Bệnh nhân ung thư và những giai đoạn khủng hoảng tâm lý

Bệnh nhân ung thư và những giai đoạn khủng hoảng tâm lý
Đối với nhiều người, ung thư là căn bệnh khủng khiếp bởi nó là con đường ngắn nhất dẫn tới cái chết. Do đó, bệnh nhân khi biết mình bị ung thư sẽ trải qua các giai đoạn khủng hoảng tâm lý: Phủ nhận, phẫn nộ, thương lượng, trầm cảm, chấp nhận.

1. Tất cả các bệnh nhân đều phải trải qua những giai đoạn khủng hoảng tâm lý

Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về chăm sóc nhẹ tại 5 thành phố cho thấy các bệnh nhân ung thư phải trải qua những giai đoạn nặng về tâm lý, tình cảm.

Cụ thể, có 48% bệnh nhân ung thư cảm thấy không hài lòng về cuộc sống hiện tại, 87% bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn hoặc rất buồn, 64% người chăm sóc dành nhiều hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư mất 20-24 giờ một ngày nên cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm.

Theo bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân (Bệnh viện Ung bướu TP HCM), tất cả các bệnh nhân đều có phản ứng về cảm xúc, tâm lý đối với bệnh ung thư. Căn bệnh ung thư có thể gây ảnh hưởng tới người bệnh ở rất nhiều khía cạnh như lòng tự trọng, ý thức về giá trị bản thân, lòng tin với thế giới xung quanh...

Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Một số người rơi vào trạng thái đấu tranh, mâu thuẫn nội tâm hoặc chuyển qua các giai đoạn cảm xúc, khủng hoàng tâm lý khác nhau, các giai đoạn cảm xúc này không phải lúc nào bệnh nhân cũng lần lượt trải qua, có giai đoạn trải qua sớm, có giai đoạn trải qua muộn, không phải lúc nào cũng theo thứ tự có thể dự đoán được. Những cảm xúc này có thể xuất hiện đột ngột hoặc tồn tại dai dẳng.

Những phản ứng cảm xúc của bố mẹ hoặc anh chị em bệnh nhân đang sắp qua đời đòi hỏi sự chú ý đặc biệt vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân. Những bệnh nhân, thân nhân ở các giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư có thể sẽ có các phản ứng cảm xúc khác nhau. Do đó cần xác định rõ giai đoạn bệnh để chọn phác đồ điều trị thích hợp cũng như hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân một cách thích hợp.

2. Những giai đoạn khủng hoảng tâm lý của bệnh nhân ung thư

Đầu tiên, khi biết mình mắc bệnh ung thư đa phần các bệnh nhân đều có tâm lý phủ nhận, không tin vào những gì được chẩn đoán. Tuy nhiên, đây chỉ là phản kháng tạm thời và là giai đoạn mở đầu cho những khủng hoảng tâm lý. Sau đó, người bệnh nhanh chóng nhận ra đang phải đối mặt với một sự việc rất trầm trọng.

Sau đó, người bệnh trải qua cảm xúc phẫn nộ, họ bắt đầu nhận ra rằng không thể tiếp tục phủ nhận mãi được. Biểu hiện của trạng thái cảm xúc này là sự tức giận hoặc đố kỵ trong khi tiếp xúc với những người xung quanh, họ cho rằng việc mình mắc ung thư là điều không công bằng. Những cá nhân nào càng mạnh mẽ trong cuộc sống thì càng có khuynh hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ.

Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Chuyển sang giai đoạn thứ ba, người bệnh thương lượng với sự thật, bắt đầu hình thành kỳ vọng về việc có thể kéo dài sự sống hoặc trì hoãn cái chết. Đây thực chất là cách họ trấn an nỗi sợ, tin vào một thời điểm nào đó trong tương lai và nghĩ nhiều về những việc họ có thể hoàn thành trước khi chết.

Giai đoạn thứ tư người bệnh bước vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng dẫn tới trầm cảm. Bởi bản thân họ hiểu rằng cái chết là đáp án cuối cùng sẽ sớm đến trong cuộc đời mình. Từ đó, họ sinh ra tâm lý không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với ai, dành thời gian để khóc, đau buồn.

Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Thậm chí, nhiều người chọn cách cắt đứt các mối quan hệ để làm nguôi ngoai bản thân, chấm dứt việc liên hệ hoặc giao tiếp với những người xung quanh. Giai đoạn này người thân cũng không nên tìm cách làm vui cho bệnh nhân mà nên để mọi việc theo lẽ tự nhiên, để nỗi buồn và khủng hoảng tâm lý của họ tiếp diễn.

Trải qua 4 giai đoạn của khủng hoảng tâm lý, cuối cùng người mắc bệnh ung thư lựa chọn cách chấp nhận. Họ chấp nhận cái chết đến với mình và cố gắng buông bỏ mọi thứ để ra đi thanh thản nhất.

Đối với những bệnh nhân mắc ung thư, đa phần có thể kéo dài thêm sự sống, tuy nhiên rất nhiều trong số đó thường phải trải qua những khủng hoảng tâm lý, tình trạng trầm cảm khiến cho việc điều trị kém hiệu quả. Mắc ung thư không phải là việc phải chấm dứt cuộc sống ngay lập tức, có rất nhiều loại ung thư hiện nay có thể chữa khỏi vì vậy người bệnh nên lạc quan để có được kết quả tốt nhất.

Tác giả: Phương Thuận