Bệnh ho là gì? 10 điều cần biết về bệnh ho

Bệnh ho là gì? 10 điều cần biết về bệnh ho
Ho rất phổ biến, ai cũng từng ho nhiều lần trong đời. Bệnh ho đôi khi đơn giản chỉ là giúp làm sạch cổ họng. Nhưng đôi khi ho cũng cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vậy khi nào là ho thông thường, và khi nào là ho tiềm ẩn nguy hiểm?

1. Bệnh ho là gì?

Ho là một phản xạ có điều kiện của cơ thể, xảy ra đột ngột khi đường hô hấp bị kích thích. Ho sẽ giúp loại bỏ chất bài tiết, dị vật, chất kích thích, tác nhân gây bệnh,... ra khỏi đường thở.

Quá trình ho diễn ra qua 3 giai đoạn: hít không khí vào, ép hơi thở vào thanh môn đang đóng kín, không khí từ phổi thoát mạnh ra ngoài sau khi thanh môn mở ra kèm theo âm thanh đặc trưng.

2. Phân loại

2.1. Phân loại theo thời gian bị ho

- Ho cấp tính:

Các cơn ho xảy ra đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn và biến mất. Bệnh ho cấp tính chỉ kéo dài tối đa 3 tuần.

Nguyên nhân gây ho cấp tính phổ biến nhất là do cảm lạnh. Ngoài ra còn do bệnh nhân hít phải bụi bẩn, dị nguyên gây kích thích cổ họng. Ho cấp tính cũng có thể là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, phù phổi,....

- Ho bán cấp:

Bệnh ho bán cấp kéo dài trong 3 - 8 tuần, thường do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng phổi khác kéo dài hơn bình thường.

Ho bán cấp có thể tự hết, nhưng cũng có thể cần điều trị. Nếu bạn ho bị hụt hơi, ho ra máu, ho kèm sốt, bạn bị sụt cân hoặc đang mắc các bệnh hô hấp khác thì nên đến bệnh viện để được điều trị. Thông thường bác sĩ sẽ chụp X-quang ngực và đo phế dung để xác định nguyên nhân gây ho, sau đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

- Ho mãn tính:

Là tình trạng ho kéo dài trên 2 tháng mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ho mãn tính thường được gây ra do tiếp xúc thường xuyên với chất làm khó chịu đường thở, dị ứng, hen suyễn, khói thuốc lá, trào ngược axit, lao, ung thư phổi,....

Ảnh 2.

Ho mãn tính kéo dài là biểu hiện của hen suyễn (Ảnh: Internet)

Bệnh ho mãn tính cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị có thể là sử dụng thuốc giảm ho, hoặc điều trị bệnh lý nguyên nhân.

2.2. Phân loại bệnh ho theo biểu hiện lâm sàng

- Ho khan:

Là ho không có đờm nhầy dù ho nhiều và kéo dài. Ho khan thường kèm theo các triệu chứng khác như đau rát họng, mất giọng, khó thở, thở khò khè.

Nguyên nhân gây ra ho khan thường là dị ứng, nhiễm virus, hít thở phải khói bụi, bị hen suyễn, bị trào ngược axit, ung thử phổi, tràn khí phổi.

- Ho có đờm:

Là tình trạng ho có bật đờm ra khỏi cổ họng. Triệu chứng kèm theo có thể là sổ mũi, mệt mỏi, luôn có cảm giác bị vướng ở cổ. Đây là phản xạ giúp đẩy các tác nhân gây bệnh ra khỏi đường hô hấp. 

Nguyên nhân có thể là do cảm cúm, viêm xoang, hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi,....

- Ho gà:

Là ho dữ dội không kiểm soát được trong thời gian ngắn. Trong lúc ho thì tiếng hít thở nghe như tiếng gà gáy, mặt đỏ, mắt sưng và chảy nước mắt, môi tím tái. Triệu chứng kèm theo là đau tức ngực, đau rát cổ họng, mệt mỏi kéo dài.

Nguyên nhân gây ra ho gà thường là bệnh nhiễm khuẩn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, lao, hen phế quản. Ho gà là căn bệnh nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ em, dễ gây biến chứng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nên cần được phòng ngừa bằng cách tiêm vacxin từ bé.

- Ho ra máu:

Ho ra máu là trường hợp đặc biệt của ho có đờm. Ho xuất hiện máu trong đờm nhầy. Lượng máu nhiều hay ít còn phụ thuộc và tình trạng bệnh. Cơn ho thường xuất hiện đột ngột, có thể kèm các triệu chứng như sốt, giảm cân, mệt mỏi.

Nguyên nhân gây ho ra máu có thể là viêm phổi mãn tính, ung thư phổi, lao phổi,....

3. Các dấu hiệu của bệnh ho là gì?

Ho thường là triệu chứng của các căn bệnh khác, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Nên bệnh ho có thể đi kèm nhiều dấu hiệu khác, phụ thuộc vào bệnh lý nguyên nhân là gì. Các dấu hiệu đi kèm thường bao gồm:

- Đau rát họng.

- Ớn lạnh.

- Sốt.

- Đau đầu.

- Sổ mũi.

- Buồn nôn hoặc nôn.

- Mệt mỏi.

Nếu ho xuất hiện kèm các triệu chứng sau thì bạn nên nhập viện điều trị:

- Hụt hơi và chóng mặt sau khi ho.

- Ho ra máu.

- Mỗi khi ho là bị đau tức ngực, đau đầu, đau thắt bụng.

- Thở gấp hoặc khó thở.

- Ho kéo dài trên 3 tuần.

4. Nguyên nhân

4.1. Nguyên nhân gây bệnh ho là gì?

- Virus và vi khuẩn: Bị nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường, viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, ho gà, lao,... là nguyên nhân gây ho phổ biến nhất. Ho thường là triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp và bệnh phổi.

- Hít phải dị vật: Ho là cách tốt nhất để làm sạch cổ họng. Do vậy, khi đường thở bị tắc hoặc kích ứng bởi chất nhầy, các hạt lạ như khói bụi thì cơ thể sẽ xuất hiện phản xạ ho.

- Thuốc lá: Khói thuốc là nguyên nhân khá phổ biến của bệnh ho. Ho do hút thuốc hầu như luôn là ho mãn tính, âm thanh ho cũng khá đặc trưng. Thậm chí, các bác sĩ còn phân loại riêng một loại bệnh ho do hút thuốc.

Ảnh 3.

Khói thuốc là nguyên nhân khá phổ biến của bệnh ho (Ảnh: Internet)

- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc sẽ gây ho, mặc dù đây thường là tác dụng phụ hiếm gặp. Đáng lưu ý nhất là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) , thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao và bệnh tim, có thể gây ho. Ngoài ra còn có thuốc Zestril (lisinopril) và Vasotec (enalapril). Trong trường hợp này, ho sẽ chấm dứt khi người bệnh ngừng thuốc.

- Dị ứng: Phản ứng dị ứng có thể kích thích niêm mạc cổ họng gây ho. Ngoài ra, dị ứng thường gây sổ mũi, tăng tiết dịch. Nước mũi có thể đi xuống cổ họng, khiến cơ thể phát sinh phản xạ ho để làm sạch họng.

Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh ho cũng có thể bắt nguồn từ những bệnh lý không liên quan đến phổi. Ví dụ như bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các axit trong dạ dày quay trở lại thực quản, có khả năng rò rỉ vào cổ họng gây kích thích và ho khan. Nó thường kèm theo triệu chứng ợ nóng.

4.2. Ai có nguy cơ cao bị ho?

- Phụ nữ có phản xạ ho nhạy cảm hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho.

- Người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh về phổi như cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, lao, ung thư phổi,...

- Người có thói quen hút thuốc lá thường xuyên.

- Những người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.

- Bệnh nhân dị ứng, bệnh nhân hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.

5. Phương pháp điều trị

5.1. Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Vì ho thường là triệu chứng của các căn bệnh khác, nên để điều trị bệnh ho triệt để thì bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân gây ra ho là gì.

Thông thường, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát, soi họng, lắng nghe tiếng ho và hỏi bạn về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh án. Khi chẩn đoán được nguyên nhân gây ho, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh ho phù hợp:

- Nếu là bệnh ho cấp tính do virus thì bạn không cần phải điều trị. Bệnh ho có thể tự khỏi trong vòng 1 - 3 tuần.

- Nếu bệnh ho do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường uống. Thông thường bạn sẽ cần dùng thuốc trong một tuần để chữa khỏi hoàn toàn cơn ho.

- Nếu bệnh ho do các bệnh lý nghiêm trọng hơn như bệnh hô hấp mãn tính, bệnh phổi, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản,... thì bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia hoặc bệnh viện chuyên môn để điều trị các bệnh lý này.

5.2. Điều trị triệu chứng ho

Để giảm các cơn ho, bác sĩ thường yêu cầu bạn tự chăm sóc, điều trị tại nhà, với những lời khuyên như:

- Uống nhiều nước ấm, cân bằng chế độ dinh dưỡng.

Ảnh 4.

Uống nhiều nước ấm khi bị ho để làm dịu họng (Ảnh: Internet)

- Khi ngủ nên gối cao đầu để cổ họng thông thoáng hơn.

- Vệ sinh răng miệng kỹ càng, làm sạch họng bằng cách súc miệng với nước muối pha loãng.

- Tránh nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi.

- Không hút thuốc lá.

Nếu như các cơn ho dữ dội, kéo dài khiến bệnh nhân mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì bác sĩ có thể kê thuốc giảm ho, tan đờm, xi-rô ho, thuốc ức chế ho có chứa codeine, dextromethorphan... để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

6. Biến chứng của bệnh ho là gì?

Trong hầu hết các trường hợp, ho sẽ biến mất tự nhiên trong vòng một hoặc hai tuần mà không gây ra bất kỳ thiệt hại hoặc tổn thương lâu dài nào.

Trong một số trường hợp, ho nặng có thể gây ra các biến chứng tạm thời như chảy máu cổ họng do ho quá độ, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu,...

Trong trường hợp hiếm gặp, ho dữ dội và liên tục có thể khiến bệnh nhân gãy xương sườn.

7. Phòng tránh

- Cai thuốc lá. Hạn chế đến những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Giữ nơi ở luôn trong lành, thông thoáng. Thường xuyên rửa tay để tránh bị lây nhiễm virus, vi khuẩn.

- Hạn chế ngồi điều hòa khi không cần thiết, tránh môi trường khô và lạnh. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ họng và ngực.

- Thường xuyên vận động ngoài trời, tăng cường khả năng thích nghi với thời tiết và khí hậu.

- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, hóa chất, lông động vật,...

- Khi mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, cần điều trị sớm và triệt để.

8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị ho

8.1. Nên ăn gì?

- Vì cổ họng đang nhạy cảm nên cần chọn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo, súp.

- Ưu tiên các loại trái cây giàu vitamin C và chất chống oxy hóa như cam, chanh, bưởi,...

Ảnh 5.

Ưu tiên bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C khi bị ho (Ảnh: Internet)

- Tỏi, hành tây, gừng, tía tô có thể giúp kháng khuẩn, đẩy lùi các cơn ho nhanh hơn.

- Mật ong không chỉ kháng viêm mà còn giúp bôi trơn cổ họng, làm ẩm và dịu hỏng, có thể ngăn ho tức thì. Bạn có thể ngậm mật ong nguyên chất hoặc pha với nước ấm để uống.

8.2. Kiêng ăn gì?

- Kiêng thức ăn quá lạnh, quá nóng, quá cứng hoặc quá cay có thể khiến vùng họng bị kích thích, ho sẽ dữ dội hơn.

- Tránh thức ăn có thể gây dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng,...

- Khi bị ho, bạn nên tạm ngừng uống sữa bởi chúng có thể làm tăng sản sinh chất nhầy, gây ho có đờm.

- Tránh cà phê, thức uống có cồn và ga, thực phẩm chứa chất kích thích, bởi chúng thường làm khô họng, tăng ho.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Bệnh ho có thể chữa khỏi không?

Ho chỉ là một phản xạ của cơ thể nên hoàn toàn có thể chữa khỏi. Hiện nay có khá nhiều loại thuốc có tác dụng ngăn chặn cơn ho tức thì.

9.2. Làm sao để biết tôi bị ho bình thường hay nguy hiểm?

Thỉnh thoảng mới xuất hiện cơn ho, ho không kéo dài, ho không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì là ho bình thường.

Ho ra máu hoặc ra nhiều chất nhầy đặc, ho khiến bạn đau đầu - ngực - dạ dày, ho làm bạn hụt hơi và mệt mỏi, ho kéo dài, ho liên tục và dữ dội làm ảnh hưởng đến sinh hoạt,... thì là ho tiềm ẩn nguy hiểm. Bạn nên đến bệnh viện thăm khám nếu có các triệu chứng này.

9.3. Tại sao tôi đã bỏ thuốc lá nhưng vẫn bị ho?

Những người hút thuốc và từng hút thuốc cho nguy cơ cao bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Dù bạn đã bỏ thuốc, nhưng căn bệnh này vẫn đi theo bạn. Ho chính là triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn. Hãy đến bệnh viện, bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn và hướng dẫn điều trị.

10. Một số hình ảnh về bệnh ho

Tìm hiểu chung về bệnh ho - Ảnh 1.

Ho gà thường xảy ra ở trẻ em, trẻ ho dữ dội, chảy nước mắt và tím tái sau ho (Ảnh: Internet)

tim hieu chung benh ho 2

Mô phỏng ho do dịch nhầy chảy từ mũi xuống cổ họng (Ảnh: Internet)

tim hieu chung benh ho 3

Mô phỏng ho do dịch axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản, rò rỉ vào cổ họng gây kích thích (Ảnh: Internet)


Tác giả: Mai Nhung