phòng ngừa căn bệnh này cũng như sự lây lan của nó.
Quai bị là một trong những căn bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh. Đây là căn bệnh phổ biến, mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc quai bị. Tuy nhiên, lứa tuổi hay mắc quai bị nhất là lứa tuổi học đường. Cụ thể, theo các thống kê, có đến hơn 80% trường hợp mắc quai bị xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó, thường gặp nhất là những đối tượng là trẻ em từ 6 - 10 tuổi.
Ngoài ra, bệnh quai bị rất ít gặp ở những trẻ em dưới 2 tuổi. Những trẻ sau hai tuổi, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tăng dần. Tần suất bệnh quai bị xảy ra cao nhất ở tuổi thiếu niên, lưu ý là tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn ở nữ giới.
Do thường gặp ở lứa tuổi học đường mà quai bị lại lây truyền qua con đường hô hấp nên quai bị dễ lây lan thành ổ dịch tại các trường học do tập trung đông người. Vì thế, khi mắc bệnh quai bị, những bệnh nhân là học sinh phải nghỉ học ít nhất hai tuần, lưu ý không đến các khu vực công cộng để để hạn chế sự lây lan bệnh cho người khác.
Đọc thêm bài viết: Để phòng tránh lây quai bị, bạn cần phải biết điều này.
Thực tế, bệnh quai bị hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà. Nhưng do là bệnh dễ lây, lại thường gặp ở trẻ nhỏ nên khi bị bệnh, trẻ cần được cách ly, không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, bát đũa, bàn chải đánh răng,...
Khi điều trị quai bị có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chườm ấm bên má bị sưng giúp trẻ giảm đau.
Ngoài ra, trong chế độ ăn, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả, sữa, ăn những thức ăn mềm như súp, cháo.... Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý trẻ cần nằm nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, không được chạy nhảy nô đùa vì có thể làm nặng hơn biến chứng của bệnh. Khi trẻ có các dấu hiệu chuyển nặng, cần đưa trẻ ngay tới các cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh quai bị ở lứa tuổi này là tiêm phòng bệnh quai bị cho trẻ. Lưu ý tiêm đúng và tiêm đủ mũi để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin về vaccine quai bị qua bài viết: Vắc xin quai bị và tổng hợp những thông tin chắc chắn cần biết.
Như đã nói, quai bị thường gặp ở lứa tuổi học đường. Tuy nhiên, các đối tượng khác không được chủ quan vì bất cứ ai cũng có thể mắc căn bệnh này.
Với đối tượng là người lớn, bệnh quai bị ít khi xảy ra. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp người lớn mắc quai bị do lây lan từ người khác. Nguy hiểm hơn, khi nhiễm bệnh, người lớn dễ gặp biến chứng nhanh hơn và nặng hơn so với quai bị ở trẻ em.
Cụ thể, biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh quai bị ở người lớn chính là tác động tiêu cực tới chức năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới. Theo đó, biến chứng viêm tinh hoàn và biến chứng viêm mào tinh hoàn xảy ra ở hoảng 20-35% nam giới bị quai bị sau tuổi dậy thì.
Biến chứng viêm tinh hoàn khi bị quai bị thông thường xuất hiện trong khoảng từ 5-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Hậu quả của biến chứng viêm tinh hoàn là có thể dẫn đến teo tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, từ đó gây vô sinh.
Còn đối với nữ giới, theo các thống kê, biến chứng viêm buồng trứng xảy ra ở khoảng 7% nữ giới sau tuổi dậy thì. Nguy hiểm hơn, với những người phụ nữ có thai, nếu nhiễm quai bị vào 3 tháng đầu quai bị, thai nhi có nguy cơ bị dị tật, thậm chí gây sảy thai, nếu nhiễm quai bị vào 3 tháng cuối thai kỳ, có nguy cơ sinh non hoặc bị thai lưu.
Như vậy, tuy không thường gặp như trẻ em, nhưng với những đối tượng khác, khi đã nhiễm quai bị thường gặp biến chứng nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Vì thế, cần có các biện pháp phòng tránh để hạn chế tối đa nguy cơ mắc quai bị cũng như tránh làm lây lan căn bệnh này ra cộng đồng và bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh tốt nhất.