Phác đồ điều trị tiểu đường type 1

Phác đồ điều trị tiểu đường type 1
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo sử dụng các phương pháp dựa trên công nghệ theo cá nhân và nhóm, để cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ tự kiểm soát đái tháođường có hiệu quả. Phương pháp này có thể được sử dụng cho người lớn, cũng như trẻ em và trẻ vị thành niên.

Trong ngắn hạn, Insulin có thể cứu sống bệnh nhân vì nó ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan Ceton do đái tháo đường, một tình trạng có khả năng đe dọa đến tính mạng. Mục tiêu dài hạn của điều trị bằng Insulin là phòng ngừa các biến chứng mạn tính bằng cách duy trì mức Glucose trong máu càng gần mức bình thường càng tốt.

Thông thường, các mục tiêu HbA1C (Haemoglobin được Glycosyl hóa) giúp xác định mức độ tích cực của điều trị và thường phải cá thể hóa. Các khuyến cáo hiện tại đề nghị HbA1C mục tiêu <59 mmol/mol (7,5%) đối với bệnh nhân <18 tuổi mắc đái tháo đường type 1 và <53 mmol/mol (<7%) đối với bệnh nhân người lớn. 

Các mục tiêu ít nghiêm ngặt hơn có thể phù hợp với trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người có tiền sử bị hạ đường huyết trầm trọng và những người có tuổi thọ thấp, những biến chứng vi mạch hoặc mạch máu lớn tiến triển hoặc bệnh lý kèm theo.

Kiểm soát chỉ số đường huyết tốt ở đái tháo đường type 1 đòi hỏi phải chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể dục và liệu pháp Insulin. Tất cả 3 thành phần phải được kết hợp để kiểm soát lý tưởng. Tự theo dõi nồng độ Glucose trong máu (SMBG) là thành phần cốt lõi của kiểm soát chỉ số đường huyết tốt.

Bệnh nhân tiêm nhiều lần hàng ngày nên xem xét SMBG trước bữa ăn, thỉnh thoảng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ, và trước khi tập thể dục, để đánh giá sự hiện diện và điều trị hạ đường huyết thích hợp và trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào khiến hạ đường huyết có thể có những hậu quả đặc biệt nguy hiểm. Một số bệnh nhân sẽ cần phải kiểm tra nồng độ Glucose trong máu từ 6 đến 10 lần mỗi ngày. Khi công nghệ theo dõi glucose liên tục (CGM) tiếp tục cải thiện, các chỉ định sử dụng công nghệ có khả năng sẽ gia tăng. Hiện nay, công nghệ này được xem là giúp cải thiện kiểm soát chỉ số đường huyết ở bệnh nhân >18 tuổi.

Tuy nhiên, việc sử dụng CGM tiết kiệm chi phí hoặc hiệu quả nhất là khi nhắm đến những người mắc đái tháo đường type 1 không biết bị hạ đường huyết, hạ đường huyết thường xuyên hoặc tiếp tục kiểm soát kém trong khi điều trị bằng Insulin tăng cường và những người thường xuyên sử dụng CGM. Yếu tố hạn chế kiểm soát chỉ số đường huyết chặt chẽ ở đái tháo đường type 1 là hạ đường huyết. Kiếm soát huyết áp và Lipid tốt và tránh hút thuốc là những thành phần thiết yếu của việc giảm nguy cơ tim mạch.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo sử dụng các phương pháp dựa trên công nghệ theo cá nhân và nhóm, để cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ tự kiểm soát đái tháođường có hiệu quả. Phương pháp này có thể được sử dụng cho người lớn,  cũng như trẻ em và trẻ vị thành niên.

Chế độ ăn uống và tập thể dục

Không có lời khuyên tiêu chuẩn nào về chế độ ăn uống phù hợp cho tất cả những cá nhân mắc đái tháo đường. Tư vấn dinh dưỡng điều chỉnh cho từng cá nhân nên dựa trên các sở thích cá nhân và văn hoá, khả năng đọc hiểu thông tin sức khỏe và hiểu con số về sức khỏe, tiếp cận các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và sự sẵn sàng và khả năng thay đổi hành vi.

Điều này cũng giải quyết rào cản đối với sự thay đổi. Tất cả bệnh nhân mắc đái tháo đường cần được điều trị dinh dưỡng một cách cá thể hóa, tốt nhất là được thực hiện bởi chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký hành nghề có kinh nghiệm trong việc cung cấp loại hình trị liệu này cho bệnh nhân đái tháo đường. 

Đếm lượng Carbohydrate hoặc nạp Carbohydrate nhất quán về thời gian và lượng có thể cải thiện khả năng kiểm soát chỉ số đường huyết. Insulin tác dụng nhanh có thể làm cho thời gian của các bữa ăn ít quan trọng hơn trước đây, nhưng các bữa ăn thường xuyên vẫn còn quan trọng.

ADA khuyến cáo bệnh nhân nên tập thể dục 150 phút/tuần với mức độ vừa phải-mạnh (tăng 50-70% nhịp tim tối đa) trong ít nhất 3 ngày mỗi tuần và thời gian không tập thể dục không được quá 2 ngày liên tiếp. Lượng Carbohydrate nạp vào và liều Insulin trước khi tập thể dục có thể được kiểm soát hiệu quả để tránh hạ đường huyết trong khi tập thể dục và chơi thể thao. 

Nên sử dụng đánh giá lâm sàng để xác định sàng lọc những cá nhân không biểu hiện triệu chứng bệnh động mạch vành trước khi đề xuất một chương trình tập thể dục. Ví dụ: nên làm nghiệm pháp gắng sức trước khi bắt đầu chương trình khi chỉ định bài tập đi bộ nhanh cho những người ngồi nhiều có nguy cơ mắc biến cố mạch vành trong 10 năm từ 10% trở lên theo thang điểm Framingham.

Những điều sau đây cần được đánh giá trước khi bắt đầu chương trình tập thể dục: tuổi tác; tình trạng thể chất; huyết áp; và mắc hoặc không mắc bệnh thần kinh tự miễn hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh võng mạc tiền tăng sinh hoặc tăng sinh hoặc phù hoàng điểm. Tập luyện nặng có thể chống chỉ định với chứng võng mạc do đái tháo đường tăng sinh hoặc tiền tăng sinh nặng. 

Tập thể dục không dùng tạ có thể được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh ngoại biên nặng. Insulin nên được điều chỉnh để tránh hạ đường huyết, tình trạng này có thể xảy ra tối đa 24 giờ sau khi tập thể dục. Điều này có thể đòi hỏi phải giảm liều Insulin vào những ngày dự kiến tập thể dục. Nên dùng một bữa ăn nhẹ chứa Carbohydrate khi bắt đầu tập thể dục nếu lượng đường trong máu <5,6 mmol/L (<100 mg/dL).

Nên ngừng việc ngồi liên tục 30 phút bằng các đợt hoạt động thể chất ngắn. Một bản đồng thuận hướng dẫn cách bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 có thể tập thể dục và kiểm soát nồng độ glucose một cách an toàn.

Bắt đầu dùng Insulin

Phải bắt đầu điều trị tăng cường bằng Insulin ngay sau khi chẩn đoán. Không giống các phác đồ trước dùng liều Insulin không sinh lý, điều trị tăng cường nhằm bắt chước quá trình giải phóng Insulin một cách sinh lý bằng cách kết hợp Insulin cơ bản với tiêm một liều nhanh vào giờ ăn. Cả truyền liên tục bằng bơm Insulin lẫn phác đồ tiêm nhiều liều hàng ngày (MDI) đều có thể giúp điều trị tăng cường.  Lựa chọn truyền liên tục hay MDI dựa trên sở thích của bệnh nhân và khả năng tự kiểm soát cũng như lựa chọn của bác sĩ, vì kết quả thường giống nhau. 

Truyền Insulin sử dụng Insulin tác dụng ngắn hoặc tác dụng nhanh với tốc độ tiêm Insulin cơ bản và một liều nhanh vào bữa ăn. Tuy nhiên, bệnh nhân hoặc cha mẹ vẫn phải đo lượng Glucose trong máu thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc nhằm cung cấp lượng Insulin thích hợp. Truyền Insulin có thể giảm tình trạng hạ đường huyết, đặc biệt là khi kết hợp với các hệ thống theo dõi Glucose liên tục (CGMS) và các tính năng ngưng ngưỡng, và cải thiện HbA1C, đồng thời có độ linh hoạt cao hơn.  

Để sử dụng truyền Insulin hiệu quả, đòi hỏi bệnh nhân phải có động lực và được gia đình hỗ trợ mạnh mẽ (đối với trẻ em) và tiếp cận với các bác sĩ hành nghề được huấn luyện về liệu pháp điều trị này. Phác đồ MDI sử dụng Insulin tác dụng kéo dài (insulins Glargine, Detemir hoặc Degludec) hoặc Insulin tác dụng trung bình (NPH) liều cơ bản kết hợp với Insulin tác dụng nhanh (insulin Lispro, Aspart hoặc Glulisine) hoặc tác dụng ngắn với liều nhanh. 

Phác đồ này có thể được thiết kế dựa trên lựa chọn của bác sĩ và bệnh nhân và được sửa đổi dựa trên kết quả đường máu mao mạch.` Insulin Analog có tốt hơn Insulin Regular hay không trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết ngắn hạn hoặc giảm biến chứng vẫn còn là vấn đề tranh cãi.

Trước đây, nhiều bệnh nhân được kiểm soát bằng cách tiêm hai lần mỗi ngày hỗn hợp Insulin tác dụng nhanh và Insulin tác dụng trung bình. Có thể sử dụng phác đồ này nếu bệnh nhân không thể tuân thủ MDI, nhưng đây không còn là khuyến cáo đầu tiên cho mục đích kiểm soát do thiếu linh hoạt.

Thiết kế một phác đồ

Tổng liều Insulin ban đầu hàng ngày ở người lớn có thể từ 0,2 đến 0,4 đơn vị/kg/ngày. Ở trẻ em, liều hàng ngày ban đầu là 0,5 đến 1 đơn vị/kg/ngày, và trong giai đoạn dậy thì yêu cầu có thể tăng lên 1,5 đơn vị/kg/ngày. 

Thông thường, khi bắt đầu dùng Insulin lần đầu tiên, bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 sẽ trải qua giai đoạn tuần trăng mật, trong thời gian đó họ chỉ cần 10 hoặc 15 đơn vị/ngày. Một nửa tổng liều được cung cấp dưới dạng Insulin cơ bản và một nửa theo liều nhanh. 

Liều nhanh được chia ra và cho dùng trước bữa ăn. Bệnh nhân cần phải tự theo dõi nồng độ Glucose trong máu. Liều Insulin có thể được điều chỉnh 2 đến 3 ngày một lần để duy trì nồng độ đường huyết mục tiêu. Để đạt được mức HbA1C <53 mmol/mol (<7%), mục tiêu Glucose trong máu trước bữa ăn là 4,4 đến 7,2 mmol/L (80 đến 130 mg/dL) và mục tiêu Glucose sau bữa ăn (1-2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn) dưới 10,0 mmol/L (180 mg/dL).

Phương pháp đơn giản nhất để đáp ứng yêu cầu Insulin trong giờ ăn là đề xuất một loạt liều khác nhau, chẳng hạn như 4 đơn vị cho một bữa ăn nhỏ, 6 đơn vị cho một bữa ăn cỡ vừa và 8 đơn vị cho một bữa ăn lớn hơn. 

Để có thể linh hoạt hơn về hàm lượng Carbohydrate trong bữa ăn, Insulin trước bữa ăn có thể được tính dựa trên lượng Carbohydrate ước tính trong bữa ăn và tỷ lệ Insulin/Carbohydrate riêng của bệnh nhân. Một phương pháp bắt đầu đơn giản là sử dụng một đơn vị Insulin cho mỗi 15 g Carbohydrate trong bữa ăn. 

Bệnh nhân có thể sử dụng hàm lượng Carbohydrate trong mỗi khẩu phần được liệt kê trên bao bì thực phẩm để đánh giá số gam trong bữa ăn dự kiến của họ, nhưng để tính lượng Carbohydrate đúng nhất thì cần có sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng. Có thể điều chỉnh tỷ lệ Insulin/Carbohydrate bằng cách sử dụng nhật ký thực phẩm và đo Glucose trong máu sau bữa ăn 2 giờ đồng hồ.

Một liều điều chỉnh có thể được bổ sung vào Insulin nhanh dựa trên nồng độ Glucose trong máu trước bữa ăn. Liều lượng điều chỉnh có thể được tính như sau khi tổng liều Insulin hàng ngày (TDD) của bệnh nhân và lượng thức ăn nạp vào ổn định: 1800/TDD = điểm dự kiến giảm Glucose trong máu cho mỗi đơn vị insulin tác dụng nhanh. Ví dụ: nếu TDD là 40 đơn vị Insulin, 1800/40 = 45 điểm giảm cho mỗi đơn vị Insulin.

Ví dụ về liều lượng điều chỉnh dựa trên nồng độ Glucose trước bữa ăn và phép tính trên:

- 2,2 đến 4,9 mmol/L (45-90 mg/dL): trừ đi 1 đơn vị Insulin bữa ăn

- 5 đến 7,4 mmol/L (91-135 mg/dL): thêm 0 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 7,5 đến 9,9 mmol/L (136-180 mg/dL): thêm 1 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 9,9 đến 12,4 mmol/L (181-225 mg/dL): thêm 2 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 12,4 đến 14,5 mmol/L (226-270 mg/dL): thêm 3 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 14,5 đến 17,3 mmol/L (271-315 mg/dL): thêm 4 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 17,4 đến 19,8 mmol/L (316-360 mg/dL): thêm 5 đơn vị Insulin điều chỉnh

- 19,8 đến 22,3 mmol/L (361-405 mg/dL): thêm 6 đơn vị Insulin điều chỉnh

-  >22,3 mmol/L (>405 mg/dL): thêm 7 đơn vị Insulin điều chỉnh; cần tìm kiếm trợ giúp y tế.

Con số được sử dụng để tính toán liều điều chỉnh có thể thấp ở mức 1500 hoặc cao ở mức 2200. Không có khuyến cáo cụ thể để xác định con số này. Nhìn chung, nên sử dụng con số thấp cho bệnh nhân béo phì, kháng Insulin và nên sử dụng con số cao cho bệnh nhân gầy, nhạy cảm với Insulin.

Có thể thêm liều điều chỉnh này vào yêu cầu Insulin bữa ăn của bệnh nhân (cho dù dựa trên mức bữa ăn thông thường hay lượng Carbohydrate) và cung cấp liều này dưới dạng tổng liều tiêm nhanh.

Liệu pháp bơm sử dụng một khái niệm tương tự như cho dùng liều cơ bản và liều tiêm nhanh và không đòi hỏi phải tiêm Insulin nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi nồng độ Glucose trong máu từ 4 đến 7 lần/ngày. Có một số bằng chứng cho thấy liệu pháp bơm Insulin có thể liên quan đến việc cải thiện khả năng kiểm soát chỉ số đường huyết và giảm nguy cơ hạ đường huyết, bao gồm cả trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên. Do phải theo dõi và điều chỉnh liều lượng, bệnh nhân chọn dùng liệu pháp bơm phải có kỹ năng tự kiểm soát tiểu đường và có thể kiểm soát và khắc phục sự cố với các thành phần bơm khác nhau.

Bơm insulin sử dụng một cổng tiêm insulin dưới da. Cổng được thay đổi 3 ngày một lần và có thể giúp giảm lo âu và giúp kiểm soát chỉ số đường huyết tốt hơn ở những bệnh nhân được chọn.

CGMS đo nồng độ glucose dịch kẽ dưới da 5 phút một lần. CGMS có thể được chỉ định cho những bệnh nhân được lựa chọn có nồng độ Glucose dao động mạnh hoặc không biết bị hạ đường huyết. Hệ thống theo dõi Glucose 3 ngày bằng CGMS có thể giúp bác sĩ điều chỉnh liều Insulin. CGMS thời gian thực, được bệnh nhân mang thường xuyên, có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát chỉ số đường huyết.

Các cảm biến Glucose được sử dụng trong CGMS không đáng tin cậy ở các phạm vi Glucose thấp hơn và do đó không loại bỏ được việc cần phải chích ngón tay. Hiện đang phát triển các hệ thống này.

CGMS cũng ít chính xác hơn phương pháp theo dõi Glucose trong máu tại mao mạch truyền thống. Tuy nhiên, các phương pháp này cung cấp thông tin về xu hướng Glucose, cung cấp các báo động để cảnh báo bệnh nhân sắp bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết và giảm các đợt hạ đường huyết. Bơm Insulin có cảm biến Glucose được tích hợp vào cùng một thiết bị được gọi là bơm Insulin tăng cường bằng cảm biến.

Chức năng giữa cảm biến và bơm đã được tích hợp trong một thiết bị sẵn có; việc phân phối Insulin có thể được xác định tự động dựa trên nồng độ Glucose cảm nhận được. Các thiết bị tích hợp này sử dụng một thuật toán điều khiển bằng máy tính để tạo ra một hệ thống phân phối Insulin vòng kín, hoạt động như một tuyến tụy nhân tạo. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các hệ thống như vậy đã được chứng minh có khả năng giảm nguy cơ hạ đường huyết ban đêm và cải thiện khả năng kiểm soát Glucose. Số lượng sử dụng cảm biến và bơm tăng cường bằng cảm biến đang ngày càng tăng và ngày càng được các nhà cung cấp bảo hiểm tại Hoa Kỳ bồi hoàn.

Hạ đường huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất và có khả năng là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của liệu pháp Insulin, vì tình trạng này có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, lú lẫn, co giật và hôn mê. Cần cố gắng phát hiện các đợt hạ đường huyết tại mỗi lần khám và nỗ lực xác định các yếu tố gây ra tình trạng này và tăng khả năng bệnh nhân nhận biết và điều trị một cách hợp lý. Insulin bán chậm trong giờ ăn tối là nguyên nhân thường gặp của hạ đường huyết ban đêm có triệu chứng và không có triệu chứng, và có thể được dùng trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả tối đa gần bằng tăng Cortisol vào sáng sớm.

Mục tiêu không đạt

Nếu đường huyết chưa được kiểm soát thích hợp khi đánh giá bằng chỉ số HbA1C hoặc có những đợt hạ đường huyết, cần phải kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và chế độ Insulin của bệnh nhân. Trẻ em và trẻ vị thành niên có thể có thói quen ăn uống thất thường hoặc ăn vặt thường xuyên. Tham vấn chuyên gia dinh dưỡng là một phần vô giá của phương pháp điều trị, vì bệnh nhân có thể học cách tính lượng Carbohydrate và điều chỉnh Insulin trước bữa ăn để cho phép linh hoạt trong thành phần của bữa ăn và hoạt động.

Tăng đường huyết nhất quán có thể đòi hỏi tăng insulin cơ bản. Tăng đường huyết trước bữa ăn và sau bữa ăn có thể do hàm lượng insulin không đủ cho bữa ăn gần nhất và có thể được giải quyết bằng cách xem xét hàm lượng carbohydrate trong bữa ăn, đánh giá lượng nạp carbohydrate của bệnh nhân và liều lượng insulin trước bữa ăn tiếp theo. Nếu bệnh nhân đang dùng Insulin Regular, thay thế Insulin này bằng insulin tác dụng nhanh có thể giúp giảm thay đổi nồng độ Glucose sau bữa ăn.

Các tình trạng khác góp phần gây nên đái tháo không ổn định và cùng tồn tại với đái tháo đường thường gặp nhất bao gồm bệnh Coeliac, bệnh tuyến giáp, bệnh Addison và căng thẳng về tâm lý xã hội. Bệnh Coeliac, bệnh tuyến giáp và căng thẳng về tâm lý xã hội cần được sàng lọc vào lúc chẩn đoán và lặp lại thường xuyên, nếu có nhiều nghi ngờ trên lâm sàng thì cần sàng lọc ngay bệnh Addison và thiếu máu ác tính.

Các đợt hạ đường huyết xảy ra với tần suất khác nhau ở các bệnh nhân. Bệnh nhân nên kiểm tra Glucose trong máu vào lúc 3 giờ sáng nếu có lo ngại về nguy cơ hạ đường huyết ban đêm. Hạ đường huyết ban đêm có thể gây phản ứng tăng đường huyết dội ngược vào buổi sáng. Cần giảm liều Insulin cơ bản để tránh hạ đường huyết ban đêm. Ăn nhẹ trước khi ngủ không phải là cách hiệu quả để giảm nguy cơ hạ đường huyết ban đêm.[60] Đồ uống có cồn có thể gây hạ đường huyết cấp tính, nhưng cả đồ uống có cồn lẫn tập thể dục đều có thể làm chậm tình trạng hạ đường huyết (đến 24 giờ).

- Phương pháp điều trị không sử dụng Insulin

Pramlintide được chỉ định làm phương pháp điều trị hỗ trợ ở bệnh nhân tăng đường huyết sau bữa ăn mà không thể kiểm soát bằng mỗi Insulin trước bữa ăn. Ví dụ: thuốc này có thể hữu ích ở bệnh nhân có nồng độ Glucose sau bữa ăn cao, nhưng hạ đường huyết chậm khi tăng Insulin trước bữa ăn.

Liệu pháp điều trị người mắc đái tháo đường type 1 cũng bao gồm khám mắt định kỳ, chăm sóc bàn chân, điều trị rối loạn Lipid máu và kiểm soát huyết áp.

Người lớn bị đái tháo đường type 1 có nguy cơ mắc trầm cảm lâm sàng gấp 3 lần so với những người không mắc đái tháo đường type 1. [61] Tỷ lệ hiện mắc trầm cảm ở bệnh đái tháo đường cao hơn ở phụ nữ (28%) so với nam giới (18%). [62] Nguy cơ cũng cao hơn ở trẻ vị thành niên, vào lúc chẩn đoán, hoặc khi có thay đổi tình trạng bệnh. [63] Khám sàng lọc tâm lý xã hội và hỗ trợ có thể giúp cải thiện tình trạng trầm cảm và nâng cao khả năng tự chăm sóc cho cá nhân và gia đình.

- Mang thai

Con của phụ nữ mắc đái tháo đường có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh nặng và sẩy thai. Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường trước khi thụ thai làm giảm nguy cơ này. Vì vậy, cần kết hợp tư vấn trước khi thụ thai trong lần thăm khám lâm sàng đái tháo đường định kỳ cho tất cả phụ nữ có khả năng sinh đẻ. Phụ nữ mắc đái tháo đường type 1 nên sử dụng phương pháp tránh thai hiệu quả cho đến khi họ có kế hoạch mang thai. ADA khuyến cáo HbA1C nên <48 mmol/mol (<6,5%) trước khi thụ thai nếu điều này có thể đạt được mà không hạ đường huyết. Phụ nữ cũng nên được đánh giá trước khi mang thai về bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh và các bệnh tim mạch có thể xảy ra, hoặc có thể trầm trọng hơn trong khi mang thai hoặc gây biến chứng trong thai kỳ.

Ngoài các biến chứng đã nêu trên, trẻ nhũ nhi của các bà mẹ mắc đái tháo đường có tăng đường huyết có nguy cơ mắc chứng thai nhi quá lớn và suy nhược ở trẻ sơ sinh. Tiền sản giật cũng phổ biến hơn ở bà mẹ mang thai mắc đái tháo đường. Nồng độ đường huyết bình thường hoặc nồng độ đường huyết gần bình thường làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Trong thời gian mang thai, phụ nữ cần được một nhóm các bác sĩ thuộc chuyên khoa khác nhau chăm sóc bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, người hướng dẫn điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa nội tiết và bác sĩ khoa sản.

Tất cả phụ nữ mang thai cần soi đáy mắt ngay trước hoặc vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Phụ nữ mắc đái tháo đường có nguy cơ cao sinh trẻ nhũ nhi bị khuyết tật ống thần kinh so với dân số nói chung và cần bổ sung Axit Folic trước và trong khi mang thai. Cần ngừng dùng Statin, thuốc ức chế men chuyển Angiotensin và thuốc chẹn thụ thể angiotensin-II trước khi thụ thai. Cần bắt đầu điều trị Insulin tăng cường với MDI hoặc bơm Insulin. Các Insulin thường được sử dụng trong thai kỳ bao gồm NPH, detemir, thông thường, lispro và aspart. Sử dụng CGM trong thai kỳ có thể giúp cải thiện kiểm soát chỉ số đường huyết và hậu quả ở trẻ sơ sinh.

Không có các thử nghiệm ngẫu nhiên lớn chứng minh độ an toàn của Insulin glargine ở những bệnh nhân mang thai mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, Insulin Glargine đã được sử dụng an toàn ở nhiều bệnh nhân trong thời kỳ mang thai, mặc dù đó là đây là thuốc thuộc nhóm C theo quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Thuốc này có thể được coi là lựa chọn thứ hai sau NPH hoặc Insulin Detemir với vai trò là một Insulin cơ bản trong thai kỳ vì có ít dữ liệu giám sát an toàn dài hạn. 

Có rất ít dữ liệu so sánh kết quả của truyền Insulin dưới da liên tục so với việc tiêm Insulin nhiều lần hàng ngày cho phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường. Các hướng dẫn của ADA khuyến cáo mục tiêu Glucose trong máu sau đây ở phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường type 1 có trước đó (giống như đối với đái tháo đường khi mang thai): <5,3 mmol/L (<95 mg/dL) khi đói và ≤7,8 mmol/L (≤140 mg/dL) 1 giờ sau bữa ăn hoặc ≤6,7 mmol/L (≤120 mg/dL) 2 giờ sau bữa ăn, với mục tiêu HbA1C được cá nhân hóa từ <42 đến <48 mmol/mol (<6% đến <6,5%) hoặc lên đến <53 mmol/mol (<7%) khi cần thiết để phòng ngừa hạ đường huyết.

ADA khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường tuýp 1 từ trước cần xem xét dùng Aspirin liều thấp hàng ngày bắt đầu vào cuối giai đoạn 3 tháng đầu để giảm nguy cơ tiền sản giật.

Bệnh kết hợp

Các khuyến cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và kiểm soát các bệnh kết hợp. Danh sách bệnh kết hợp với đái tháo đường hiện nay bao gồm các bệnh tự miễn, HIV, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi ăn uống và bệnh tâm thần trầm trọng.


>Một số loại trái cây giúp giảm đường huyết, tốt cho người mắc tiểu đường

Tác giả: MN