Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết về bệnh nấm kẽ

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết về bệnh nấm kẽ
Bệnh nấm kẽ không quá nguy hiểm nhưng những tác hại và biến chứng của nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh nấm kẽ để phòng tránh đúng cách.

Thời tiết ẩm ướt vào mùa mưa tạo cơ hội cho các bệnh ngoài da phát triển. Trong đó bệnh nấm kẽ là phổ biến nhất. Nấm kẽ tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến da bong tróc, đau, ngứa khó chịu. Để thoát khỏi căn bệnh phiền toái này, hãy tìm hiểu ngay những thông tin dưới đây để hiểu đúng hơn về căn bệnh này.

1. Bệnh nấm kẽ là gì?

Nấm kẽ là một loại bệnh ngoài da do nấm Epidermophyton floccosum gây ra. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn. Từ người khỏe mạnh đến người có sức đề kháng yếu. Tuy nhiên những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, sức đề kháng yếu sẽ dễ có nguy cơ bị nấm kẽ hơn so với người khỏe mạnh.

Nấm kẽ có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường tiếp xúc. Nó hoàn toàn có thể tái phát trở lại nếu không được điều trị triệt để.

Nấm kẽ thường gây tổn thương cho da ở các kẽ như: bẹn, khoeo chân, kẽ ngón chân, kẽ ngón tay, kẽ tai, kẽ mũi, kẽ cổ, nách, kẽ vú...

Vi nấm gây bệnh có khả năng tiết ra man Keratinase làm tiêu chất sừng, xâm nhập vào bên trong da gây tổn thương. Ngoài ra nó còn gây ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn mãn tính nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Đi tìm nguyên nhân, triệu chứng của nấm kẽ - Ảnh 1.

Hình ảnh nấm kẽ mất thẩm mỹ và gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh - Ảnh Internet

2. Các loại nấm kẽ thường gặp

Bệnh nấm kẽ xuất hiện ở vùng da nào sẽ được đặt tên theo khu vực đó. Dưới đây là một số bệnh nấm kẽ thường gặp.

- Nấm kẽ cổ:

Thường xuất hiện ở giữa các ngấn cổ, nhất là ở những em bé mũm mĩm và trẻ em hay bị trớ. Khi vùng da ở ngấn cổ giãn ra, thường xuất hiện các mảng đỏ sáng, có mùi hôi. Nấm kẽ cổ thường xuất hiện vào mùa hè, không khí ẩm ướt, trẻ em mau ra mồ hôi. Nấm kẽ cổ gây ngứa, rát, khó chịu cho trẻ.

- Nấm kẽ mũi, má, nách:

Triệu chứng ban đầu của nấm da tại kẽ mũi, má, nách là những mảng hồng có viền mờ. Sau đó vùng da bị nhiễm nấm đậm dần lên thành màu đỏ. Bờ tổn thương có giới hạn rõ ràng với vùng da lành.

Vùng da bị nấm thường dấy lên những cơn ngứa nhẹ, sau đó mạnh dần lên. Người bệnh thường có thói quen gãi ngứa khiến da bị xây xước, tổn thương. Vùng da bị trầy xước sẽ chuyển sang giai đoạn tạo vảy, bong ra thành các mảng mịn, nổi mụn nước li ti.

- Nấm kẽ tay:

Biểu hiện ban đầu của nấm kẽ tay thường xuất hiện ở kẽ ngón thứ 3 và 4. Vùng da nhiễm nấm xuất hiện các mụn nước nhỏ, không ngứa. Sau đó các mụn nước vỡ ra, da bong tróc khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Tình trạng bệnh có thể xuất hiện nhiều lần dẫn đến bội nhiễm. Lúc này sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn gây lở loét, nứt da, dịch mủ, sưng đau. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

- Nẫm kẽ bẹn, mông:

Tổn thương do bệnh nấm kẽ ở mông, bẹn thường có tiến triển âm ỉ hơn so với vùng da khác. Tổn thương xuất hiện ở vùng nếp gấp da, bên trong đùi hoặc mông gây ngứa, khó chịu.

Căn bệnh này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do đóng bỉm, tã lót nhiều khiến nấm men candida phát triển. Nấm bẹn, đùi có thể lây sang vùng da khoe chân với biểu hiện tương tự.

- Nấm kẽ chân:

Nấm kẽ chân còn được gọi là nước ăn chân. Đây là bệnh ngoài da thường gặp vào mùa mưa, khi đôi chân tiếp xúc nhiều với nước và luôn ẩm ướt. Nấm kẽ chân có thể gây viêm ở các kẽ ngón chân với triệu chứng nổi mụn nước, mẩn đỏ, chảy dịch, bong da,... Đặc biệt là rất ngứa.

Bệnh nấm kẽ chân thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3 - 4 hoặc kẽ 4 - 5. Sau đó nó lan ra tất cả các kẽ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân,... nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Đi tìm nguyên nhân, triệu chứng của nấm kẽ - Ảnh 1.

Nấm kẽ chân còn được gọi là nước ăn chân, đây là bệnh ngoài da thường gặp vào mùa mưa - Ảnh Internet

3. Các nguyên nhân gây bệnh nấm kẽ

Bệnh nấm kẽ có cơ hội phát triển mạnh vào mùa mưa. Tuy nhiên bên cạnh yếu tố thời tiết chúng ta còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này.

Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ:

Đây là nguyên nhân số một gây ra bệnh nấm kẽ vào mùa mưa. Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, xâm nhập vào cơ thể. Những vùng da khuất như các kẽ ngón chân, cổ, mũi, tai... là môi trường sống lý tưởng của chúng, từ đó gây ra bệnh.

Đi giày và tất chân chật:

Tuyến mồ hôi chân tăng tiết khi chúng ta thường xuyên sử dụng giày. Giày và tất chân chật khiến mồ hôi không thể thoát ra ngoài hình thành môi trường ẩm ướt, nuôi dưỡng vi khuẩn và nấm. Tình trạng này kéo dài dẫn đến các bệnh về da trong đó có nấm kẽ chân.

Hệ miễn dịch bị suy yếu:

Mệt mỏi, Stress kéo dài hoặc mắc các bệnh lý khác khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi hàng rào bảo vệ không còn mạnh mẽ, các vi khuẩn, vi nấm sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh. Thông thường, những người có hệ miễn dịch kém thường có nguy cơ bị bệnh nấm kẽ cao hơn người bình thường. Trẻ em, người cao tuổi, người bị bệnh tiểu đường là những đối tượng dễ mắc bệnh.

Lây nhiễm từ người bệnh:

Bệnh nấm kẽ hoàn toàn có khả năng lây lan từ người sang người. Khi bạn tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung những vật phẩm cá nhân của người bệnh vi nấm từ họ sẽ lây sang cơ thể bạn. Thường xuyên tắm ở bể bơi công cộng, vùng nước bị ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các nguyên nhân khác:

Môi trường bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi, tiếp xúc với chất tẩy rửa không mang đồ bảo hộ, cơ địa nhạy cảm, chế độ ăn uống không khoa học,... đều là những nguyên nhân gây ra bệnh nấm kẽ.

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Đi tìm nguyên nhân, triệu chứng của nấm kẽ - Ảnh 2.

Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân gây bệnh nấm kẽ - Ảnh Internet

4. Các triệu chứng và biến chứng

Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường chứng tỏ bạn đang bị bệnh. Với bệnh nấm kẽ chân dấu hiệu bất thường trên da bắt đầu xuất hiện từ vùng da các kẽ. Sau đó sẽ lan ra toàn bộ các vùng da khác.

- Triệu chứng bệnh nấm kẽ:

Xuất hiện cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở vùng các kẽ.

Vùng da bị tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, đậm màu hơn so với khu vực khác.

Vùng da tổn thương bị đóng vảy, mưng mủ, bong tróc hoặc lở loét.

Sau một thời gian không được chữa trị sẽ xuất hiện tình trạng rỉ nước, nứt da, mưng mủ, chảy máu, gây đau đớn cho người bệnh.

Khi cơ thể bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường trên da, tốt hơn hết là nên đến trung tâm y tế uy tín đề được thăm khám và điều trị đúng bệnh. Nấm kẽ là bệnh thông thường nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

- Biến chứng bệnh:

Ở giai đoạn đầu nấm kẽ chân gây ra các tổn thương ngoài da. Thế nhưng nếu không được điều trị, lâu ngày sẽ gây ra đau đớn, viêm loét nặng. Khi da bị tổn thương chảy máu, dịch mủ sẽ lây lan sang các vùng da lành, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Ngoài ra, với những người có bệnh nền mãn tính, hệ miễn dịch kém bệnh nấm kẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng da và nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm.

5. Phương pháp điều trị bệnh nấm kẽ

Nấm kẽ thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Sử dụng thuốc bôi trong trường hợp nhẹ. Dùng thuốc uống trong trường hợp bệnh nặng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh nấm kẽ hiệu quả.

Thuốc bôi tại chỗ trị bệnh nấm kẽ nhẹ:

Thuốc bôi trị nấm kẽ có tác dụng chống bội nhiễm, kháng sinh, ngăn cản nấm phát triển và lây lan bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là tác dụng nhanh, thời gian điều trị ngắn, ức chế cơn ngứa. Một số loại thuốc bôi thông dụng như: nhóm allylamine, nhóm azole...được ứng dụng rộng rãi.

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Đi tìm nguyên nhân, triệu chứng của nấm kẽ - Ảnh 4.

Thuốc bôi trị nấm kẽ có tác dụng chống bội nhiễm, kháng sinh, ngăn cản nấm phát triển và lây lan bệnh - Ảnh Internet

Sử dụng thuốc uống để trị bệnh nấm kẽ nghiêm trọng:

Đối với các trường hợp bệnh nấm kẽ nặng, cần sử dụng thuốc uống để điều trị. Các thuốc trị nấm thường chuyển hóa qua gan, thải trừ qua thận và đường mật. Do đó cần thận trọng khi sử dụng cho người già, người bị các bệnh suy gan, thận.

Một số loại thuốc uống được sử dụng điều trị như: fluconazole, itraconazole, ketoconazole), nhóm griseofulvin. Ưu điểm của thuốc uống là tiêu diệt mầm bệnh từ sâu bên trong. Ngăn cản quá trình tái phát bệnh.

Nhược điểm của phương pháp này là không phải ai cũng có thể sử dụng. Mỗi loại thuốc đều có chống chỉ định cho một số đối tượng. Đồng thời nó gây ra những tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, dị ứng...cho người bệnh.

Việc điều trị bệnh nấm kẽ không khó và có thể khỏi hoàn toàn sau một thời gian. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc điều trị cần thận trọng, thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ.

Lưu ý khi điều trị bệnh nấm kẽ:

Để việc điều trị bệnh nấm kẽ mang lại hiệu quả tốt nhất bạn nên lưu ý một số điều sau:

Không cần ngâm rửa vùng da bị nấm trước khi bôi thuốc.

Nếu vùng da bị tổn thương chảy nhiều dịch, bám bụi bẩn, dị vật...chỉ cần làm sạch bằng bông, gạch y tế trước khi bôi thuốc.

Bôi thuốc đúng cách, vừa đủ. Chỉ cần bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt da bị tổn thương là đủ. Bởi bôi quá nhiều sẽ gây cảm giác nóng rát, khó chịu và lãng phí thuốc.

Không thể áp dụng cách điều trị nấm ở người lớn với trẻ em, mà cần có phác đồ trị liệu phù hợp với từng đối tượng.

Không dùng chung kem trị nấm với các loại thuốc mỡ. Bởi bốc thuốc không đúng bệnh có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.

Sử dụng thuốc bôi, thuốc uống hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến khi vùng da bị tổn thương khỏi hoàn toàn.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng da bị bệnh.

Khi thấy có dấu hiệu lành bệnh cần tiếp tục bôi thuốc từ 2 - 3 tuần cho đến khi khỏi hẳn để tránh tái phát.

Điều trị bệnh nấm kẽ không khó. Tuy nhiên trong quá trình điều trị bạn nên thận trọng, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh tình trạng bệnh nặng hơn và xuất hiện tác dụng phụ.

Bệnh nấm kẽ có nguy hiểm không? Những thông tin cần biết về bệnh nấm kẽ - Ảnh 6.

Trong quá trình điều trị bạn nên thận trọng, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa - Ảnh Internet

6. Cách phòng tránh bệnh nấm kẽ

Để phòng tránh bệnh nấm kẽ hiệu quả cần thực hiện các biện pháp sau:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống luôn sạch sẽ, khô thoáng.

Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn khi chạm vào môi trường nghi nhiễm nấm hoặc vùng da bị tổn thương.

Giữ gìn vệ sinh vùng nếp kẽ da luôn sạch và khô thoáng.

Không mặc quần áo, đi giày dép chật, ẩm ướt để tránh tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Giặt sạch quần áo, giày dép và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi sử dụng lại.

Tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác để đề phòng bị lây bệnh.

7. Chế độ ăn uống cho người bị nấm kẽ

Người bị bệnh nấm kẽ nên có chế độ ăn uống khoa học để hỗ trợ điều trị tối ưu nhất. Các loại ngũ cốc, thực phẩm chứa Protein cao, các loại rau họ cải và dầu thực vật,... rất tốt cho người bệnh. Một số thực phẩm giàu vitamin A, E có khả năng ức chế sự phát triển của nấm, hỗ trợ tái tạo tế bào, chữa lành tổn thương cũng cần được bổ sung cho thực đơn của người bệnh.

Ngoài ra người bị nấm kẽ cũng cần kiêng các loại thực phẩm tanh, hàm lượng đạm cao như: Hải sản, thịt bò, trứng, thịt gà,... Những loại thực phẩm này có khả năng gây kích ứng da, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo cũng cần được loại bỏ ra khỏi thực đơn của người bệnh. Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có gas,... khiến cơ thể bị mất cân bằng tạo điều kiện cho nấm phát triển. Do đó trong quá trình điều trị bệnh, tuyệt đối không nên sử dụng.



Tác giả: HT