Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối liên hệ giữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính – COPD và biến chứng suy hô hấp cấp là phức tạp và hai chiều, nghĩa là bệnh này sẽ phàm phức tạp thêm tiên lượng của bệnh kia.

Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các bệnh hô hấp khác thường đi kèm với các biến chứng sức khỏe, cả nhẹ và nghiêm trọng. Một trong những biến chứng nghiêm trọng cần nhắc đến chính là suy hô hấp cấp tính, một tình trạng cần được cấp cứu ngay khi xảy ra.

Vì vậy, COPD và biến chứng suy hô hấp cấp có mối liên hệ mật thiệt, chúng đều làm suy giảm chức năng phổi nghiêm trọng.

Suy hô hấp cấp tính có thể gây chết người và việc điều trị ngay lập tức có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tính mạng người bệnh. Do đó, điều trọng đối với người bị COPD là có thể sớm nhận biết được dấu hiệu của biến chứng suy hô hấp cấp.

Bài viết này sẽ giải thích về suy hô hấp cấp là gì; COPD và biến chứng suy hô hấp cấp có thể khiến bạn gặp nguy hiểm như thế nào. Đồng thời hướng dẫn bạn xác định triệu chứng của bệnh suy hô hấp cấp; sẽ cung cấp thông tin về cách xử trí khi biến chứng suy hô hấp cấp xảy ra.

1. Thông tin về suy hô hấp cấp tính

Suy hô hấp cấp là một cấp cứu nội khoa nguy hiểm cần được điều trị ngay khi có các dấu hiệu của bệnh. Nó có thể xảy ra khá nhanh chóng, không có nhiều cảnh báo và thường do các đợt cấp của COPD gây ra.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa - Ảnh 1.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp là phức tạp và hai chiều - Ảnh: Respiratorylondon

Suy hô hấp cấp có thể là giảm oxy máu (do nồng độ oxy trong máu thấp) hoặc tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) máu (do nồng độ CO2 trong máu cao).

Theo tiêu chuẩn y tế, suy hô hấp cấp giảm oxy máu xảy râ khi áp suất riêng phần của oxy trong máu giảm xuống dưới 60 mmHg (độ bão hòa oxy trong máu 91%); hoặc áp suất riêng phần của oxy trong máu của bạn giảm 10mmHg trở lên dưới độ bão hòa oxy cơ bản thông thường của bạn.

Suy hô hấp cấp do tăng CO2 xảy ra khi áp suất riêng phần của carbon dioxide trong bạn tăng trên 50 mmHg; hoặc áp suất riêng phần của carbon dioxide trong máu tăng 10 mmHg trở lên so với mức cơ bản của bạn.

Suy hô hấp cấp tính thường xảy ra đột ngột và bắt đầu với các kiểu thở không đều như khó thở dữ dội; thở nhanh hoặc hụt hơi. Bệnh nhân cũng có thể nhận thấy các triệu chứng khác trong vòng vài giờ, thậm chí vài phút trước khi các tình trạng nguy cấp về hô hấp bắt đầu; chẳng hạn như bồn chồn, mệt mỏi, toát mồ hôi; lú lẫn và tim đập nhanh.

Xem thêm:

>> Bệnh phổi tắc nghẽn và cơn khó thở có mối quan hệ như thế nào?

Các triệu chứng của suy hô hấp cấp tính bao gồm:

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa - Ảnh 2.

Suy hô hấp cấp có thể là giảm oxy máu hoặc tăng CO2 máu - Ảnh: Prina123

- Nếu do nồng độ carbon dioxide cao (suy hô hấp tăng CO2): Người bệnh sẽ thở gấp, thở nhanh và mất kiểm soát nhận thức.

- Nếu do nồng độ oxy thấp (suy hô hấp giảm oxy máu): Người bệnh sẽ không thở được, hụt hơi và thở nhanh; da xanh xao, đặc biệt là ở môi hoặc đầu ngón tay; mất ý thức; nhịp tim không đều; toát mồ hôi; bồn chồn lo lắng và rất mệt.

Suy hô hấp cấp là một trong những biến chứng gây tử vong hàng đầu cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Dưới đây là phân tích cụ thể mối liên quan giữa COPD và biến chứng suy hô hấp cấp, bao gồm cách phòng ngừa và nhận biết.

2. COPD và biến chứng suy hô hấp cấp xảy ra thế nào?

Như đã phân tích, suy hô hấp cấp tính là do sự mất cân bằng khí trong máu, bệnh xảy ra khi chức năng bình thường của phổi bị gián đoạn nghiêm trọng và đột ngột. Hãy cùng xem xét kỹ về mối quan hệ giữa COPD và suy hô hấp cấp một cách chính xác nhất.

Về cơ bản, COPD khiến người bệnh gặp nhiều nguy cơ xấu vì nó làm giảm chức năng phổi cơ bản của họ và làm cho phổi dễ gặp nhiễm trùng. Dung tích phổi càng thấp thì phổi càng sẽ bị tổn thương bởi các bệnh hô hấp nhẹ, làm mất cân bằng trao đổi khí gây ra biến chứng suy hô hấp cấp.

Khi một người bị COPD, phổi của họ sẽ trao đổi khí chậm hơn và kém hiệu quả hơn bình thường. Điều này xảy ra do các túi khí chịu trách nhiệm tạo điều kiện trao đổi khí trong phổi bị COPD phá hủy.

Ngoài ra, các đường dẫn khí vận chuyển không khí đến và đi từ phổi bị thu hẹp, viêm và bị tắc nghẽn bởi chất nhầy. Tình trạng này khiến việc hít đủ không khí và thở ra hoàn toàn từ phổi trở nên khó khăn hơn. Nó cũng làm cho virus và nhiễm trùng dễ dàng sinh sôi trong phổi và đường hô hấp.

Theo thời gian, sự tắc nghẽn đường thở này có thể dẫn đến tình trạng phình phổi, xảy ra khi người bệnh không thể đẩy hết không khí ra khỏi phổi lúc thở ra. Không khí còn sót lại sẽ bị giữ lại bên trong phổi của bạn và ngăn phổi xẹp lại hoàn toàn, điều này cuối cùng khiến các mô phổi của bạn căng ra trên mức bình thường.

Tình trạng mô phổi căng ra khiến tình trạng khó thở ngày càng nặng, không khí mặc kẹt trong phổi ngày càng nhiều. Từ đó làm căng các cơ dùng trong hoạt động thở, dẫn đến mỏi cơ hô hấp và suy cơ hô hấp. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra suy hô hấp cấp.

Đó là một số lý do chính tại sao COPD làm tăng nguy cơ tăng CO2 máu, giảm oxy máu và suy hô hấp cấp tính. Bệnh càng tiến triển, phổi của bạn càng khó trao đổi khí đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Cuối cùng, phổi trở nên căng thẳng đến mức không thể đáp ứng kịp vào những thời điểm cơ thể bạn cần nhiều oxy hơn bình thường, ví dụ như các hoạt động thể chất. Điều này cũng có nghĩa là bất cứ điều gì làm giảm khả năng hoạt động của phổi - ngay cả những lý do nhỏ như viêm nhiễm cũng có thể khiến phổi của người bệnh COPD không thể hoạt động kịp.

Khi phổi của người bệnh COPD bị suy giảm chức năng, sự mất cân bằng khí trong máu sẽ diễn ra; nghĩa là oxy máu sẽ giảm và CO2 sẽ tăng hoặc cả hai cùng diễn ra. Nếu tình trạng này diễn ra chậm và kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp mãn tính. Ngược lại, suy giảm chức năng hô hấp bị suy giảm đột ngột sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp.

COPD và suy hô hấp cấp diễn ra cùng lúc là trường hợp bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa - Ảnh 3.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp diễn ra cùng lúc là trường hợp bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức - Ảnh: Soundphysicians

Suy hô hấp cấp tính thường xảy ra do một yếu tố tác động gây căng thẳng cho phổi như đợt cấp COPD. Ngoài ra, suy hô hấp cấp tính cũng có thể do các chất kích thích từ môi trường gây viêm phổi, như ô nhiễm không khí và khói.

Cả suy hô hấp cấp tính và mãn tính đều có thể làm tăng nguy cơ tử vong do COPD. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy suy hô hấp cấp-mãn tính là nguyên nhân tử vong số một ở những người mắc COPD, chiếm khoảng 38% tổng số ca tử vong.

3. Nguy cơ dẫn đến biến chứng suy hô hấp cấp trong COPD

Suy hô hấp cấp là một biến chứng của COPD được nhiều người biết đến nhưng không phải người mắc bệnh nào cũng gặp phải. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ suy hô hấp, bao gồm cả mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ví dụ, nguy cơ sẽ cao hơn nếu bạn có một số vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim hoặc hen suyễn. Các thói quen như hút thuốc và uống rượu quá mức cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp suy hô hấp cấp đều khởi phát bởi đợt cấp COPD. Đợt cấp về cơ bản là các đợt bùng phát triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kéo dài nhiều ngày, gây suy giảm chức năng phổi tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Các đợt cấp rất có thể xảy ra khi bạn bị bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Nếu không được kiểm soát nhanh chóng, các đợt cấp COPD có thể làm hạn chế chức năng phổi nghiêm trọng đến mức gây suy hô hấp cấp tính. Do vậy, COPD và suy hô hấp cấp có liên quan chặt chẽ đến nhau.

4. Xử trí khi bị biến chứng suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu người bệnh không được bác sĩ chăm sóc ngay lập tức. Nếu nhận thấy các dấu hiệu biến chứng suy hô hấp cấp, người bệnh COPD nên gọi cấp cứu hoặc nhờ người khác chở đến trung tâm y tế ngay lập tức.

Bạn cũng nên chuẩn bị trước cho tình huống này vì triệu chứng COPD có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm mà không có nhiều dấu hiệu báo trước. Cần chuẩn bị địa chỉ, số điện thoại của các bệnh viện gần nhất cũng như hồ sơ y tế bao gồm các loại thuốc mà bạn đang dùng. Các thông tin này sẽ giúp bạn đến bệnh viện kịp thời cũng như giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng bệnh của bạn.

5. Cách điều trị COPD và biến chứng suy hô hấp cấp

Nếu bạn đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, điều đầu tiên mà nhân viên y tế sẽ làm là cố gắng ổn định nhịp thở và đảm bảo rằng cơ thể bạn được cung cấp đủ oxy. Thường thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân COPD và biến chứng suy hô hấp cấp dùng mặt nạ thở hoặc thở máy.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa - Ảnh 4.

Nếu bạn mắc COPD lẫn suy hô hấp cấp, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị kết hợp - Ảnh: Aplaceformom

Nếu cần thở máy, bác sĩ yêu sẽ thực hiện luồn một ống nhựa qua miệng hoặc mũi và xuống khí quản. Sau đó, ống này được gắn vào một máy thở cung cấp oxy trực tiếp đến phổi của của người bệnh; giúp hỗ trợ chức năng hô hấp của phổi.

Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán suy hô hấp cấp bằng cách đo nồng độ oxy hoặc carbon dioxide trong máu của bạn. Điều này có thể được thực hiện bằng máy đo oxy ở đầu ngón tay hoặc bằng cách lấy mẫu máu để xét nghiệm.

Nếu nguyên nhân gây suy hô hấp do các nhiễm trùng gây nên, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân ban đầu trước. Bác sĩ cũng có thể cho bạn nhiều loại thuốc, chẳng hạn như steroid, thuốc kháng sinh và thuốc giãn phế quản; để giảm viêm phổi và giúp bạn thở dễ dàng hơn.

Còn nếu bạn mắc COPD lẫn suy hô hấp cấp, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị khác, có thể là điều trị kết hợp cả hai bệnh cũng lúc.

6. Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng suy hô hấp cấp

Suy hô hấp không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được, nhưng có một số điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh.

6.1. Tránh các đợt cấp COPD và các bệnh về hô hấp

Đợt cấp COPD là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp suy hô hấp cấp ở những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính. Do đó, tránh các đợt cấp là một trong những điều hiệu quả nhất bạn có thể làm giúp giảm nguy cơ suy hô hấp cấp.

COPD và biến chứng suy hô hấp cấp: Cách nhận biết và phòng ngừa - Ảnh 5.

Người đã từng mắc COPD và biến chứng suy hô hấp cấp cần được trang bị kiến thức vững - Ảnh: healthcentral

Các đợt cấp thường có thể tránh được nếu bạn tuân theo kế hoạch điều trị COPD từ chuyên gia y tế, bao gồm giữ vệ sinh đúng cách, tiêm phòng viêm phổi và cúm và thay đổi lối sống. Ngăn ngừa được nhiều bệnh và đợt cấp thì nguy cơ bị biến chứng COPD nghiêm trọng như suy hô hấp cấp càng ít đi.

Các bước cơ bản để tránh đợt cấp COPD:

Uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.

Tiêm phòng cúm hàng năm và vắc-xin viêm phổi dành cho người lớn.

Sử dụng các kỹ thuật để loại bỏ chất nhầy dư thừa trong phổi và đường thở.

Luôn giữ vệ sinh đúng cách ở những nơi công cộng, ví dụ như rửa tay thường xuyên.

Tránh các chất kích thích và tác nhân làm cho các triệu chứng COPD trở nên trầm trọng hơn.

6.2. Điều trị kịp thời các đợt cấp COPD

Không phải tất cả các đợt cấp đều có thể tránh được, ngay cả khi bạn cố gắng hết sức để giữ sức khỏe. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy những người mắc COPD trung bình có khoảng một đợt cấp mỗi năm, con số này tăng lên gấp đôi đối với những người bị COPD nặng.

May mắn là không phải đợt cấp nào cũng đều gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh; một số đợt cấp ở cấp độ nhẹ có thể điều trị tại nhà. Điều quan trọng là phải nắm bắt được dấu hiệu sớm và nhanh chóng thực hiện các bước thích hợp để kiểm soát đợt cấp.

Đợt cấp dễ điều trị nhất khi vừa mới xảy ra, ngăn chặn các triệu chứng trở nên tồi tệ dễ dàng hơn nhiều so với việc nó đã biến chứng nặng hơn.

Chính vì vậy người đã từng mắc COPD và biến chứng suy hô hấp cấp cần được trang bị kiến thức vững vàng để tránh tình trạng cũ tái diễn. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ, lên kế hoạch phòng ngừa và điều trị khi cần thiết. Và đều tất yếu nhất chính là nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách tuyệt đối để đảm bảo cho sức khỏe và tính mạng.

Nguồn dịch: https://blog.lptmedical.com/copd-respiratory-failure-how-to-recognize-and-prevent-it


Tác giả: Tiểu Quyên