Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại

Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại
Thực tế là 95% người trưởng thành không thể bị mắc bệnh phong.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung Ương Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân tới khám và được chẩn đoán mắc bệnh phong. Thông tin ban đầu cho biết bệnh nhân này là nam giới, 35 tuổi quê ở Lạng Sơn. Anh đi khám vì có nhiều nốt sần đỏ rải rác ở tứ chi và thân mình, ấn vào thấy đau.

Triệu chứng này đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây hai năm. Bệnh nhân từng khám ở nhiều nơi, điều trị nhiều đợt nhưng không thuyên giảm mà lại tiến triển ngày một nặng.

Trong khi khám lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương phát hiện bệnh nhân có các tổn thương sẩn đỏ kích thước 1-3 cm, rải rác khắp cơ thể. Mu bàn tay của bệnh nhân có biểu hiện khô, khám không sờ thấy các dây thần kinh nông.

Nhận thấy đây là một triệu chứng không điển hình nghi ngờ mắc phong, các bác sĩ đã rạch dái tai xét nghiệm và kết quả của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Mycobacterium leprae gây bệnh phong.

Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại - Ảnh 2.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam loại trừ được bệnh phong từ năm 2000, khi tỷ lệ lưu hành của căn bệnh này chỉ còn dưới một phần mười ngàn dân số. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là căn bệnh đã hoàn toàn bị xóa sổ. Cục Y tế Dự phòng cho biết hàng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh phong.

Trong quá khứ, bệnh phong từng được coi là một chứng nan y. Bệnh nhân phong thường gắn liền với những hình ảnh đáng sợ như rụng hoặc cụt ngón tay, ngón chân và bệnh có thể lây cho người khác. Những người mắc phong thường phải sống trong các trại phong, trại hủi suốt đời và bị xã hội kỳ thị.

Tuy nhiên, ngày nay, y học hiện đại đã cho phép chúng ta điều trị vi khuẩn Mycobacterium leprae một cách dễ dàng. Bệnh nhân phong cũng không nhất thiết phải bị cách ly khỏi xã hội. Do đó, những hiểu biết mới về căn bệnh này là kiến thức mà mọi người cần trang bị, để tránh những nỗi sợ hãi và kỳ thị vô căn cứ về nó.

1. Bệnh phong là gì?

Bệnh phong hay còn gọi là phong cùi, bệnh hủi có danh pháp khoa học là Leprosy (đặt theo tên vi khuẩn gây ra nó) hoặc bệnh Hansen, đặt theo tên nhà khoa học đã phát hiện ra chủng vi khuẩn Mycobacterium leprae.

Phong là một bệnh truyền nhiễm gây ra các vết loét da nghiêm trọng, làm biến dạng và tổn thương thần kinh ở cánh tay, chân và các vùng da xung quanh cơ thể. Vi khuẩn Mycobacterium leprae tấn công vào các dây thần kinh khiến khu vực bị ảnh hưởng mất cảm giác.

Khi không còn cảm giác ở các đầu ngón tay và ngón chân, bệnh nhân thường không chú ý đến các tổn thương hoặc nhiễm trùng ở khu vực này, theo thời gian dẫn đến cụt chi, cụt đầu ngón tay và ngón chân mà không thấy đau.

Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại - Ảnh 3.

Không được điều trị, bệnh phong có thể tiếp tục gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

• Mù hoặc tăng nhãn áp

• Biến dạng khuôn mặt

• Rối loạn cương dương và vô sinh ở nam giới

• Suy thận

• Yếu cơ dẫn đến bó cứng tay

• Tổn thương vĩnh viễn bên trong mũi, dẫn đến chảy máu mũi và nghẹt mũi mạn tính

• Tổn thương vĩnh viễn các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống gây liệt

2. Bạn có thể mắc bệnh phong từ đâu?

Nguồn gốc tự nhiên của bệnh phong hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Có những nghiên cứu cho thấy con người có thể nhiễm vi khuẩn phong từ Armadillo (một loài thú có mai ăn côn trùng). Tuy nhiên, bệnh phong được truyền chủ yếu là từ người sang người, qua các tiếp xúc gần gũi.

Những người tiếp xúc với người mắc bệnh phong có khả năng mắc bệnh phong cao gấp 5-8 lần so với các thành viên của dân số nói chung. Mặc dù vậy, khả năng lây nhiễm này thực sự không cao. Bạn phải kéo dài tiếp xúc gần gũi với một bệnh nhân phong trong nhiều tháng mới có thể mắc bệnh.

Bạn sẽ không mắc bệnh phong nếu chỉ:

- Gặp gỡ, bắt tay hoặc ôm một bệnh nhân

- Ngồi cạnh một bệnh nhân phong trên xe bus, hoặc phòng khám

- Ngồi cùng bệnh nhân trong bữa ăn

Bệnh phong không truyền từ mẹ sang con và cũng không lây truyền qua đường tình dục.

3. Triệu chứng, dấu hiệu mắc bệnh phong

Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại - Ảnh 4.

Bệnh phong có thời gian ủ bệnh khá dài. Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc và bị nhiễm vi khuẩn đến lúc xuất hiện triệu chứng có thể kéo dài khoảng 3-5 năm, cá biệt có thể lên tới 20 năm. Vi khuẩn Mycobacterium leprae tấn công dây thần kinh sẽ gây ra các triệu chứng ở da, dân thần kinh ngoại biện, mắt, niêm mạc mũi.

Các bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân mắc phong khi khám thấy các vết loét trên da, nốt sần, vón cục hoặc vết sưng không biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Các vết loét nhìn có màu nhạt, da xung quanh dày, cứng và khô.

Bệnh nhân có thể bị rụng lông mày, lông mi, nghẹt mũi, chảy máu cam khi vi khuẩn tấn công mắt và niêm mạch mũi. Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh sẽ khiến bệnh nhân dần mất cảm giác ở tay hoặc chân, thấy yếu cơ.

4. Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh phong?

Bạn cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm nếu nghi nhiễm bệnh phong. Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ cần lấy một mẫu da hoặc dây thần kinh của bạn để tìm vi khuẩn Mycobacterium leprae dưới kính hiển vi.

Nếu chẩn đoán dương tính, bệnh phong cần phải được điều trị bằng kháng sinh kết hợp như dapsone, rifampicin và clofazimine. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải uống 2-3 loại kháng sinh cùng lúc, kéo dài từ 6-12 tháng. Trong khoảng thời gian điều trị, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến những tổn thương ở những vùng cơ thể bị mất cảm giác như đầu ngón tay hoặc ngón chân.

Hãy cho bác sĩ biết bạn bị tê hoặc mất cảm giác ở đâu để được tư vấn chiến lược chăm sóc và điều trị phù hợp.

5. Những sai lầm mà nhiều người thường có về bệnh phong

Bệnh phong cùi và những kỳ thị sai lầm không còn đúng trong thời hiện đại - Ảnh 5.

Bệnh phong từng xuất hiện và gây ra những nỗi sợ hãi từ từ thời cổ đại. Bệnh nhân mắc phong thường bị xa lánh và ruồng bỏ. Sự bùng phát của bệnh phong đã ảnh hưởng và gây ra những làn sóng hoảng loạn ở mọi châu lục. Trong các nền văn minh lâu đời nhất như Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ, người dân từng mang nỗi sợ và kỳ thì bệnh phong như một căn bệnh nan y, không thể chữa khỏi và nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhiều trong số các quan niệm này cần phải được xóa bỏ:

Thứ nhất, bệnh phong bây giờ đã có thể được chữa khỏi. Chỉ vài ngày sau khi bắt đầu điều trị, thuốc kháng sinh đã có thể giết chết gần như toàn bộ vi khuẩn Mycobacterium leprae và đưa bệnh nhân vào trạng thái không truyền nhiễm. Họ chỉ cần phải uống thuốc đủ liều trong 6-12 tháng để tránh bị nhiễm trùng thứ phát hoặc tái phát vi khuẩn phong.

Thứ hai, bệnh phong không lây nhiễm mạnh như bạn tưởng. Như đã nói, phong chỉ có thể lây qua các tiếp xúc gần gũi liên tục trong nhiều ngày với bệnh nhân. Bạn không thể lây phong nếu chỉ gặp một người mắc nó, bắt tay hoặc ngồi cạnh họ. Một bệnh nhân phong đã điều trị bằng kháng sinh sẽ không thể lây bệnh cho người khác nữa.

Thực tế là 95% người trưởng thành không thể bị mắc phong. Đó là vì hệ miễn dịch của họ tự nhiên đã có khả năng chống lại vi khuẩn Mycobacterium leprae.

Không phải bệnh nhân phong nào cũng bị rụng ngón tay, ngón chân: Bản thân vi khuẩn phong không khiến bệnh nhân bị cụt chi. Đó là các vết nhiễm trùng thứ phát xảy ra khi bệnh nhân không tự chăm sóc bản thân vì đã bị mất cảm giác. Nếu bệnh nhân phong được điều trị và chăm sóc bản thân tốt, họ có thể bảo tồn chi của mình.


Tác giả: zknight