Cách đây 1 tháng, em bị cảm cúm khá nặng do mắc mưa khi đi học về. Sau khi khỏi, không hiểu sao em lại bị ho kéo dài. Từ đó đến nay, bệnh ngày càng nặng, thỉnh thoảng còn xuất hiện đờm màu trắng. Mặc dù em đã uống đủ loại kháng sinh trị viêm họng nhưng ho vẫn không hề thuyên giảm. Mấy hôm nay em còn bị hôi miệng và khó chịu ở lưỡi nữa. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có đang mắc bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (thientha...@yahoo.com.vn) | |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh nấm họng. Niêm mạc vùng họng miệng - thanh quản thường có nấm candida sống hoại sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút hoặc khi thay đổi điều kiện sống tại chỗ (như mất cân bằng vi khuẩn do lạm dụng kháng sinh), nấm sẽ gây bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm. |
Biểu hiện cơ bản của bệnh là ho kéo dài. Lúc đầu người bệnh ho do phản ứng dị ứng của cơ thể với bào tử nấm xâm nhập. Sau đó, do viêm nhiễm, ho chuyển sang có đờm trắng đục rồi vàng xanh và kèm theo tình trạng ngứa, rát họng.
Khi thăm dò miệng họng sẽ thấy niêm mạc ít đỏ, lưỡi rất bẩn và hôi, nhiều chất nhầy phủ khắp họng. Soi thanh quản thấy có giả mạc trắng xốp dày, dai, bám chắc trên bề mặt dây thanh, nếu bóc tách dễ gây chảy máu hoặc giả mạc xám mủn giống như tổ chức hoại tử.
Ngoài ra, khàn tiếng xuất hiện thường đột ngột, khi nói không phát ra âm sắc, chỉ nghe thấy phều phào. Triệu chứng này đến sau đợt cảm cúm có sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi và không thuyên giảm khi sử dụng kháng sinh.
Có thể chẩn đoán bệnh bằng cách quệt lấy dịch ở vùng họng và lấy giả mạc ở thanh quản, soi tươi tìm bào tử nấm hoặc nuôi cấy. Trong một số trường hợp, cần sinh thiết để tìm tổn thương mô bệnh học.
Tùy theo mức độ bệnh và sức đề kháng của mỗi người mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể là dùng kháng sinh chống nấm toàn thân, tại chỗ hoặc phối hợp cả hai (như dùng clotrimazol, nystatin, amphotericin B, fluconazol...). Tuy nhiên, hầu hết các chất có thể làm suy giảm sự xâm nhiễm của nấm cũng có tác dụng phụ nặng nề đối với cơ thể người. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc chống nấm phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Rất đáng tiếc là các triệu chứng em mô tả trong thư khá chung chung, không rõ ràng nên bác sĩ Mèo chưa thể xác định được chính xác bệnh của em hiện đang ở giai đoạn nào. Bác sĩ khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện để khám trực tiếp và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.
Ngoài ra, em cũng nên lưu ý rằng: hầu hết các chủng nấm hoại sinh trong đất và bệnh nấm không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, trừ nấm candida và các loại nấm da.
Dịch bệnh có thể bùng phát nhưng thường do tiếp xúc với môi trường chung. Vì vậy, để việc điều trị có hiệu quả thì chủ yếu phải vệ sinh họng thường xuyên bằng các dung dịch kiềm nhằm tránh sự thay đổi môi trường họng, đồng thời giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!