Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm

Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm
Bệnh máu khó đông là gì? đó là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người. Bệnh máu khó đông là một dạng bệnh hiếm gắp nhưng cực kì nguy hiểm. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới và cho đến nay chưa có một loại thuốc đặc trị nào để chữa lành căn bệnh này.

1. Sự đông máu là gì?

Có thể hiểu sự đông máu là một quá trình phức tạp qua đó tạo ra các cục máu đông.

Đông máu là một cơ chế quan trọng trong quá trình cầm máu. Khi thành mạch máu bị tổn thương, máu được cầm nhờ chỗ tổn thương được che phủ bởi cục máu đông chứa tiểu cầu và sợi huyết. Rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và/hoặc tạo cục máu đông và huyết tắc.

Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

Đông máu là một cơ chế quan trọng trong quá trình cầm máu (Nguồn ảnh: vicare)

Cơ chế đông máu được bảo tồn khá chắc trong tiến hóa; ở lớp thú, hệ thống đông máu bao gồm hai thành phần: tế bào (tiểu cầu) và protein (các yếu tố đông máu).

Phản ứng đông máu được kích hoạt ngay sau chấn thương làm tổn hại đến nội mạc mạch máu. Tiểu cầu lập tức tạo nút chặn cầm máu tại vết thương; đây chính là quá trình cầm máu ban đầu. Quá trình cầm máu thứ phát diễn ra đồng thời; các yếu tố đông máu trong huyết tương đáp ứng trong một chuỗi phản ứng để tạo các sợi huyết có vai trò củng cố nút chặn tiểu cầu.

2. Bệnh máu khó đông là gì?

Bệnh máu khó đông là gì? Bệnh máu khó đông có tên khoa học là Hemophilia. Đây là bệnh rối loạn đông máu di truyền do giảm các yếu tố đông máu VIII và IX. Yếu tố VIII hoặc yếu tố IX là các protein quan trọng giúp đông máu. 

Tuy nhiên, khi nồng độ 2 yếu tố này giảm quá thấp sẽ gây nên các rối loạn đông máu. Nếu mắc bệnh Hemophilia, người bệnh có thể bị chảy máu lâu hơn khi bị thương. Những vết thương nhỏ ngoài da không hẳn là vấn đề nhưng nếu bị chảy máu trong cơ thể như ở đầu gối, mắt cá chân và khuỷu tay, chúng có thể ảnh hưởng đến nội tạng và nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 2.

Bệnh máu khó đông có tên khoa học là Hemophilia (Nguồn ảnh: VoThuat.vn)

3. Phân loại các dạng bệnh máu khó đông

Có thể phân loại các dạng bệnh máu khó đông như sau:

- Chứng máu khó đông Hemophilia A: Đây là chứng thường gặp nhất ở các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Người bệnh gặp chứng Hemophilia A hay "ưu chảy máu thể A" sẽ bị thiếu yếu tố VIII, từ đó làm máu khó đông. Người bị mắc chứng máu khó đông dạng này thường là tình trạng bệnh khá nặng. 

- Chứng máu khó đông Hemophilia B: Người mắc chứng Hemophilia B thường còn gọi là bệnh Giáng Sinh, do trong máu của người bệnh thiếu yếu tố IX. Người bị mắc chứng máu khó đông thể B này thường có tình trạng bệnh từ nhẹ, trung bình cho đến nặng. 

- Chứng máu khó đông Hemophilia C: Người bị máu khó đông dạng này thường thiếu yếu tố XI trong máu, số người mắc chứng máu khó đông dạng Hemophilia C thường ít gặp. Đây là dạng khác biệt so với 2 dạng trên và có khả năng gặp ở cả bệnh nhân nam và nữ.

4. Triệu chứng của bệnh máu khó đông

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh máu khó đông khá đa dạng, tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Sau đây là một số triệu chứng của bệnh:

- Chảy máu quá nhiều từ các vết thương hoặc sau phẫu thuật

Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 3.

Triệu chứng của bệnh máu khó đông là xuất hiện các vết bầm tím lớn (Nguồn ảnh: Kênh 14 )

- Chảy máu không rõ nguyên nhân

- Nhiều vết bầm tím lớn

- Chảy máu bất thường sau khi tiêm chủng

- Có máu trong nước tiểu hoặc phân

- Đau hoặc sưng các khớp xương

 5. Nguyên nhân gây bệnh máu khó đông là gì?

Bệnh Hemophilia xảy ra khi các yếu tố VIII hoặc IX bị thiếu. Vì vậy, khi phẫu thuật hoặc các vết thương xuất hiện, người bệnh rất khó cầm máu do lúc này cơ thể không sản xuất đủ các protein để đông máu. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây bệnh máu khó đông (Hemophilia) là do di truyền và bé trai sinh ra có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn bé gái. 

Lý giải cho việc này là do gen sản xuất yếu tố đông máu chỉ nằm ở nhiễm sắc thể X. Nam giới (với bộ nhiễm sắc thể là XY) khi nhận nhiễm sắc thể X bị gen Hemophilia từ mẹ thì chắc chắn sẽ biểu hiện bệnh. Trong khi đó, ở nữ giới (với bộ nhiễm sắc thể XX) sẽ không bị bệnh nếu chỉ có 1 nhiễm sắc thể X mang gen Hemophilia.

6. Điều trị bệnh máu khó đông như thế nào?

Thông thường, bệnh máu khó đông sẽ được chẩn đoán sau khi người bệnh chảy máu bất thường và gặp khó khăn trong khi cầm máu. Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để tìm nồng độ của yếu tố VIII và yếu tố IX. Đôi khi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên gặp các chuyên gia huyết học để có được sự chẩn đoán chính xác nhất.

Bệnh máu khó đông là gì? Nguyên nhân và triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 4.

Chưa có bất kì loại thuốc nào giúp điều trị dứt điểm bệnh máu khó đông (Nguồn ảnh: Hello bác sĩ)

Việc điều trị bệnh máu khó đông bao gồm thay thế các yếu tố đông máu hoặc dùng thuốc. Để tránh thương tật, bạn cần ngăn chặn việc chảy máu ở cơ và xương càng sớm càng tốt và đôi khi cần phải phẫu thuật nếu cơ hoặc khớp đã bị tổn thương. 

Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ truyền yếu tố đông máu cho bạn. Các thuốc như desmopressin hoặc axit aminocaproic có thể được sử dụng trong trường hợp nhẹ. Ngoài ra, cần phải kiểm tra và xét nghiệm cẩn thận loại máu được tiếp nhận để tránh mắc phải các bệnh lây nhiễm như HIV,…

Tác giả: Lan Dương