Ngày nay, vấn đề liên quan đến các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp. Trong đó đặc biệt phải kể đến là bệnh cúm A H5N1, căn bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người và có mức độ nguy hiểm rất cao. Tuy nhiên, đa phần chúng ta vẫn chưa thực sự có cái nhìn đầy đủ về bệnh cúm A H5N1 là gì và các vấn đề liên quan đến căn bệnh này.
Bệnh cúm A H5N1 là bệnh lý truyền nhiễm được đặt tên theo nguyên nhân trực tiếp gây ra nó, đó chính là virus cúm A H5N1. Bệnh có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang người, hoặc đôi lúc là cũng có thể lây từ người bệnh sang người lành.
Trong hầu hết các trường hợp, virus cúm A H5N1 được tìm thấy chủ yếu ở vật chủ là các giống gia cầm như chim, gà, gà tây,... Nhưng những phát hiện mới cho thấy, các động vật như chó, mèo hay lợn cũng có thể là vật chủ của của virus cúm A H5N1.
Ngoài hệ hô hấp, bệnh cúm A H5N1 còn có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể người bệnh. Chính bởi những điều này đã khiến bệnh cúm A H5N1 trở thành căn bệnh có diễn tiến nhanh, đáp ứng kém điều trị và thường có diễn tiến nặng. Do đó, đây thực sự là một căn bệnh nguy hiểm khi mắc phải, thậm chí gây đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Đọc thêm:
- Mùa cúm là tháng mấy? Bác sĩ chỉ ra những lưu ý để phòng ngừa cúm khi học sinh đi học trở lại
- 10+ cách chữa cảm cúm nhanh nhất tại nhà
Nguyên nhân gây cúm A được xác định là virus cúm A H5N1. Loài virus này sẽ lây nhiễm cho người lành thông qua các hoạt động như tiếp xúc trực tiếp với gia cầm mang virus, tiếp xúc với phân và các loại chất thải khác từ gia cầm, sử dụng thịt hoặc trứng gia cầm mắc bệnh chưa được chế biến chín hoàn toàn, hoặc trong quá trình giết mổ gia cầm,...
Sau khi đi vào cơ thể người, virus sẽ chưa gây bệnh ngay lập tức mà chúng sẽ nhân lên cho đến khi đạt được một số lượng đủ lớn. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn ủ bệnh, thường kéo dài từ 2-5 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Chỉ khi số lượng virus đủ lớn để tạo nên các tổn thương có ý nghĩa thì những triệu chứng của bệnh mới bắt đầu xuất hiện, trong đó nổi bật là các triệu chứng đường hô hấp.
Lúc này, chính bản thân người bệnh lại trở thành vật chủ chứa virus và có thể lây truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù bệnh cúm A H5N1 có khả năng lây từ người sang người, nhưng khả năng này là thấp hơn rất nhiều khi so sánh với khả năng lây nhiễm từ động vật sang người.
Nhận biết được triệu chứng bệnh cúm A H5N1 là gì là cơ sở đầu tiên để tiến hành sàng lọc và chẩn đoán bệnh.
Sau khi trải qua giai đoạn ủ bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng đầu tiên của bệnh. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà các bệnh nhân có thể sẽ có sự biểu hiện triệu chứng khác nhau. Nhưng những triệu chứng của bệnh cúm A H5N1 có thể được phân làm 3 nhóm chính. Những nhóm triệu chứng này bao gồm các triệu chứng của nhiễm virus, các triệu chứng đường hô hấp và các triệu chứng ngoài hô hấp.
- Triệu chứng nhiễm virus: Các triệu chứng nhiễm virus như sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu,... thường phổ biến ở hầu hết người mắc bệnh. Tuy vậy, tính đặc hiệu của các triệu chứng này đối với bệnh lại tương đối thấp.
- Triệu chứng đường hô hấp: Do virus cúm A H5N1 chủ yếu tấn công hệ hô hấp của bệnh nhân, nên những triệu chứng hô hấp xuất hiện ở hầu hết các bệnh nhân với các mức độ khác nhau. Những triệu chứng hô hấp này có thể kể đến như ho, đau họng, khàn tiếng, tức ngực, khó thở, thở nhanh,...
- Triệu chứng ngoài hô hấp: Bên cạnh các triệu chứng về hô hấp thì bệnh còn có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác, khiến người bệnh bị đau bụng, nôn mửa, đi cầu phân lỏng, co giật, trụy tim mạch,...
Cũng giống với bất kỳ các bệnh lý truyền nhiễm nào khác, chẩn đoán bệnh cúm A H5N1 sẽ được dựa trên 3 yếu tố chính là dịch tễ, lâm sàng và kết quả xét nghiệm.
Người bệnh có thể được nghi ngờ mắc bệnh cúm A H5N1 khi có các dấu hiệu triệu chứng điển hình như đã kể ở trên sau khi có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, hoặc tiếp xúc với người đã được xác định hoặc đang bị nghi ngờ mắc bệnh cúm A H5N1.
Tuy vậy chỉ dựa vào yếu tố dịch tễ và nắm được các triệu chứng bệnh cúm A H5N1 là gì sẽ chưa đủ để khẳng định chẩn đoán chính xác. Thêm vào đó, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số các xét nghiệm khác, bao gồm:
- Xét nghiệm phục vụ chẩn đoán xác định bệnh: Xét nghiệm RT- PCR các mẫu bệnh phẩm như dịch ngoáy tị hầu, dịch ngoáy họng, dịch phế quản,... là bắt buộc để chẩn đoán xác định bệnh nhân có mắc cúm A H5N1 hay không.
- Các xét nghiệm phục vụ điều trị và tiên lượng bệnh: Để đánh giá đúng mức tổn thương và rối loạn mà bệnh cúm A H5N1 gây ra cho bệnh nhân, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm chụp X-Quang, thực hiện xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm khí máu động mạch,...
Các trường hợp mắc bệnh cúm A H5N1 thường có tiên lượng nặng do bệnh tiến triển nhanh và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau. Theo các thống kê y tế, tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh cúm A H5N1 được ghi nhận lên đến hơn 50%, và thậm chí có thể cao hơn ở những khu vực y tế kém phát triển.
Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc cúm A H5N1 được cho là có liên quan đến khả năng biến chứng cao của bệnh. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân mắc cúm A H5N1 có thể kế đến như biến chứng suy hô hấp, biến chứng suy đa tạng,...
Hơn nữa, người mắc bệnh cúm A H5N1 còn rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn trên một nền nhiễm virus có sẵn. Điều này lại càng gây ra nhiều trở ngại đối với việc điều trị vốn đã rất khó khăn.
Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh cúm A H5N1 phải được nhập viện và cách ly y tế để điều trị. Người bệnh chỉ có thể được chỉ định xuất viện sau khi tình trạng lâm sàng ổn định và bắt buộc phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trở lại.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ có thể giúp giảm đáng kể các biểu hiện triệu chứng khi nhiễm cúm A H5N1. Đồng thời chúng cũng góp phần làm giảm nguy cơ tiến triển nặng của bệnh. Những biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân có thể kể đến như:
- Hạ sốt: Thuốc hạ sốt được chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C hoặc sốt nhẹ nhưng có biểu hiện lạnh run. Kết hợp với đó, các biện pháp như cởi bỏ bớt quần áo, lau nước ấm cũng có thể sử dụng để hạ nhiệt độ cho bệnh nhân.
- Dinh dưỡng: Người bệnh bổ sung dinh dưỡng bằng đường miệng nếu còn ăn được. Trong các trường hợp nặng thì có thể tiến hành đặt sonde dạ dày để nuôi ăn, hoặc thậm chí xem xét nuôi ăn đường tĩnh mạch khi cần thiết.
- Sử dụng thuốc kháng viêm: Các thuốc corticoid được sử dụng với mục đích kháng viêm cho người bệnh, chẳng hạn như prednisolon, methylprednisolone,...
Bên cạnh đó, người bệnh mắc cúm A H5N1 nên được cho nằm đệm nước, xoay trở cơ thể thường xuyên để hạn chế nguy cơ bị loét do tỳ đè. Đồng thời cần thường xuyên giúp bệnh nhân ho, khạc đờm, vỗ lưng để tránh ứ đọng chất tiết trong đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bội nhiễm vi khuẩn xảy ra.
Tamiflu là loại thuốc kháng virus được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bị mắc bệnh cúm A H5N1, có ý nghĩa giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh.
Theo các khuyến cáo hiện nay, tamiflu nên được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi khởi phát triệu chứng. Thời gian sử dụng thuốc kéo dài trong vòng 5 ngày, hoặc có thể dài hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Tuy nhiên, thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người bệnh.
Các biến chứng của bệnh cúm A H5N1 xảy ra làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, xử lý sớm các biến chứng của bệnh cúm A H5N1 là vô cùng cần thiết.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Với các trường hợp bệnh nhân được xác định có bội nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Ban đầu kháng sinh được lựa chọn theo kinh nghiệm thường là các kháng sinh dành cho viêm phổi cộng đồng như cephalosporin thế hệ 1, 2; co-trimoxazol, azithromycin,... Nhưng nếu không đáp ứng thì cần điều trị theo kháng sinh đồ.
- Suy hô hấp cấp: Tùy thuộc vào mức độ suy hô hấp cấp của người bệnh mà biện pháp xử lý được lựa chọn cũng khác nhau. Với các trường hợp suy hô hấp nhẹ, người bệnh được hỗ trợ oxy qua cannula mũi hoặc mặt nạ thở oxy. Nhưng với các trường hợp nặng, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng các biện pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập hoặc thông khí nhân tạo xâm nhập.
- Suy đa tạng: Các bệnh nhân suy đa tạng phải được tiến hành hồi sức một cách tích cực nhất thông qua các biện pháp như truyền dịch, sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu ngoài cơ thể,...
Thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực là cách hiệu quả để ngăn chặn các hậu quả nguy hiểm do bệnh cúm A H5N1 có thể gây ra. Vậy các biện pháp dự phòng mà bệnh cúm A H5N1 là gì?
- Tránh di chuyển đến những nơi đang có dịch bệnh cúm H5N1 lưu hành trong cộng đồng.
- Tránh tiếp xúc với gia cầm sống, chất thải của gia cầm, hoặc đến các chợ gia cầm sống.
- Không sử dụng thịt hoặc trứng của các loài gia cầm chưa được nấu chín.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là sau khi chế biến thức ăn từ thịt có nguồn gốc từ gia cầm hoặc sau khi tiếp xúc với gia cầm sống.
- Khi có các dấu hiệu bị nhiễm virus (kể cả chưa được xác định là virus H5N1) thì người bệnh cũng cần thực hiện cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác.
Trên đây là một số thông tin cơ bản xung quanh vấn đề bệnh cúm A H5N1 là gì và những điều nên biết về căn bệnh này. Khi mắc cúm A H5N1 nên tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để hỗ trợ hồi phục nhanh chóng.