Chị P.N. (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa con gái 1 tuổi nhập viện trong tình trạng bé sốt cao, quấy khóc nhiều, bỏ ăn, sút cân nhanh. Sau khi tới gặp bác sĩ, bé được chẩn đoán đã mắc bệnh tay chân miệng. Sau khi được chỉ định chọc tủy xét nghiệm, kết quả là bé bị viêm màng não do biến chứng tay chân miệng và đang được điều trị tích cực.
Chị N. chia sẻ, nguyên nhân khiến bệnh tình của con gái chị nặng hơn có thể là do thói quen hôn vào môi và mớm cơm cho bé của chị. Các bác sĩ khuyến cáo, trong nước bọt của người lớn có thể chứa nhiều loại mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, những hành động tưởng như vô hại này lại là nguyên nhân khiến trẻ nhiễm các loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp này.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, xét về mặt lý thuyết, tất cả các loại mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp đều có thể lây lan qua các chất dịch mũi, họng hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp (ít phổ biến hơn) như hôn môi, mớm cơm,...
Hôn môi trẻ làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây lan qua đường hô hấp (Ảnh: Internet)
Một trong các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến nhất là bệnh do virus Herpes, gây ra các nốt mụn nước , viêm loét dạng herpes trên da hoặc vùng bán niêm mạc. Ngoài ra, sau khi virus herpes xâm nhập, chúng có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể suốt đời, tới khi có điều kiện thuận lợi thì tái hoạt động và gây ra chốc mép, zonar, thậm chí là viêm não do herpes.
Đặc biệt, virus cytomegalo (CMV) thuộc nhóm Herpes là loại virus có khả năng lây lan mạnh thông qua các chất dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu,... và tồn tại rất lâu trong cơ thể.
Bệnh do CMV gây ra thường không quá nghiêm trọng, tuy nhiên phụ nữ mang thai nhiễm virus này có thể gây rối loạn phát triển ở thai nhi. Ngoài ra, những người có sức đề kháng không tốt bị nhiễm CMV có thể gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng hoặc các tổn thương ở phổi, gan...
Nước bọt cũng là một đường lây bệnh hô hấp phổ biến (Ảnh: Internet)
Virus RSV là tác nhân chính gây viêm phổi và viêm tiểu phế quản ở trẻ em, phổ biến nhất ở trẻ 2 đến 5 tháng tuổi. Virus này rất phổ biến, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bệnh trước lúc 2 tuổi. Bệnh thường xảy ra thành dịch vào đông và đầu xuân với 40% trẻ bị mắc bệnh sau lần tiếp xúc đầu tiên.
Trẻ sau khi bị mắc virus RSV sẽ có những triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường như: ho, ngạt mũi, sổ mũi, đau họng, đau tai và sốt. Khi bệnh tiến triển thành viêm tiểu phế quản, viêm phổi sẽ đi kèm với những triệu chứng như: thở khò khè, khó thở hoặc thở nhanh, ho ngày càng nặng, bơ phờ và thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Vừa qua một trường hợp tại Hoàng Mai, Hà Nội, một bé sinh năm 2013 bị xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày. Kết quả xét nghiệm bé dương tính với vi khuẩn HP. Nguyên nhân bởi bà nội bé có tiền sử bị bệnh dạ dày, thường mớn cơm cho cháu từ nhỏ. Chỉ vì thói quen yêu thương phản khoa học của người lớn mà bây giờ cháu phải điều trị HP rất gian khổ và khó khăn.
70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi dễ bị lây nhiễm nhất. Trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa thực sự hoàn chỉnh nên nguy cơ bị lây nhiễm cao. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày, có thể dẫn đến viêm dạ dày mãn tính, dẫn đến ung thư dạ dày. Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm khá cao, nhưng đa số các trường hợp không có biểu hiện triệu chứng hay biến chứng nào trên đường tiêu hoá. Vậy nên, một người trông khoẻ mạnh bình thường cũng có thể lây vi khuẩn HP cho trẻ nếu họ bị nhiễm từ trước đó mà không biết.
Bên cạnh việc từ bỏ những thói quen vô tình làm nhiễm bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để phòng các loại bệnh này một cách hiệu quả.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bàn tay luôn sạch để loại trừ lượng virus gây bệnh, làm giảm thiểu nguy cơ các loại mầm bệnh này xâm nhập vào cơ thể.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất để cải thiện sức đề kháng và hệ miễn dịch, tiêm chủng đầy đủ.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bàn tay để phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp (Ảnh: Internet)
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là đường hô hấp trong điều kiện thời tiết lạnh. Không nên mặc quá nhiều hoặc quá ít quần áo, khi sử dụng điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp hoặc chênh lệch nhiều với nhiệt độ bên ngoài.
- Đeo khẩu trang kháng khuẩn để cách ly với mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với hơi nóng, hơi lạnh, khí độc hoặc người mắc các loại bệnh này. Bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp cũng nên đeo khẩu trang dự phòng vì virus có thể theo hơi thở, nước bọt "bắn" sang người đối diện và làm bệnh lây lan rộng.