Bệnh bướu giáp đơn thuần có nguy hiểm?

Bệnh bướu giáp đơn thuần có nguy hiểm?
Bệnh bướu giáp đơn thuần là hiện tượng mô mềm tuyến đột nhiên phát triển và chiếm diện tích lớn trên cổ. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng trong đời sống sinh hoạt, do đó tìm hiểu bệnh bướu giáp đơn thuần là rất cần thiết để có thể chủ động phòng ngừa bệnh lý này.

1. Bướu giáp đơn thuần

Tuyến giáp là một tuyến hình cánh bướm nằm ở phía dưới thanh quản, với mỗi cánh nằm ở mỗi bên của khí quản. 

Tuyến giáp cực kỳ quan trọng vì nó sản xuất ra hormone tuyến giáp, giúp truyền tín hiệu và kiểm soát quá trình trao đổi chất trong cơ thể. 

Do vậy khi tuyến giáp bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý như cường giáp, suy giáp hay bướu giáp… thì các bộ phận còn lại của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng tương ứng.

Bướu giáp đơn thuần hay còn gọi bướu giáp không độc là hiện tượng tuyến giáp to bất thường nhưng không có dấu hiệu của cường giáp và suy giáp, cũng như tình trạng u viêm. Phụ nữ trong thời kỳ dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bướu giáp đơn thuần cao nhất. Bướu giáp đơn thuần có 3 thể chủ yếu đó là lan tỏa, thể nhiều nốt, thể một nốt.

Ảnh 2.

Bệnh bướu giáp đơn thuần mặc dù không nguy hại tính mạng nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ảnh: Internet

2. Nguyên nhân gây ra bệnh bướu giáp đơn thuần

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra một nguyên nhân nào cụ thể gây ra bệnh bướu giáp nhưng một số tác nhân sau có thể là hình thành nên bệnh bướu giáp đơn thuần.

- Thường xuyên duy trì chế độ ăn thiếu i ốt.

- Do yếu tố di truyền bẩm sinh

- Tuyên giáp suy yếu do các bệnh lý như viêm tuyến giáp, cường giáp... gây ra.

- Bệnh nhân phải điều trị phóng xạ cũng có nguy cơ xuất hiện bướu giáp.

- Tác động của một số chất như một số chất như thiocyanat, acid para-aminosalicylic (PAS), muối lithium, cobalt, thuốc kháng giáp tổng hợp làm hình thành bướu giáp đơn thuần.

Ảnh 3.

Chế độ ăn thiếu muối i ốt có thể là nguyên nhân gây ra bệnh bướu giáp đơn thuần. Ảnh: Internet

3. Triệu chứng bệnh bướu giáp đơn thuần thường gặp 

Những người mắc bệnh bướu giáp đơn thuần thường gặp các dấu hiệu sau:

-  Xuất hiện mô mềm phì đại ở cổ hoặc gây phù nề ở mặt, cổ, ngực...

- Bướu giáp không gây đau nhưng nếu bướu hình thành do viêm thì sẽ gây đau hoặc chảy máu.

- Người bệnh cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, khó nuốt, giao tiếp khó khăn

4. Biến chứng bệnh bướu giáp đơn thuần 

Bướu giáp đơn thuần tuy là bệnh lành tính nhưng khối bướu nằm dưới cổ có thể chèn ép khí quản gây khó thở khiến hoạt động hô hấp bị cản trở. Một số trường hợp hiếm bệnh nhân gặp phải cơn ho cấp tính có thể gây nguy hiểm cho tính mạnh.

Bệnh bướu giáp đơn thuần cũng gây tác động xấu đến hệ thần kinh và hệ thanh quản. Bệnh nhân bị chèn ép thanh âm nghiêm trọng có thể gây liệt dây thanh âm.

Ngoài ra bướu giáp đơn thuần khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng tim đập nhanh nên dễ bị tăng huyết áp.

5. Chẩn đoán bệnh bướu giáp đơn thuần

Để chẩn đoán bướu giáp đơn thuần, đầu tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng kết hợp nhìn và sờ nắn. Sau đó bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra như:

- Xét nghiệm định lượng TSH huyết thanh.

- Tiến hành thăm dò về hình ảnh học qua các phương pháp siêu âm tuyến giáp, xạ hình tuyến giáp.

- Chụp X-quang và CT scan.

- Phương pháp nội soi để kiểm tra dây âm, khí quản và thần kinh.

- Tiến hành thử nghiệm phân biệt giữa bướu giáp với bệnh ung thư bằng phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNAC) để xét nghiệm tế bào học.

•Ngoài ra bệnh nhân có thể được tiến hành các xét nghiệm để phân biệt các bệnh như: Basedow, Hashimoto.

6. Điều trị bệnh bướu giáp đơn thuần 

Có hai phương pháp để điều trị bệnh bướu giáp đó là điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Điều trị nội khoa: Bệnh nhân có thể ức chế tuyến giáp bằng thyroxine,triiod hoặc levothyroxin. Tuy nhiên quá trình điều trị bằng những thuốc này cần được chỉ định liều lượng và thời gian cẩn trọng bởi lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể tác động xấu đến xương và tim mạch.

Điều trị ngoại khoa: Thông thường các phương pháp can thiệp ngoại khoa bằng phẫu thuật không được khuyến cáo vì nó có thể gây suy giáp và tỷ lệ tái phát bệnh cũng rất cao. Bệnh nhân chỉ được chỉ định phẫu thuật khi mọi phương pháp điều trị nội khoa bị vô hiệu và bướu lan toả quá lớn gây chèn ép.

Tác giả: Huyền Trang