Bệnh ho gà lây lan nhanh qua đường hô hấp, do vi khuẩn Bordetella pertussis và một số loài Bordetella khác gây ra. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy (tuy nhiên trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho). Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường phổ biến vào các giai đoạn giao mùa như hiện tại. Bệnh ho gà có thể được phòng tránh bằng cách tiêm vaccine ngừa ho gà.
Dưới đây là những thông tin cần biết về vaccine ngừa ho gà, bao gồm ai nên tiêm vaccine phòng bệnh ho gà, thời điểm tiêm vaccine ho gà cũng như các tác dụng phụ có thể gặp và cách đối phó mà bạn có thể tham khảo.
Tại sao tiêm vaccine ngừa ho gà lại quan trọng? Ảnh: ST
Đọc thêm:
+ Ho gà có nguy hiểm không? Các giai đoạn đáng chú ý của bệnh ho gà
+ Bệnh ho gà ở người lớn có triệu chứng như nào?
Bệnh ho gà có thể đặc biệt nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biến chứng như viêm phổi, tổn thương não thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng. Các triệu chứng ban đầu của ho gà cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng cảm lạnh nên nếu không quan sát cẩn thận và thăm khám khi cần thiết dễ dẫn tới điều trị muộn và làm tăng nguy cơ biến chứng ho gà.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa Hoa Kỳ (CDC) thì khoảng 1/3 số trẻ dưới 1 tuổi bị ho gà cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trẻ càng nhỏ thì càng có nhiều khả năng cần phải được điều trị tại bệnh viện hơn. Trong số trẻ 1 tuổi điều trị ho gà tại bệnh viện thì có khoảng:
+ 2 trong 3 (68%) trẻ bị ngưng thở đe dọa tới tính mạng
+ 1 trong 5 (22%) trẻ bị biến chứng viêm phổi
+ 1 trong 50 (2%) trẻ bị co giật, run rẩy dữ dội và không kiểm soát được cơ thể
+ 1 trong 150 (0,6%) trẻ có biến chứng bệnh về não
+ 1 trong 100 (1%) trẻ có nguy cơ mất mạng.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine ngừa ho gà đầy đủ tuy không thể giúp ngăn ngừa hoàn toàn khỏi rủi ro nhiễm vi khuẩn gây bệnh ho gà nhưng có thể giúp các triệu chứng ít nghiêm trọng và giảm biến chứng hơn, chẳng hạn như: Cơn ho không kéo dài nhiều ngày; cơn ho, thở rít và nôn sau khi ho ít gặp hơn; ngưng thở và da tím tái ít xảy ra hơn (bao gồm cả ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã được tiêm ngừa đầy đủ). Hơn nữa, nhiều báo cáo chỉ ra rằng, 95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm, cơ thể sẽ tạo miễn dịch trước nhiều bệnh, trong đó có những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine trước nguy cơ nhiễm bệnh cũng đạt từ 88 - 95%.
- Vaccine ho gà có bao nhiêu loại?
Vaccine ho gà được chia làm 2 loại gồm vaccine ho gà vô bào và vaccine ho gà toàn tế bào. Hiện nay ở Việt Nam có 5 loại vaccine dạng phối hợp có thành phần ho gà và đều là vaccine ho gà vô bào, cụ thể: Vaccine Adacel (vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván); vaccine Tetraxim (vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt); vaccine Pentaxim (vaccine 5 trong 1) và vaccine 6 trong 1 (vaccine Infanrix Hexa, vaccine Hexaxim).
Ai nên tiêm vaccine ngừa ho gà? Ảnh: ST
Tùy từng loại vaccine ho gà mà số lượng mũi tiêm, thời điểm tiêm hay vaccine ho gà bao nhiêu tiền sẽ có một số khác biệt. Khi tới các cơ sở tiêm chủng, hãy trao đổi với bác sĩ để chọn loại vaccine ngừa ho gà phù hợp.
- Ai nên tiêm vaccine ngừa ho gà?
CDC Hoa Kỳ khuyến cáo, nên tiêm vaccine ngừa ho gà cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai và cả người trưởng thành. Cụ thể:
+ Trẻ nhỏ thực hiện tiêm chủng bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế vào thời điểm trẻ 2 tháng tuổi - 3 tháng tuổi - 4 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại vào thời điểm trẻ đủ 18 tháng tuổi.
+ Trẻ vị thành niên nên tiêm ngừa 1 mũi vaccine ngừa ho gà nhắc lại khi trẻ ở độ tuổi từ 11 - 12 tuổi hoặc tính từ mũi tiêm vaccine ho gà cuối cùng là 10 năm để bổ sung tăng kháng thể miễn dịch.
+ Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine ho gà không? Câu trả lời là có. Phụ nữ mang thai tiêm vaccine ngừa ho gà vào giai đoạn đầu khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3 ở mỗi lần mang thai giúp em bé sinh ra nhận được kháng thể chống ho gà từ mẹ tới khi nhận được mũi vaccine ho gà đầu tiên vào lúc 2 tháng tuổi.
+ Người trưởng thành chưa từng tiêm vaccine ho gà đều nên tiêm phòng để ngăn ngừa rủi ro gặp phải các biến chứng nặng khi nhiễm bệnh.
Trong trường hợp đang bị ốm với các triệu chứng như sốt cao, ho nặng, mệt mỏi thì nên hoãn tiêm vaccine tới khi phục hồi. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên tiêm vaccine ho gà. Các trường hợp cần trao đổi với bác sĩ tránh phản ứng nghiêm trọng khi tiêm bao gồm:
+ Người có tiền sử dị ứng với vaccine chung hoặc thành phần trong vaccine ho gà tổng hợp.
+ Từng có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với liều vaccine ho gà trước đó như sốt cao trên 40 độ C, đau nhức dữ dội hoặc sưng tấy vết tiêm.
+ Người mắc hội chứng Guillain-Barré.
+ Người mắc bệnh động kinh hoặc các bệnh lý khác về hệ thần kinh.
Các tác dụng phụ khi tiêm vaccine ho gà là gì? Ảnh: ST
Giống như nhiều loại vaccine khác thì vaccine ngừa ho gà cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn theo mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng. Theo CDC, các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine ho gà thường nhẹ và tự khỏi trong 1 - 2 ngày, các tác dụng phụ này bao gồm:
- Đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Sốt nhẹ.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Sưng đỏ, đau ở vết tiêm.
- Giảm cảm giác thèm ăn.
Nếu các tác dụng phụ có xu hướng nặng hơn, hãy nhanh chóng trao đổi với bác sĩ. Số.c phản vệ là phản ứng nghiêm trọng khi tiêm phòng vaccine có thể phát triển trong vòng vài phút tới vài giờ sau khi tiêm. Các triệu chứng gồm: Thở khò khè; phát ban mề đay toàn thân; khó thở; sưng nề mắt, môi, họng; da nhợt nhạt hơn; nhịp tim nhanh; co giật; ngất xỉu. Số.c phản vệ sau khi tiêm là trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
- Trước khi tiêm vaccine: Nói chuyện với bác sĩ về các bệnh đang mắc, các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng vaccine hay dị ứng thực phẩm (như trứng) nếu có. Khi đi tiêm, cần mang theo sổ tiêm chủng để theo dõi đầy đủ. Có thể tắm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi tiêm nếu muốn.
- Sau khi tiêm: Điều quan trọng nhất sau khi tiêm là chú ý tới các phản ứng của cơ thể trong ít nhất 24 - 48 giờ sau khi tiêm, bao gồm: Theo dõi thân nhiệt, kiểm tra nhịp thở, kiểm tra tình trạng da, tình trạng vêt tiêm. Ngay sau khi tiêm xong, cần ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm, phát hiện sớm dấu hiệu số.c phản vệ để cấp cứu kịp thời. Chế độ ăn uống sau khi tiêm cần đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, sau khi tiêm phòng cần nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế các hoạt động gắng sức trong 1 - 2 ngày đầu.
Điều quan trọng nhất sau khi tiêm là chú ý tới các phản ứng của cơ thể trong ít nhất 24 - 48 giờ sau khi tiêm (Ảnh: ST)
Như đã nói, tiêm vaccine ngừa ho gà là biện pháp tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả. Nhưng hiệu quả của vaccine ho gà cũng giảm dần theo thời gian nên việc tiêm nhắc lại vaccine cũng rất quan trọng để đảm bảo tác dụng bảo vệ tốt nhất.
Ngoài tiêm vaccine ngừa ho gà, thì để phòng bệnh hiệu quả, đặc biệt là trong thời điểm ho gà vào mùa, các loại vi khuẩn có điều kiện sinh sôi và lây lan như hiện tại bạn cần:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước sạch, không dùng chung đồ dùng cá nhân.
- Tránh tiếp xúc với người có các triệu chứng bệnh hô hấp như ho, hắt hơi,... bằng cách đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách an toàn, đặc biệt là ở những địa điểm công cộng có độ thông gió kém.
- Có lối sống lành mạnh bao gồm: Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, lành mạnh kết hợp với luyện tập thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc, kiểm soát tốt căng thẳng, không lạm dụng kháng sinh sẽ giúp tăng cường miễn dịch để phòng ngừa nhiều bệnh tật.
Nguồn dịch tham khảo:
3. Pertussis (Whooping Cough) Vaccine