Quai bị là một trong những căn bệnh khá lành tính và thường xảy ra ở trẻ em, bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Theo dân gian truyền miệng, người mắc bệnh quai bị nên kiêng nước để tránh biến chứng. Do đó, rất nhiều người vẫn thắc mắc rằng bệnh quai bị có được tắm không? Hãy cùng tìm hiểu đáp án cho câu hỏi này qua bài viết dưới đây!
Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể lây lan thông qua đường hô hấp do vi rút paramyxovirus gây nên. Độ tuổi thường mắc bệnh quai bị thường vào khoảng 13, 14 (tiền dậy thì) hoặc đôi khi cũng gặp ở những người 18-20 tuổi. Thật may mắn, trẻ dưới 2 tuổi và người cao tuổi là những đối tượng hiếm khi mắc bệnh quai bị.
Để xác định được bệnh quai bị, người bệnh cần xem xét các dấu hiệu ở tuyến nước bọt phía sau mang tai. Nếu thấy tuyến nước bọt sau mang tai có dấu hiệu sưng, nổi hạch, đau, bạn khả năng cao mắc bệnh quai bị.
Đây là căn bệnh được xem là khá lành tính, người bệnh có thể sẽ tự khỏi bệnh và có được miễn dịch vĩnh viễn. Và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị. Người bệnh cần được nghỉ ngơi và chăm sóc để mau chóng hồi phục.
Tuy nhiên, trong dân gian vẫn truyền miệng rằng người mắc bệnh quai bị nên kiêng nước kiêng gió, thế nhưng sự thật bệnh quai bị có được tắm không? Đáp án là có. Người bệnh quai bị nên tắm sạch sẽ mà không cần kiêng cữ gì cả. Thay vào đó, các chuyên gia y tế còn khuyến khích bệnh nhân quai bị vệ sinh cá nhân để đảm bảo sức khỏe và làm giảm sự khó chịu do bệnh gây ra.
Ngoài vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh nhiễm trùng, người bệnh có thể uống thêm nước cam và bổ sung nhiều loại thực phẩm có chứa vitamin C; giúp cơ thể tăng cường đề kháng. Tuy nhiên, nên tránh ăn chua, tránh sự kích thích ở tuyến nước bọt.
Không chỉ việc đảm bảo vệ sinh thân thể cho người mắc bệnh quai bị, mà cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa và phòng ngủ sạch sẽ. Môi trường phòng ở thoáng mát, sạch sẽ sẽ góp phần ngăn ngừa vi rút hiệu quả.
Nên giặt giũ ga trải giường, gối nệm sạch sẽ để người bệnh thoải mái hơn trong quá trình điều trị tại nhà.
Tìm hiểu thêm kiến thức về quai bị qua bài viết: Tổng quan về bệnh quai bị: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh.
Bệnh nhân quai bị có thể tắm, tuy nhiên cần có một số lưu ý như sau:
- Người mắc quai bị không nên tắm nước lạnh, bởi nước lạnh có thể khiến cho vị trí sưng bị sưng to hơn, gây đau và khó chịu hơn.
- Nên tắm nhanh chóng với nước ấm, không nên ngâm mình trong bồn tắm hoặc tắm quá lâu.
- Tốt nhất, người bệnh có thể dùng khăn nhúng nước ấm rồi lau qua cơ thể.
Hãy theo dõi những dấu hiệu chuyển biến ở người mắc bệnh quai bị thường xuyên, nếu có các dấu hiệu như đau đầu dữ dội, nôn ói, sưng bìu hoặc đau tinh hoàn thì nên đưa người bệnh đi khám bác sĩ. Việc viêm tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị đúng thì không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Nếu đưa người bệnh đi khám, người nhà cần thông báo sớm với nhân viên y tế để được sắp xếp khám sớm, tránh tình trạng lây nhiễm cho người khác trong phòng chờ.