Bệnh ho gà ở người lớn và tất tật những gì bạn cần biết

Bệnh ho gà ở người lớn và tất tật những gì bạn cần biết
Bệnh ho gà không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn xuất hiện khá phổ biến ở người lớn. Thậm chí, bệnh ho gà ở người lớn còn nguy hiểm và phức tạp hơn ở trẻ nhỏ.

Ho gà là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính và có thể lây lan thành dịch. Ho gà gây ra bởi vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) với triệu chứng lâm sàng đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm phổi, viêm phế quản...

Ho gà là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh lý này cũng khá phổ biến ở người trưởng thành. Nguy hiểm hơn, bệnh ho gà ở người lớn còn có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

1. Bệnh ho gà ở người lớn là gì?

Ho gà được định nghĩa là căn bệnh ho do nhiễm vi khuẩn, có khả năng lây lan từ người này qua người khác qua tiếp xúc thông thường. Vi khuẩn ho gà sẽ từ không khí xâm nhập vào cổ họng và mũi. 

Ho gà ở người lớn là bệnh ho gà xuất hiện ở lứa tuổi trưởng thành. Trên thực tế, số người lớn bị ho gà mỗi năm rất cao.

 2. Nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở người lớn

Tương tự như ho gà ở trẻ em, ho gà ở người lớn là do vi khuẩn ho gà có tên khoa học là Bordetella pertussis, thuộc họ Bordetella.

Bệnh ho gà ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 1.

Bệnh ho gà do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) gây ra - Ảnh Internet.

Vi khuẩn ho gà có những đặc điểm sau đây:

- Trực khuẩn ho gà có kích thước nhỏ nhất trong các loại vi khuẩn, thuộc nhóm vi khuẩn gram (-).

- Vi khuẩn ho gà có hai đầu nhỏ, không di chuyển và phát triển tốt nhất ở trong môi trường Bordet-Gengou có thạch máu với những khuẩn lạc điển hình. Trong môi trường bên ngoài, vi khuẩn ho gà có sức đề kháng yếu và sẽ bị chết trong thời gian 1 giờ dưới ảnh hưởng của nhiệt độ, thuốc sát khuẩn môi trường hoặc ánh sáng mặt trời trực tiếp.

- Vật chủ ký sinh của vi khuẩn ho gà là con người. Nguyên nhân truyền bệnh ho gà cũng là con người.

Thời gian ủ bệnh ho gà khoảng từ một tuần đến 20 ngày. Ho gà có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất ở thời kỳ đầu viêm long và giảm dần, mất đi sau khoảng 3 tuần mắc bệnh. 

Phương thức lây truyền của bệnh ho gà chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng người bệnh bắn ra ngoài môi trường khi hắt hơi, ho. Đặc biệt, cần lưu ý, tính lây truyền xảy ra cao nhất khi người lành phơi nhiễm với giọt nước bọt của người bệnh, nhất là đối với những người cùng sinh hoạt trong một không gian khép kín như trong hộ gia đình, trường học...

Tất cả các đối tượng đều có thể cảm nhiễm với bệnh ho gà và sau khi mắc bệnh sẽ tạo được miễn dịch lâu dài, chỉ có một số ít trường hợp bị mắc bệnh ho gà lần thứ hai (do vi khuẩn B. parapertussis).

3. Triệu chứng của bệnh ho gà ở người lớn

Bệnh ho gà ở người lớn thường có những triệu chứng lâm sàng sau:

- Trong giai đoạn đầu của bệnh ho gà, người bệnh có những dấu hiệu không điển hình như ho nhẹ, sổ mũi, sốt....Vì thế, phần lớn các trường hợp người bệnh thường bỏ qua những triệu chứng này cho tới khi bệnh trở nặng hơn.

- Sau đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn ho nặng hơn và trở thành kịch phát, kéo dài trong thời gian khoảng 1 – 2 tháng hoặc có thể kéo dài hơn. 

Cụ thể, những cơn ho này có đặc điểm như sau:

+ Ho thành từng cơn, mỗi cơn ho kéo dài khoảng 15 – 20 tiếng ho.

+ Ho rũ rượi và càng yếu dần khi về sau. 

+ Cơn ho xảy ra nhiều và với tần suất dày đặc nên làm cho người bệnh thở yếu hơn, có lúc như ngừng thở do thiếu oxy, kèm theo các dấu hiệu mắt đỏ, mặt tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

+ Xuất hiện các cơn thở rít vào, các cơn thở này xuất hiện cuối cơn ho hoặc có thể xen kẽ sau mỗi tiếng ho.

+ Đờm trắng, có màu trong và dính như lòng trắng trứng sau khi kết thúc một cơn ho. Khi xét nghiệm đờm có thấy xuất hiện trực khuẩn ho gà.

+ Cơn ho ở giai đoạn hồi phục: ho ít dần, kéo dài trong khoảng 2 - 3 tuần, kèm theo đó là giảm sốt.

Tuy nhiên, cần lưu ý, ho có thể tái diễn lại sau nhiều tháng và gây viêm phổi. Bên cạnh đó, các triệu chứng ho gà ở người lớn thường nhẹ hơn so với ho gà ở trẻ em, ít gặp cơn ho điển hình hoặc thậm chí không xuất hiện triệu chứng ho.

Bệnh ho gà ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Ho thường xuyên và rũ rượi là dấu hiệu của bệnh ho gà ở người lớn - Ảnh Internet.

4. Các giai đoạn của bệnh ho gà ở người lớn

Thông thường, bệnh ho gà ở người lớn không thể hiện ngay khi vi khuẩn ho gà tấn công vào cơ thể mà thường ủ bệnh và phát triển trong khoảng từ 7 đến 10 ngày. Việc phục hồi bệnh ho gà nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người bệnh. Có trường hợp phải mất từ hai đến ba tháng mới khỏi bệnh. 

Các bác sĩ phân chia bệnh ho gà ở người lớn thành 3 giai đoạn. Cụ thể:

- Giai đoạn 1: đây là giai đoạn chỉ kéo dài trong khoảng từ 1- 2 tuần. Ở giai đoạn này, các biểu hiện của bệnh thường chỉ giống như bệnh cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh ở giai đoạn này rất cao.

- Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, các dấu hiệu bệnh lý đã rõ ràng hơn. Những cơn ho xuất hiện thường xuyên và dữ dội. Thậm chí, giữa những con ho còn kèm theo tình trạng thở hổn hển, chảy nước mắt. Không những vậy, người bệnh có thể nôn nhiều dẫn đến kiệt sức.

Giai đoạn 2 của bệnh ho gà ở người lớn thường kéo dài từ 1 đến 6 tuần nhưng có trường hợp lên tới 10 tuần. Khả năng lây nhiễm của bệnh ho gà vẫn có thể kéo dài tới tuần thứ 2 của giai đoạn này. 

- Giai đoạn 3: Bước vào giai đoạn 3, những cơn ho có dấu hiệu giảm dần và không còn khả năng lây nhiễm bệnh. Thông thường., giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng hai đến ba tuần. Cần lưu ý, ở giai đoạn này, bệnh nhân rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác do quá trình phục hồi vẫn còn chậm, sức đề kháng của cơ thể vẫn còn yếu.

5. Các biến chứng của bệnh ho gà ở người lớn

Bệnh ho gà ở người lớn tuy ít xuất hiện hơn so với trẻ em nhưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. 

Trên thực tế, các biến chứng của bệnh ho gà bao gồm viêm phế quản, ho kéo dài, viêm phế quản – phổi do bội nhiễm, ngừng thở... Đây là những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong, Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng thoát vị, lồng ruột, sa trực tràng.

Trong trường hợp, người bệnh ho gà diễn biến nặng có thể dẫn đến tình trạng vỡ phế nang, tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất. 

Bên cạnh đó, bệnh ho gà ở người lớn còn có các biến chứng như rối loạn giấc ngủ, chảy máu mũi hoặc tai, viêm tai giữa...

Ngoài ra, ho gà có thể dẫn tới biến chứng viêm não. Dù biến chứng này chỉ chiếm 0,1% nhưng lại có thể dẫn đến các di chứng và tỷ lệ tử vong rất cao.

6. Điều trị bệnh ho gà ở người lớn

Theo các bác sĩ, nguyên tắc điều trị bệnh ho gà ở người lớn cũng như ho gà ở trẻ em là điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ ăn uống khoa học. Cụ thể:

- Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh phù hợp với thể trạng từng người bệnh.

- Điều trị triệu chứng: Với những trường hợp người bệnh diễn biến nặng, xuất hiện các cơn co giật có thể sử dụng các thuốc chống co giật như seduxen, phenobarbital... 

Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ điều trị bệnh ho gà ở người lớn bằng các phương pháp tự nhiên. Cụ thể:

- Chữa bệnh ho gà ở người lớn bằng mật ong:

Mật ong là nguyên liệu chữa ho được nhiều người ưa chuộng. Mật ong có tác dụng giảm sự kích thích ở màng nhầy và giúp cổ họng hình thành lớp màng bảo vệ tự nhiên, nhanh chóng làm dịu các cơn ho ngứa rát cổ họng. Theo các nghiên cứu, mật ong có tác dụng ức chế những cơn ho tương tự như loại kháng sinh chứa dextromethorphan.

Để hỗ trợ điều trị bệnh ho gà ở người lớn, người bệnhcó thể ăn một muỗng mật ong mỗi khi lên cơn ho hay uống mật ong pha với trà gừng ấm.

- Chữa ho gà bằng gừng tươi: 

Gừng là nguyên liệu có tính ấm nóng, có thể nhanh chóng giúp cổ họng dịu lại, ngăn chặn những cơn ho khó chịu. Theo đó, khi lên cơn ho, người bệnh có thể nhai trực tiếp gừng tươi và nuốt mỗi khi lên cơn ho. Bệnh nhân cũng có thể pha trà gừng mật ong ấm và uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa ho gà ở người lớn bằng bạc hà:

Trong thành phần của lá bạc hà tươi hay các chế phẩm chiết xuất từ bạc hà có chứa tinh dầu bạc hà có tác dụng giúp thông mũi, mát họng, làm lỏng và tiêu đờm, dịu cổ họng đang ngứa rát.

Để chữa ho gà bằng bạc hà, bệnh nhân chỉ cần cho vài giọt tinh dầu bạc hà vào nước ấm nóng, nhúng một chiếc khăn vào rồi quấn lên đầu sẽ thấy hiệu quả. Người bệnh cũng có thể pha bạc hà với mật ong, nước cốt chanh, trà ấm cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ho gà rất tốt.

Bệnh ho gà ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Tinh dầu bạc hà có thể hỗ trợ điều trị bệnh ho gà ở người lớn - Ảnh Internet.

7. Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị bệnh ho gà

7.1. Bị ho gà nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ho gà. Theo đó, để bệnh nhanh khỏi, bệnh nhân bị ho gà nên tiêu thụ các thực phẩm sau:

- Thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo, súp...

- Thực phẩm nhạt.

- Các món ăn chế biến bằng luộc, hấp để dễ tiêu hóa, không gây kích ứng niêm mạc họng.

- Trái cây và rau củ, đặc biệt là những loại chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, ổi, rau bina, bông cải xanh...

- Uống nhiều nước.

7.2. Bị ho gà nên kiêng gì?

Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm tốt cho người bị ho gà, người bệnh cần kiêng / hạn chế các thực phẩm sau đây:

- Các thực phẩm dễ gây kích ứng viêm mạc họng, gây ho nhiều như các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, đậu phộng...

- Các thực phẩm chiên, rán nhiều mỡ, thực phẩm nướng.

- Các thực phẩm nhiều đường.

- Các loại đồ ăn lên men như cà muối, dưa muối, kim chi...

- Cà phê, thuốc lá...

- Thực phẩm mặn.

Bên cạnh đó, đễ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn, người bệnh cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no để hạn chế tình trạng nôn sau mỗi lần ho.

Trên đây là những thông tin chung về bệnh ho gà ở người lớn. Cần lưu ý, bên cạnh việc phòng ngừa bệnh lý này bằng cách tiêm phòng ngay từ nhỏ, bệnh ho gà ở người lớn có thể phòng ngừa bệnh cách vệ sinh sạch sẽ nơi ở, sinh hoạt, luôn rửa tay bằng xà phòng, nước sạt khuẩn, tránh xa khu vực đang có dịch ho gà...

Bên cạnh đó, khi có các biểu hiện mắc bệnh, cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. 

Nguồn dịch tham khảo:

1. Whooping Cough

2. Whooping Cough (Pertussis) in Adults

3. What to know about whooping cough in adults

https://suckhoehangngay.vn/tho-that-thanh-thoi.html


https://suckhoehangngay.vn/benh-ho-ga-o-nguoi-lon-va-tat-tat-nhung-gi-ban-can-biet-20220114055820535.htm
Tác giả: Ngọc Điệp