Bệnh đau mắt đỏ: Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Bệnh đau mắt đỏ: Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ ở trẻ em không hiếm gặp và thường xuất hiện ở những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm ướt. Bệnh gây nhiều nguy hiểm đến thị lực của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Đau mắt đỏ là một căn bệnh dễ lây lan và khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh gây nhiều khó chịu đến người mắc phải và để lại những biến chứng nghiêm trọng đến thị lực nếu không được điều trị đúng cách.

Đặc biệt là với những trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa và không sử dụng các phương pháp như đắp lá hay nhỏ sữa vào mắt trẻ để chữa bệnh.

1. Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em chủ yếu là do virus và vi khuẩn gây ra. Virus Adenovirrus và các vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu là lý do chính gây ra tình trạng này.

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em cũng thường xảy ra vào mùa nắng nóng, hoặc khi giao mùa, mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp. Môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm cùng với sức đề kháng của cơ thể yếu là những yếu tố thuận lợi khiến cho bệnh dễ bùng phát.

Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 2.

Thói quen dụi mắt là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, nhiều trẻ có thói quen dụi mắt sau khi tiếp xúc với những đồ vật không đảm bảo vệ sinh. Thói quen này làm tăng khả năng mắc bệnh đau mắt đỏ. Nhất là nếu trẻ tiếp xúc hay chơi cùng với những trẻ đang bị đau mắt đỏ thì càng dễ lây nhiễm bệnh hơn.

Trẻ có thể bị đau mắt đỏ nếu:

- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đau mắt đỏ.

- Chạm vào những đồ vật của người bệnh như tay nằm cửa, bàn ghế.

- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, gối, chậu rửa mặt với người đang nhiễm bệnh.

- Dùng chung nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Tiếp xúc chung nguồn nước với người bị bệnh như ở hồ bơi...

2. Triệu chứng và diễn biến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Triệu chứng điển hình nhất của bệnh đau mắt đỏ là đổ ghèn nhiều ở mắt và lòng trắng mắt chuyển sang màu đỏ. Đặc biệt ở trẻ em những biểu hiện này sẽ rõ ràng hơn, trẻ có cảm giác khó chịu, cộm xốn ở mắt nên hay quấy khóc. Khi ngủ dậy, ghèn sẽ dính chặt vào 2 mi mắt, có thể có màu vàng hoặc xanh lá cây. Đôi khi trẻ cũng xuất hiện những biểu hiện khác như sốt nhẹ, ho khan, có hạch…

Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 3.

Triệu chứng điển hình của bệnh là lòng trắng mắt chuyển sang màu đỏ (Ảnh: Internet)

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em khá lành tính. Nếu trẻ bị viêm kết mạc có giả mạc (lớp màng trắng trong suốt nằm dưới mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Tuy nhiên bệnh không phải không có biến chứng. Một số biến chứng hiếm gặp của đau mắt đỏ có thể kể đến như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu, viêm mủ túi lệ,… Một số tình trạng nguy hiểm có thể gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực.

3. Cách điều trị khi trẻ bị đau mắt đỏ

Nếu trẻ em bị đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đa phần bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại trú, do đó phụ huynh cần lưu ý thực hiện nghiêm túc những điều sau khi chăm sóc trẻ ở nhà:

- Cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm viêm... theo đúng liều lượng và thời gian đã được chỉ định.

- Thuốc nhỏ mắt an toàn cho trẻ thường là neomycin hay tobramycin. Tuyệt đối phụ huynh không được sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid cho trẻ vì nguy cơ bội nhiễm và tăng nhãn áp.

- Để nhỏ mắt cho trẻ lớn đã biết hợp tác cần để trẻ nằm yên và mở mắt. Phụ huynh có thể dùng một tay tỳ kéo mí mắt dưới xuống, tay kia nhỏ thuốc nhỏ mắt. Thông thường cần nhỏ 2 giọt mỗi bên, trung bình một ngày 6-8 lần.

Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 4.

Phụ huỳnh sử dụng một tay tỳ kéo mí mắt dưới xuống, tay kia nhỏ thuốc nhỏ mắt cho trẻ (Ảnh: Internet)

- Đối với trẻ nhỏ, để nhỏ mắt cần có người giúp giữ yên đầu trẻ, kéo mí mắt dưới xuống để nhỏ thuốc nhỏ mắt.

- Mắt thứ hai thường bị bệnh sau 48 giờ nên phụ huynh lưu ý phải nhỏ thuốc ở cả hai mắt.

- Vệ sinh rửa mắt hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý Natri Chlorua 0,9%.

- Nên tránh các yếu tố kích ứng như bụi, lông thú, khói,…

- Trẻ lớn có thể cho mang kính bảo vệ mắt để ngăn ngừa lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.

- Tái khám mỗi 2-3 ngày theo hẹn của bác sĩ.

=>> Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm về sử dụng nước muối sinh lý đúng cách qua bài viết: Hướng dẫn làm sạch đường mũi bằng nước muối sinh lý

4. Nên kiêng ăn gì khi trẻ bị đau mắt đỏ?

Chế độ ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng giúp bé mau chóng lành bệnh bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác như vệ sinh mắt. Một chế độ ăn uống hợp lý cần đầy đủ dưỡng chất và hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là những thực phẩm trẻ nên kiêng khi đang bị đau mắt đỏ:

- Các loại thực phẩm có vị cay, nóng như ớt, tỏi, hành… . Điều này là do theo Đông y, đau mắt đỏ là bệnh can phong nhiệt, vì vậy nên kiêng những thực phẩm này để tránh làm mắt nóng hơn, gây khó chịu cho bé.

Bệnh đau mắt đỏ: Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 5.

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, không nên cho trẻ ăn đồ ăn cay nóng - Ảnh Internet

- Những thực phẩm tanh như tôm, cá,… cũng nên hạn chế trong khi bị bệnh. Do chúng sẽ tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh hơn, từ đó khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

- Rau muống là loại rau kiêng kỵ với trẻ bị đau mắt đỏ. Chất nhựa trong rau muống sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hơn.

- Trong mỡ động vật có rất nhiều chất béo không tốt cho thể trạng của bé khi đang bệnh. Các bậc phụ huynh nên dùng dầu thực vật thay thế trong thời gian này.

5. Trẻ bị đau mắt đỏ nên ăn gì?

Ngoài những thực phẩm cần tránh đã kể trên, có rất nhiều thực phẩm giúp trẻ giảm các triệu chứng khó chịu và nhanh khỏi bệnh hơn khi bị đau mắt đỏ. Trong đó có thể kể đến:

- Bổ sung thêm nhiều vitamin C trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Vitamic C giúp tăng cường sức đề kháng và làm giảm các cảm giác nóng rát khi bị đau mắt đỏ.

Bệnh đau mắt đỏ: Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 6.

Trẻ bị đau mắt đỏ cần được bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin C - Ảnh Internet

Các bậc phụ huynh có thể cho bé ăn thêm dâu tây, cam và hạnh nhân để bổ sung lượng vitamin C cần thiết. Tuy nhiên lưu ý chỉ cho bé ăn đủ lượng vitamin C, không nên quá lạm dụng.

- Các thực phẩm bổ sung vitamin A, B12, D cũng rất tốt cho bệnh nhân đau mắt đỏ. Chúng có nhiều trong các thực phẩm như rau cải xanh, rau bina, …

- Thực phẩm chứa beta-carotene như đu đủ, bí đỏ… cũng nên được bổ sung do beta-carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A khi đi vào cơ thể, giúp sáng mắt và tăng cường sức đề kháng.

- Mẹ có thể bổ sung thêm thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, gan... để trẻ mau lành bệnh hơn.

- Nếu trẻ không bú mẹ, hãy cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ còn đang bú mẹ thì cho bé bú càng nhiều càng tốt.

6. Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ

Bệnh đau mắt đỏ có tốc độ lây lan nhanh và có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống. Bệnh tuy phổ biến và khá lành tính nhưng vẫn có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm đến thị lực. Vì vậy, việc phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ rất quan trọng.

Bệnh đau mắt đỏ: Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em - Ảnh 7.

Việc phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ rất quan trọng - Ảnh Internet

Bệnh nhân mắc bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 2-3 ngày trước khi phát bệnh đến 1 tuần sau khi khỏi bệnh. Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể như sau:

Khi không có dịch, các bậc phụ huynh cần hường xuyên rửa tay cho bé, đảm bảo vệ sinh cá nhân. Lưu ý dùng riêng vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm và giặt sạch khăn bằng xà phòng, cũng như phơi khô dưới ánh nắng hàng ngày. Không để trẻ dùng tay dụi mắt và ệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho bé.

Khi đang có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, cần thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt ít nhất 1 ngày 3 lần và không dùng chung vật dụng cá nhân với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, đồng thời tránh đến các nơi đông người như bệnh viện, trung tâm mua sắm. Hạn chế đưa trẻ đi bơi, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm.


Tác giả: Anh Dũng