Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư amidan nên ăn gì?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư amidan nên ăn gì?
Amidan là khu vực kích hoạt nuốt, vì vậy sau phẫu thuật ung thư amidan, bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong ăn uống. Cách chế biến và lựa chọn thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự hồi phục của người bệnh.

Sau khi phẫu thuật ung thư amidan, các tổn thương và vết mổ còn chưa lành, khi nuốt sẽ gây ra nhiều đau đớn. Do vậy, bệnh nhân nên chọn các thực phẩm lỏng và mềm, không mất nhiều thời gian nhai, không cọ xát nhiều vào họng, dễ nuốt, ít gây đau đớn. 

1. Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc cung cấp lượng khoáng chất, vitamin và năng lượng dồi dào, rất cần thiết cho sự hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư amidan. Ngũ cốc có thể bao gồm gạo, ngô, lúa mì, lúa mạch, yến mạch,...

Tuy nhiên, người bệnh nên ăn ngũ cốc dạng bột, được nấu chín mềm lỏng thành cháo, súp, hoặc ngũ cốc pha sữa để dễ nuốt hơn. Tránh ăn hạt ngũ cốc khô, ngũ cốc nguyên vỏ, bánh mì, bánh quy giòn,... bởi chúng có thể cọ xát làm đau và rách vết mổ, khiến vết mổ lâu lành hơn.

2. Trái cây

Trái cây tươi là thực phẩm tốt nhất dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư amidan. Trái cây để mát có thể làm dịu các cơn đau phẫu thuật rất tốt. Nếu gặp nhiều khó khăn khi nuốt thì bạn có thể uống nước ép trái cây nguyên chất để bổ sung vitamin cho cơ thể.

Lưu ý, tránh các loại trái cây có nhiều axit như cam, chanh, dứa,... có thể kích thích vết mổ, khiến bệnh nhân cảm thấy đau, xót và khó chịu.

3. Rau

Người bệnh sau phẫu thuật ung thư amidan nên bổ sung các loại rau đủ màu sắc để cung cấp đủ các nhóm chất cho cơ thể. Từ rau màu xanh (rau cải, rau ngót, mùng tơi,...) đến các loại rau màu đỏ (rau dền, cà chua,...) và màu cam (bí ngô, cà rốt,..), và nên bổ sung cả nấm giàu dinh dưỡng. Nếu bạn gặp khó khăn khi ăn rau, có thể xay rau, sử dụng như 1 loại màu thực phẩm để chế biến cùng món ăn khác cho dễ ăn.

Vì sau khi phẫu thuật ung thư amidan, bệnh nhân bị đau miệng, đau hàm, ít nhai hơn khi ăn, nên cần bổ sung rau xanh để cân bằng lại quá trình tiêu hóa. Ưu tiên các loại rau nhuận tràng như khoai lang, mùng tơi.

Có một số loại rau có thể kích ứng vết mổ gây ngứa, gây sưng, làm vết mổ lâu lành như rau muống, rau dọc mùng,... Vì vậy bệnh nhân cũng cần nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn các loại rau ăn.

4. Sữa

Khi bạn không còn hứng thú với ăn uống, cộng thêm việc gặp khó khăn khi nhai và nuốt, thì sữa là thực phẩm đáng để quan tâm. Sữa dễ hấp thụ, lại cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Sữa lạnh có thể làm dịu các cơn đau sau phẫu thuật ung thư amidan. Các chế phẩm từ sữa như sữa chua, kem, phô mai, bơ,... cũng khá dễ ăn, khá tiện lợi cho người bệnh.

4. Thịt giúp bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư amidan hồi phục nhanh hơn

Bệnh nhân cần bổ sung protein qua thịt để cơ thể hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên thịt là loại thực phẩm khá dai và khó tiêu hóa. Nên khi chế biến, có thể băm hoặc xay nhỏ thịt để nấu cháo, nấu súp giúp dễ nuốt hơn, không cần nhai nhiều.

Ưu tiên thịt lợn, thịt gà. Tránh các loại như thịt bò, da gà,.. vì chứng có thể gây ngứa, gây mưng mủ vết phẫu thuật amidan, khiến vết mổ lâu lành, và khiến bệnh nhân gặp nhiều khó chịu.

Ngoài việc chú ý ăn uống, bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, nhằm giúp cho vết phẫu thuật ung thư amidan nhanh lành hơn. Sau phẫu thuật cần nói và cười nhẹ, không la hét hay khạc nhổ. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau mỗi lần ăn uống để tránh nhiễm trùng vết mổ. Nghỉ ngơi đầy đủ. Nhớ uống nhiều nước, uống đúng loại thuốc, đúng liều lượng và đúng giờ, tuân thủ nghiêm ngặt theo lời dặn của bác sĩ, và nhớ đi tái khám định kỳ.


Nguồn dịch: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-chat/thread/tonsil-cancer-and-recovery-my-story-so-far

Tác giả: Minh Vy