Bệnh quai bị kiêng làm gì để nhanh chóng hồi phục hơn?

Bệnh quai bị kiêng làm gì để nhanh chóng hồi phục hơn?
Quai bị là căn bệnh khá lành tính nhưng cũng có khả năng gây ra nhiều biến chứng cho người mắc bệnh. Do đó, có nhiều người vẫn thắc mắc quai bị kiêng làm gì để bệnh nhanh khỏi hơn.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quai bị là là một bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra và lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do các giọt bắn trong không khí. Bệnh đôi khi được gọi là viêm tuyến mang tai truyền nhiễm và nó chủ yếu ảnh hưởng đến các tuyến nước bọt.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không quá rõ ràng, chẳng hạn như nhức đầu, khó chịu và sốt; sau cùng là sưng tấy đặc trưng của tuyến nước bọt sau mang tai trong vòng một ngày.

Bệnh quai bị kiêng làm gì để mau chóng hồi phục hơn? - Ảnh 1.

Có nhiều người vẫn thắc mắc quai bị nên kiêng làm gì để bệnh nhanh khỏi hơn - Ảnh: netdoctor

Nhìn chung quai bị là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 5-9 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị lây nhiễm, và khi lây nhiễm lại có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở trẻ em. Do đó, nhiều người vẫn thắc mắc quai bị nên kiêng làm gì để bệnh nhanh khỏi và hạn chế được biến chứng.

Các biến chứng của bệnh quai bị có thể bao gồm viêm màng não (lên đến 15% trường hợp), viêm tinh hoàn và điếc. Tuy nhiên, rất hiếm khi quai bị có thể gây viêm não và tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Và dưới đây là đáp án cho câu hỏi quai bị kiêng làm gì để nhanh khỏi bệnh:

1. Quai bị kiêng làm gì: Cách ly là quan trọng nhất!

Quai bị là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp và bùng thành dịch nếu không tiêm vắc-xin hoặc không cách ly sớm. Do đó, cách ly sớm người bệnh để tránh lây lan cho người khác là đáp án của câu hỏi quai bị kiêng làm gì đầu tiên.

Người bệnh nên tự cách ly trong phòng riêng khoảng 14 ngày để đảm bảo không còn khả năng lây bệnh cho những người tiếp xúc sau đó. Và trong thời gian điều trị bệnh, bệnh nhân quai bị nên thực hiện đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người trong gia đình.

Việc đeo khẩu trang có thể khiến bạn gặp một số vấn đề liên quan tới da mặt. Có thể tham khảo Hướng dẫn khắc phục các vấn đề về da do đeo khẩu trang thường xuyên.

Bệnh quai bị kiêng làm gì để mau chóng hồi phục hơn? - Ảnh 2.

Cách ly sớm người bệnh để tránh lây lan cho người khác là đáp án của câu hỏi quai bị kiêng làm gì đầu tiên - Ảnh: UFhealth

2. Kiêng tắm nước lạnh

Theo các bác sĩ, việc tắm nước lạnh và tắm trong thời gian quá lâu sẽ gây ảnh hưởng xấu cho người mắc bệnh quai bị. Bởi nước lạnh có thể khiến vùng sưng tấy bị sưng to và gây ra đau đớn nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người bệnh phải kiêng tắm. Các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân quai bị nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, nên tắm bằng nước ấm và tắm nhanh chóng; không nên ngâm mình trong nước quá lâu.

3. Kiêng vận động mạnh

Quai bị nên kiêng làm gì tiếp theo, câu trả lời chính là nên tránh vận động mạnh. Người mắc bệnh quai bị nên hạn chế tối đa các hoạt động liên quan đến vận động; thay vào đó nên nghỉ ngơi tuyệt đối để nhanh chóng hồi phục. Bởi khi cơ thể bị sưng đau, việc vận động có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Bệnh quai bị kiêng làm gì để mau chóng hồi phục hơn? - Ảnh 3.

Quai bị nên kiêng làm gì tiếp theo, câu trả lời chính là nên tránh vận động mạnh - Ảnh: livescience

4. Kiêng ăn thực phẩm có vị chua

Kiêng ăn các loại đồ ăn có vị chua, bởi thức ăn chua có thể làm kích thích tuyến nước bọt khiến vùng quai bị sưng to hơn.

Tốt nhất bạn nên nắm được Những nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân quai bị để lên kế hoạch chăm sóc đúng cách.

5. Tránh việc tự ý sử dụng thuốc

Tránh dùng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm cả thuốc uống lẫn thuốc bôi lên vị trí bị sưng là điều mà người mắc bệnh quai bị nên biết. Việc bôi thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây nhiễm trùng tuyến nước bọt, khiến bệnh nặng hơn.

Đối với những trường hợp người bệnh sốt cao không hạ hoặc có dấu hiệu của biến chứng, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc uống nếu chưa có kê toa của bác sĩ.


Tác giả: Tiểu Quyên